Một cửa, một đầu mối

10:10, 28/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau khi sáp nhập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) ở tất cả các huyện, thành phố về trực thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh (Sở TN&MT), việc giải quyết các thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho tổ chức, cá nhân được thuận lợi hơn rất nhiều. Đây có thể xem là một “đột phá” về cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đất đai.

TIN LIÊN QUAN


Giải quyết nhanh gọn

Anh Nguyễn Văn Cường, công nhân của Công ty TNHH Doosan Vina, sau khi mua được một lô đất ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) đem đầy đủ các giấy tờ như sổ đỏ, hợp đồng mua bán, chứng minh nhân dân... đến nộp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” của TP.Quảng Ngãi. Cán bộ ở đây niềm nở tiếp nhận, hướng dẫn cặn kẽ anh điền các thông tin về thủ tục giấy tờ cấp đổi sổ đỏ, sau đó viết cho anh giấy hẹn 30 ngày sau đến nhận kết quả. Y hẹn, một tháng sau anh Cường đến và được trả kết quả với giấy chứng nhận QSDĐ đã thực hiện việc sang tên, đổi chủ.

Tiếp nhận, giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ tại Tổ tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” của TP. Quảng Ngãi.
Tiếp nhận, giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ tại Tổ tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” của TP. Quảng Ngãi.


Anh Cường là một trong số những cá nhân, tổ chức được giải quyết hồ sơ đất đai nhanh, gọn. Và để làm được như vậy là nhờ sáp nhập văn phòng ĐKĐĐ về một đầu mối theo ngành dọc từ Sở TN&MT xuống các huyện, thành phố.

Theo thống kê của Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh về tình hình đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận QSDĐ đối với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến ngày 30.9.2015, Văn phòng ĐKĐĐ, chi nhánh các huyện, thành phố đã tiếp nhận trên 28.000 hồ sơ, trong đó đã xử lý gần 25.600 hồ sơ (gồm cấp giấy CNQSDĐ lần đầu 2.470 hồ sơ; cấp đổi, cấp lại 2.355 hồ sơ, còn lại là các hồ sơ tách thửa, hợp thửa, chuyển mục đích, đính chính sai sót, chuyển nhượng...). Riêng hồ sơ chuyển từ năm 2014 sang là 18.906 hồ sơ, đến nay đã xử lý 17.754 hồ sơ.

Mặc dù số hồ sơ đất đai tồn đọng vẫn còn nhiều, nhưng con số thống kê trên cũng cho thấy khối lượng công việc được Văn phòng ĐKĐĐ hai cấp tỉnh và huyện, thành phố là rất lớn. Và không chỉ cấp giấy chứng nhận QSDĐ, Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh và chi nhánh các huyện, thành phố còn thực hiện việc cập nhật, chỉnh lý biến động hệ thống hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh...

Còn nhiều trăn trở

Bước chân vào phòng làm việc của bộ phận thẩm định cấp giấy CNQSDĐ của Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh, tôi thật sự bất ngờ với điều kiện làm việc của cán bộ, nhân viên ở đây. Căn phòng rộng chưa đến hai chục mét vuông, nhưng là nơi làm việc của 4 người, kể cả một Phó giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh cũng ngồi chung ở đây. ông Trần Trung Cường - Phó Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh cho biết, “cơ ngơi” làm việc của Văn phòng ở cấp tỉnh còn đỡ đấy, chứ ở các huyện còn “khổ” hơn nhiều. Phòng ốc chật chội, hồ sơ sổ sách “ngập đầu”, thậm chí chỗ để tài liệu còn chưa đủ nên việc bố trí phòng cháy chữa cháy ở đây chỉ được lắp đặt tạm thời.

Đối với Văn phòng ĐKĐĐ ở các huyện, thành phố, trước kia thuộc Phòng TN&MT và giám đốc văn phòng cũng là phó hoặc trưởng phòng TN&MT nên điều kiện làm việc cũng tạm ổn. Nhưng sau khi tách Văn phòng ĐKĐĐ về trực thuộc Sở TN&MT, mặc dù hiện trạng vẫn được giữ nguyên, song điều kiện làm việc vẫn còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp cho việc theo dõi, cập nhật chỉnh lý biến động đất đai còn thiếu, mỗi cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều việc. Hệ thống cơ sở dữ liệu, hồ sơ địa chính hiện chưa được xây dựng đồng bộ ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến việc chỉnh lý biến động đất đai.

Khó khăn là vậy, nhưng phải khẳng định rằng, việc sáp nhập văn phòng ĐKĐĐ về “một cửa, một đầu mối” từ tỉnh xuống huyện, thành phố là chủ trương đúng đắn, tạo thuận lợi hơn rất nhiều trong việc giải quyết thủ tục về đất đai cho tổ chức, cá nhân. Hiện nay, Văn phòng ĐKĐĐ hai cấp còn đang tiến đến việc trình hồ sơ ký, cấp giấy chứng nhận QSDĐ bằng file qua Internet, trên cơ sở đó văn phòng cấp tỉnh sẽ thẩm định, nếu đủ điều kiện thì sẽ cấp giấy chứng nhận và gửi qua đường bưu điện cho các huyện (hiện đã làm đối với huyện Lý Sơn). Qua đó giảm bớt thủ tục giấy tờ, việc đi lại của cán bộ văn phòng ĐKĐĐ cũng như người dân.
 

Bài, ảnh: PHẠM DANH
 


.