Người thợ hàn một chân

10:12, 15/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Biến cố xảy ra ở tuổi đôi mươi, tưởng chừng sẽ làm anh Lê Tuấn Tường (46 tuổi) ở phường Trần Hưng Đạo (TP. Quảng Ngãi) gục ngã. Thế nhưng, với ý chí không đầu hàng số phận, anh đã “đứng dậy” bằng một chân, trở thành một người thợ tài hoa và là trụ cột của gia đình.

Anh Tường là con thứ trong một gia đình nghèo. Bố anh mất sớm, một mình mẹ phải chèo chống nuôi 5 người con. Hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn của gia đình, năm 15 tuổi, anh xin nghỉ học để vừa học nghề vừa làm, nhằm san sẻ bớt gánh nặng cho mẹ. Sau 3 năm theo học và phụ nghề gò hàn, cơ khí, được lời giới thiệu của người quen, anh cùng một số người bạn vào tỉnh Bình Định để làm việc ở xưởng gò hàn nồi kết tinh đường. Anh tâm sự: “Lúc đó, mình tự hứa sẽ làm việc thật chăm chỉ, cố gắng xa nhà vài năm để có tiền phụ mẹ sửa lại cái nhà cũ và tích cóp chút ít để về quê mở một tiệm gò hàn”.

 

Hằng ngày, anh Tường vẫn tất bật với công việc gò hàn của mình.
Hằng ngày, anh Tường vẫn tất bật với công việc gò hàn của mình.


Với mong ước đó, anh làm việc rất hăng say, chăm chỉ. Nhưng trớ trêu thay, làm mới hơn 1 năm thì biến cố xảy ra, mọi thứ như sụp đổ trước mắt chàng trai tuổi chớm đôi mươi này bởi vụ tai nạn lao động kinh hoàng. Anh bị cưa bỏ chân trái. Nhắc về khoảng thời gian ấy, anh bảo: “Đó là khoảng tối nhất của cuộc đời tôi. Tôi chán chường và muốn từ bỏ tất cả”. Sau hơn 1 tháng điều trị ở bệnh viện, anh được đưa về nhà để dưỡng bệnh, phục hồi sức khỏe. Về quê với ước mơ dở dang, lại là người tàn phế, số phận như đang trêu ngươi anh, đi ngược với những gì anh hằng mong đợi. Anh tâm sự: “Nhà đã nghèo, mẹ đã khổ lắm rồi lại còn lo cho tôi nữa. Nhìn thấy mẹ ngày một già, ốm đi, tôi không đành lòng nằm một chỗ, không thể là người vô dụng”.

Tự vực dậy tinh thần, anh khao khát được làm nghề đã học, thực hiện ước mơ vẫn còn dang dở của mình. Khoảng thời gian đó, qua lời giới thiệu của một số người bạn trong nghề, ở Đắk Lắk đang cần tuyển thợ gò hàn, vậy là nắm bắt cơ hội, anh thuyết phục, xin mẹ để được đi làm. Lần này ra đi, nhà chẳng còn tiền, mẹ để anh mang theo chiếc xe đạp của bà.

Lên Đắk Lắk, sau hơn 1 tuần thử việc, anh được chủ nhận và cho ở cùng gia đình. Bằng sự chăm chỉ, trung thực và tay nghề khá, anh được chủ xưởng tin tưởng, giao việc cần kỹ thuật cao như cắt tôn. Qua 3 tháng làm việc, anh được trả mức lương 700 nghìn đồng, cao nhất so với 5 người thợ trong xưởng. Sau hơn 5 năm chăm chỉ làm việc, anh tích cóp được một số tiền kha khá nên quyết định về quê để thực hiện ước mơ của mình. Anh chọn thuê một ngôi nhà nhỏ, để mở tiệm gò hàn. Những ngày đầu, khách chưa có nhiều, vì cửa tiệm nhỏ lại chẳng có bảng hiệu, nhưng cứ 1 người, 2 người đến sửa, thấy “ngon lành” rồi lại truyền tai nhau. Tiếng lành đồn xa, khoảng chừng vài tháng, cửa tiệm của anh đã tấp nập khách.

Suốt ngày quanh quẩn với máy móc, anh chẳng còn có thời gian nghĩ đến chuyện tình cảm, đúng hơn là anh làm việc thật nhiều để quên đi chuyện riêng tư. Anh nói: “Lúc đó cũng 28, 29 rồi nhưng chân cẳng vầy nên cũng ngại đi chơi, hẹn hò, cứ lo làm việc thôi”. Ấy thế mà như trời xe duyên, năm 30 tuổi, anh gặp được chị Ngọc- là khách hàng của tiệm và rồi trở thành “một nửa” của cuộc đời anh. Và đến nay đã gần 20 năm thành vợ chồng, anh chị đã có một tổ ấm hạnh phúc với một cậu con trai trong ngôi nhà do chính tay mình xây nên. Có lẽ, trong mắt nhiều người, anh là người khuyết tật nhưng với vợ con, anh là trụ cột của gia đình, là người đàn ông vững chãi nhất.

Bài, ảnh: HIỀN THU

 


.