Để "rừng vàng" không chảy máu

09:11, 30/11/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Đến với vùng cao Trà Giang (Trà Bồng) hôm nay, điều đầu tiên gây ấn tượng với chúng tôi là khung cảnh rừng già xanh thăm thẳm, có nhiều cây tuổi thọ hàng trăm năm tuổi, đường kính 3, 4 người ôm không xuể.  Có được điều đó là nhờ vào lực lượng “kiểm lâm” tổ 4, thôn 2 đã âm thầm đấu tranh để giữ rừng.
Cả làng chung tay giữ rừng
 
Để tiếp cận được với tổ 4, thôn 2, xã Trà Giang, nhóm chúng tôi phải vượt qua chặng đường dài 7 cây số, ngót hơn 3 tiếng đồng hồ với những dốc cao, suối sâu đầy hiểm trở. Bên này là núi, bên kia là vực nếu không cẩn thận rất dễ trượt chân té ngã. Theo lời các cao niên trong thôn, thì khu vực họ cư trú có độ cao hơn 400m so với mực nước biển.
 
Sau một đêm ngủ lại nhà của Bí thư chi bộ thôn 2 Hồ Văn Đến (56 tuổi), sáng hôm sau, chúng tôi cùng với già Đến có dịp được theo chân những người giữ rừng đi tuần tra lâm tặc. Càng vào trong sâu đường đi càng khó khăn hơn, cái u ám bao trùm cộng với tiếng vắt chuyền cành kêu “rào, rào” khiến những ai mới đi lần đầu đều có cảm giác sợ sợ. 
 
Tinh ý, già Đến dõng dạc hát vang câu: “Nhớ khi giặc đến giặc lùng/ Rừng cây núi đá, ta cùng đánh Tây/ Núi giăng thành lũy sắt dày/ Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù…”  để xua tan đi bầu không khí ảm đạm, làm tăng tinh thần cho cả đoàn. Ngớt lời cũng là lúc rừng vọng lại tiếng chim thanh, tiếng thú gọi bầy như thể cởi lòng đón các vị khách đến từ phương xa.

 

Các thành viên trong Tổ bảo vệ rừng đi tuần tra.
Các thành viên trong Tổ bảo vệ rừng đi tuần tra.

 

Tổ bảo vệ rừng tổ 4, thôn 2 được thành lập với 15 hộ đồng bào tham gia, chiếm tỷ lệ 100% số hộ hiện có. 15 thanh niên, trai tráng đại diện cho15 hộ ấy đều là thành viên thường trực của tổ bảo vệ, sẵn sàng lên đường tuần tra khi có lệnh phát động.
 
Hành trang của những “kiểm lâm” thôn đơn giản chỉ là cơm đùm, gạo túm, kèm theo một ít muối rang, cây rựa bén để phát đường, phòng rắn độc. Thế nhưng, không có khó khăn nào họ không vượt qua, khắp các cánh rừng còn in dấu chân bước vội. 
 
Có những hôm mưa rừng bất chợt ập xuống không kịp trở tay, áo quần ướt sũng, tổ bảo vệ phải dựa vào gốc cổ thụ chờ mưa ngớt rồi đi tiếp, mặc cho vắt cắn chi chít vết trên người, máu chưa kịp đông. Rồi những khi phải trú lại rừng sâu vì trời tối không nhận biết được đường ra, người cảm lạnh, người sốt rét… thật vất vả và nguy hiểm biết bao. 
 
Tổ trưởng Hồ Văn Thắng, bộc bạch: “Rừng trên này còn hoang sơ lắm. Mới tạo đường hôm nay, cách dăm bữa vô lại cây dại đã mọc kín che hết lối đi. Nếu không có kinh nghiệm sẽ rất dễ bị lạc. Chỉ có tình yêu sâu nặng với rừng thì đồng bào mới gắn bó như vậy”.
 
Diện tích rừng mà tổ bảo vệ đảm nhận rất rộng, giáp ranh với cả Quảng Nam và huyện Bình Sơn với khoảng hơn 20ha, đa phần là rừng nguyên sinh. Trung bình mỗi tháng, tổ đi tuần 2-3 lần, thậm chí còn nhiều hơn vào mùa cao điểm. Số lượng thành viên cũng duy trì đều đặn, trừ lúc đau ốm thì ít hơn nhưng việc giữ rừng không vì lẽ đó mà ngắt quãng. 
 
Coi rừng là  báu vật
 
Dù công việc vất vả này chỉ được trả công bằng đồng tiền trợ cấp ít ỏi nhưng đối với đồng bào nơi đây, rừng già là tất cả đối với họ. Từ lúc sinh ra, lớn lên rồi khuất núi, những việc lớn nhỏ cũng đều dựa vào rừng. 
 
 
Những cây cổ thụ vài người ôm không xuể có nhiều ở những cánh rừng mà Tổ bảo vệ rừng tham gia quản lý, bảo vệ.
Những cây cổ thụ vài người ôm không xuể có nhiều ở những cánh rừng mà Tổ bảo vệ rừng tham gia quản lý, bảo vệ.

 

Với bà con nơi đây, giữ rừng trước mắt là để giữ nguồn nước phục vụ cho các cánh đồng, cung cấp nước uống và nước sinh hoạt cho thôn. Không những thế, rừng còn vừa che chở cho buôn làng, vừa phục vụ đắc lực vào đời sống sinh hoạt. Từ cây gỗ làm chuồng bò, chuồng trâu cũng dựa vào rừng nên rừng với họ là rất quan trọng. Rừng như một báu vật. Không có rừng, họ như mất đi một phần tài sản quý giá. 
 
Trong nội quy bảo vệ rừng của tổ 4, thôn 2 có đoạn: “Nếu ai chặt một cây trong rừng sẽ bị phạt tiền từ 50.000 đến 500.000 đồng, tùy loại cây và số lượng. Nếu muốn xin vài cây trong rừng để dựng nhà phải làm đơn thông qua thôn bản và chính quyền xã. Còn ngoài ra không được phép chặt cây, cho dù chỉ là một nhánh củi nhỏ. Ai cũng phải ra sức bảo vệ rừng”.
 
Bộ quy ước còn đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của già làng, trưởng bản và những người có uy tín trong cộng đồng. Các nội quy về bảo vệ rừng, hình phạt khi có ai chặt phá rừng luôn được Bí thư chi bộ Hồ Văn Đến lồng ghép vào trong mỗi cuộc họp hay sinh hoạt của bản. Dần dà, những giá trị, lợi ích to lớn của rừng đã ăn sâu vào tâm thức của bà con dân bản. 
 
Anh Hồ Văn Trường, Phó Bí thư xã Trà Giang, tâm sự: “Đồng bào Cor ở đây chăm sóc rừng rất tốt. Từ lúc đảm nhận đến nay chưa xảy ra vụ chặt phá nào. Dù bận bịu công việc mưu sinh nhưng họ vẫn sắp xếp được thời gian để tuần tra, kiểm soát. Nhờ vậy, rừng nguyên sinh ngày càng xanh tốt, trù phú”.
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

.