Công trình tiền tỷ nằm chờ vốn

04:11, 14/11/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Mới thi công được 70% khối lượng công trình, Trung tâm dạy nghề kiểu mẫu (TTDNKM ) huyện Sơn Tịnh đành phải “án binh bất động” do hụt vốn đầu tư. Sự chậm trễ trên khiến người lao động quanh vùng hụt hẫng...
“Đắp chiếu” nằm chờ
 
TTDNKM huyện Sơn Tịnh là một trong 10 trung tâm dạy nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đầu tư thí điểm trong giai đoạn 2012 - 2015. Công trình được bố trí xây dựng tại một vị trí đắc địa ở xã Tịnh Phong với tổng diện tích lên tới 30.000m2. Tổng vốn đầu tư ban đầu gần 38 tỷ đồng. Trong đó, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề là 33,8 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách địa phương. Công trình do Sở Lao động- Thương binh và xã hội tỉnh làm chủ đầu tư.
 
TTDNKM huyện Sơn Tịnh được xây dựng với mục đích đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là đề án mang tính chiến lược với nguồn vốn và quy mô đầu tư lớn nhất từ trước đến nay, ưu ái dành cho người nông dân vùng nông thôn, được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
 
Công trình triệu đô
TTDNKM huyện Sơn Tịnh được bố trí xây dựng tại một vị trí đắc địa ở xã Tịnh Phong với tổng diện tích lên tới 30.000m2.
 
Bên cạnh đó, công trình còn là cầu nối đắc lực, góp phần liên kết, đào tạo nghề cho lao động thuộc các khu công nghiệp chính trên địa bàn tỉnh như Khu Kinh tế Dung Quất, Khu Công nghiệp đô thị và dịch vụ Visip Quảng Ngãi…, đánh giá kỹ năng nghề cho tỉnh và các vùng phụ cận.
 
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm khởi công, công trình chỉ mới hoàn thành khoảng 70% khối lượng công việc và “đắp chiếu” nằm chờ do hụt vốn. Đó là  khảo sát dựa trên “giấy tờ”, còn thực tế thì khác hẳn, chỉ một vài khu nhà mới hoàn thành xong phần thô. Tại hiện trường, công trình ngổn ngang gạch, xi măng và sắt thép, cỏ dại mọc khắp nơi. 
 
Điều đáng nói hơn, công trình này không có rào chắn, chỉ giao cho một hộ dân gần đó trông coi. Thế nhưng, do còn xoay sở chuyện mưu sinh cá nhân nên việc quản lý, bảo vệ khá lỏng lẻo.
 
Một góc chưa hoàn thành của Trung tâm.
Một góc công trình "đắp chiếu" nằm chờ vốn hơn hai năm nay.
 
Bà Phùng Thị A (thôn Phong Niên Thượng, xã Tịnh Phong), bức xúc: “Họ xây được bấy nhiêu rồi để đấy. Hơn hai năm trời rồi còn gì. Cứ ngỡ dân lao động chúng tôi sẽ sớm được học nghề và có công ăn việc làm ổn định ở các khu công nghiệp. Ai ngờ, đợi mãi mà chẳng thấy đâu”.
 
Bà Đào Thị Xuân Thủy - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Phong, cho hay: “Dự án chậm triển khai đã khiến cho lao động địa phương mất đi một phần đất canh tác, gặp phải một số khó khăn trong việc theo học nghề."
 
Khi nào mới hoàn thành?
 
Nguyên nhân chính khiến công trình này thi công chậm tiến độ là do Bộ Lao động Thương bình và Xã hội đang tiến hành điều chỉnh nguồn vốn. Cụ thể, nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn 2011- 2015 đã “khóa sổ” sau khi rót được 10,3 tỷ đồng.
 
Ông Nguyễn Duy Nhân - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, Sở đã báo tình hình này đến các cấp liên quan. Hiện nay, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận thông tin và trong thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư, xây dựng, sớm bàn giao TTDNKM huyện Sơn Tịnh cho Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghiệp Dung Quất quản lý.
 
Ông Nhân chia sẻ thêm, hiện tại các thủ tục pháp lý đã lập xong. Chương trình mục tiêu Quốc gia sẽ tiếp tục phân bổ nguồn vốn trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng mức đầu tư từ khoảng 38 tỷ đồng giờ được nâng lên đến 86 tỷ đồng. Theo dự kiến mà Bộ đưa ra, đầu năm 2016, công trình sẽ thi công các hạng mục còn lại và sẽ đưa vào khai thác, sử dụng chậm nhất là vào quý 2.2016.
 
 
nhưng không được bảo vệ.
Vật liệu xây dựng gạch, sắt, thép... nằm ngổn ngang khắp nơi và không được trông coi cẩn thận.
 
Điểm đặc trưng của TTDNKM huyện Sơn Tịnh so với 38 cơ sở đào tạo nghề khác trên địa bàn tỉnh là Trung tâm này ngoài việc đào tạo nghề dài hạn còn có chức năng đào tạo nghề ngắn hạn (thời gian dưới 3 tháng), đáp ứng được số lượng lao động nhanh, kịp thời, chất lượng cho các doanh nghiệp.
 
Theo thống kê từ ông Lê Văn Hùng - Chủ tịch Công đoàn Công ty giày King Riches (một trong những đơn vị tham gia ký liên kết, đào tạo cùng trung tâm) thì hiện nay trong tổng số 1.400 lao động công ty đang hợp đồng làm việc thì có đến 99% lao động tại địa phương. 
 
Ông Hùng chia sẻ: “Từ năm 2016, công ty sẽ mở rộng hơn về quy mô sản xuất, đẩy mạnh việc đầu tư cho nguồn nhân lực, đội ngũ lao động dự kiến tăng lên từ 17.000 đến 20.000 người. Số lao động được đào tạo chuyên môn sau khi được tuyển dụng sẽ chiếm tỷ lệ tương đối cao. Vì thế, khi nắm được thông tin Trung tâm sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng, phía công ty cảm thấy rất phấn khởi".
 
Tuy nhiên, trước thực trạng một số cơ sở đào tạo nghề được đầu tư hoành tráng, khang trang nhưng hoạt động cầm chừng, không thực sự phát huy hiệu quả, thì liệu rằng, sau khi trung tâm này hoàn thành 100% tiến độ, liệu nó có phát huy hết vai trò của mình trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cung ứng đủ nguồn lao động chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp? Điều đó đòi hỏi cơ quan chức năng cần có những hướng đi và biện pháp thích hợp.
 
Bài, ảnh: B.Hòa - T.Hậu - H.Xuyên
 

.