"Mình không phải là người vô dụng"

09:11, 02/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là trải lòng của anh Lương Văn Hải (47 tuổi) ở thôn Phước Lộc Đông, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh). Dù đôi chân bị liệt từ khi mới lên 3, chỉ với đôi tay cùng nghị lực hơn người, nhưng anh Hải đã làm được những việc khiến nhiều người nể phục.

Về Tịnh Sơn (Sơn Tịnh), nói đến biệt danh Hải “lết”, ai cũng biết. Nhưng dù "lết", anh Hải vẫn luôn mạnh mẽ trong cuộc sống thường ngày.

Từ Hải “lết”…

Anh Hải kể, năm lên 3 tuổi, sau một lần tiêm thuốc bị tai biến, hai chân anh bị rút gân, nhà nghèo không có điều kiện chạy chữa nên đành “sống chung” với đôi chân teo tóp dần. Hồi đó, trong cái xóm nghèo Bàu Sen, thỉnh thoảng người ta lại thấy cậu bé Hải dùng hai tay trườn đi trên con đường đất đỏ, áo quần lấm lem bùn đất. "Có lẽ do cách tôi di chuyển nên mọi người mới gọi như vậy”, anh Hải giải thích về biệt danh của mình mà không chút e ngại.

Bằng nghị lực hơn người, anh Hải đã vượt qua nghịch cảnh để vươn lên trong cuộc sống.
Bằng nghị lực hơn người, anh Hải đã vượt qua nghịch cảnh để vươn lên trong cuộc sống.


Lên 15 tuổi, ngồi trước hiên nhà nhìn bạn bè cùng trang lứa đứa nào đứa nấy tìm đường vào Nam kiếm sống, anh Hải chỉ biết nhìn theo. Những tưởng cuộc đời anh sẽ là chuỗi những ngày dài sống trong cơ cực, tuyệt vọng. Nhưng rồi, cũng chính từ mái hiên này, hình ảnh nhiều người đi buôn đường bằng xe đạp thồ, khổ sở khi không may xe bị lủng lốp hay đứt sên mà không tìm được chỗ sửa đã đưa anh đến một ý tưởng. Một chiếc thùng đạn, với vài cái cà lê, mỏ lết… “gom” được từ hàng xóm là những đồ nghề đầu tiên để anh Hải “khởi nghiệp” sửa xe. Chưa từng học sửa xe bao giờ, nhưng nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi cộng với sự sáng dạ, anh đã dần sửa được những “bệnh” khó hơn so với công việc tâng sên, vá như ban đầu. Dần dà, tiệm anh ngày một đông khách.

…đến Hải “ba bánh”

 Năm 2001, ở Tịnh Sơn, nhu cầu nông cụ phục vụ sản xuất tăng cao, người dân phải tìm mua ở nơi khác về. Nhận thấy điều này, anh Hải quyết định “lấn sân” sang nghề hàn, gò sau nhiều đêm suy nghĩ. Những loại sắt thép phế thải qua bàn tay khéo léo của anh Hải được làm cộ chở phân chuồng, rơm rạ hay những chiếc dao xắt củ mì, cày, bừa… Tuy cách nhà anh Hải gần chục kilômét nhưng bất kể khi nào có đồ đạc bằng sắt trong nhà hư hỏng, ông Nguyễn Văn Hoà (64 tuổi), thôn Phước Lộc Tây (Tịnh Sơn) đều tìm đến anh Hải. “Nhìn cái mối hàn là biết người nó cẩn thận rồi, đồ đạc hư hỏng đưa nó sửa có khi còn chắc chắn hơn đồ mới, giá lại rẻ. Nhìn nó vậy chứ làm ăn uy tín lắm, không như nhiều chỗ khác”, ông Hoà nói.

Để phục vụ cho nhu cầu đi lại, mua vật liệu và giao hàng, anh Hải còn tự “độ” cho mình một chiếc xe máy cũ thành chiếc xe ba bánh. Từ đó, anh có biệt danh mới, Hải “ba bánh”. “Mọi người gọi tôi như vậy tôi vui lắm, vì tôi biết rằng người khác không còn nghĩ mình vô dụng nữa”, anh Hải tâm sự.

Từ bàn tay trắng, sau bao nhiêu năm nỗ lực vượt lên nghịch cảnh, tuy không quá lớn nhưng anh Hải đã có cho riêng mình một tổ ấm nhỏ với ngôi nhà khang trang. “Lúc mới cưới, hai vợ chồng chen chúc trong căn nhà chật chội. Nhưng nay cuộc sống gia đình đã khấm khá hơn, có tiền tích góp để lo cho hai đứa con ăn học sau này”, chị Nguyễn Thị Kim Chi (vợ anh Hải) cho biết.

Ông Nguyễn Thành Vy – Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Sơn cho biết, anh Hải là một điển hình vượt khó của địa phương. Là người khuyết tật nhưng không bao giờ trông chờ vào sự giúp đỡ hay hỗ trợ, mà anh còn là người rất tích cực đóng góp cho các hoạt động xã hội của xã.
 

Bài, ảnh: Lê Danh  
 


.