Lời giải cho bài toán đến năm 2020

06:10, 22/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015- 2020, xác định: Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống anh hùng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; phát triển toàn diện và đồng bộ kinh tế- xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh; phấn đấu sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Điều này thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng bộ tỉnh, đồng thời cũng là kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Bài học đoàn kết và nguồn nhân lực

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nói: Quảng Ngãi là tỉnh có truyền thống anh hùng, đi đầu trong nhiều phong trào cách mạng. Truyền thống ấy không phải tự nhiên có, mà nó bắt nguồn từ sự đồng lòng của dân, sự đoàn kết của đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Do đó, tỉnh nên đưa thêm vào tiêu đề Báo cáo Chính trị trình Đại hội cụm từ “phát huy truyền thống anh hùng”. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực để mỗi người dân Quảng Ngãi phấn đấu vươn lên, cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp. “Với đội ngũ cán bộ chủ chốt, không phải chuẩn bị riêng cho nhiệm kỳ này, mà cần có tầm nhìn chiến lược lâu dài, chú trọng cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người đồng bào dân tộc thiểu số… Nhưng quan trọng hơn cả là phải đoàn kết, có đoàn kết thì mới thành công”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Ứng dụng cơ giới vào đồng ruộng, góp phần tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.                                                                                         Ảnh: ĐĂNG LÂM
Ứng dụng cơ giới vào đồng ruộng, góp phần tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: ĐĂNG LÂM


Điều đó cho thấy, trong mọi giai đoạn cách mạng, con người vẫn luôn là yếu tố quan trọng và quyết định mọi vấn đề. Thực tiễn cũng đã minh chứng điều đó. Vì thế, trong nhiệm kỳ 2015- 2020, Đảng bộ tỉnh tiếp tục xác định: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ đột phá, trong đó chú trọng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị và phục vụ sản xuất kinh doanh. Thạc sĩ Lê Tiến Dũng- Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, nói: Sự quan tâm đó không phải đến nhiệm kỳ này mới có, mà liên tiếp trong hai nhiệm kỳ XVII và XVIII, Tỉnh ủy đều ban hành Nghị quyết về nguồn nhân lực. Bởi lẽ, đây là yếu tố quyết định trong công tác xây dựng Đảng, trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh ở địa phương.  

Thực tiễn hiện nay cho thấy, nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị và nguồn nhân lực phục vụ sản xuất kinh doanh luôn có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau; một bên tạo ra và quản lý cơ chế, chính sách, một bên thì vận dụng cơ chế, chính sách đó để làm ra của cải vật chất cho xã hội. Vì vậy, nếu cơ chế, chính sách đúng thì tạo cơ hội để sản xuất, kinh doanh phát triển, còn không thì ngược lại. Vì vậy, trong giai đoạn đến, tỉnh cần thực hiện chặt chẽ hơn nữa công tác quy hoạch, đánh giá, bố trí, sử dụng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị. Coi trọng hình thức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học- kỹ thuật. Hoàn thiện chính sách đãi ngộ, sử dụng cán bộ giỏi và tổ chức đào tạo chuyên gia giỏi ở một số ngành, lĩnh vực, kể cả đào tạo trong nước và nước ngoài; tránh tình trạng vừa thu hút, vừa chảy chất xám.

Đối với nguồn nhân lực cho sản xuất kinh doanh, PGS.TS Phạm Đăng Phước- Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng, phân tích: Chất lượng nguồn nhân lực có vai trò to lớn, quyết định sự phát triển của một đơn vị, địa phương hay một đất nước. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một yêu cầu cấp thiết hiện nay. Ở tỉnh ta, nguồn lao động khá dồi dào, song tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao, trong khi doanh nghiệp tại địa phương lại kêu thiếu lao động. Nguyên nhân do chất lượng đào tạo của các nhà trường có vấn đề; đào tạo không gắn với nhu cầu xã hội. Các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh còn non trẻ, chưa thể đáp ứng đầy đủ các ngành nghề khác nhau mà cơ quan, doanh nghiệp tại địa phương cần; chất lượng đầu vào của sinh viên thấp...

Mặt khác, lương công nhân hiện nay thấp, họ không thể sống được với nghề, mà thường phải làm thêm nhiều nghề phụ khác. Một số cơ sở sản xuất hoạt động không ổn định, các chế độ chính sách thực hiện không đầy đủ... tạo tâm lý cho nhiều học sinh không muốn học nghề. Đồng thời, tình trạng xã hội chạy theo bằng cấp ngày càng phổ biến, nên việc học nghề của học sinh chỉ là “giải pháp cuối cùng” khi không còn cơ hội học ở bậc cao hơn.

Phát triển công nghiệp hiện đại theo hướng nào?

Với cơ cấu kinh tế của tỉnh hiện nay (công nghiệp chiếm 62%, dịch vụ chiếm 24%, nông nghiệp chiếm 14% trong tổng GRDP) thì Quảng Ngãi là một tỉnh công nghiệp. Đến năm 2020, cơ cấu này tiếp tục có sự dịch chuyển trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ (nông nghiệp còn 11-12%, dịch vụ tăng lên 28-29% và công nghiệp 60-61%). Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, lĩnh vực công nghiệp tuy có phát triển nhưng chưa thật sự bền vững, sản phẩm công nghiệp chưa đa dạng, giá trị kinh tế còn thấp, chưa chi phối được sự phát triển của nền kinh tế, nên 5 năm qua tổng giá trị xuất khẩu chỉ đạt gần 2,4 tỷ USD. Toàn tỉnh có trên 3.700 doanh nghiệp, nhưng hầu hết là doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa và nhỏ, sức cạnh tranh thấp.

Trong giai đoạn tới, Quảng Ngãi rất cần nguồn lao động có trình độ tay nghề kỹ thuật cao.                                                Ảnh: T. LONG
Trong giai đoạn tới, Quảng Ngãi rất cần nguồn lao động có trình độ tay nghề kỹ thuật cao. Ảnh: T.LONG


Ông Ngô Văn Tụ- Giám đốc Nhà máy sữa đậu nành Việt Nam (VinaSoy), nói: Sản xuất công nghiệp của tỉnh phụ thuộc quá nhiều vào NMLD Dung Quất, Công ty CP Đường Quảng Ngãi… Nếu vì lý do nào đó mà những doanh nghiệp (DN) này phải sản xuất cầm chừng, thì ngành công nghiệp khó giữ được tỷ lệ cơ cấu 60-61% trong nền kinh tế.  

Hiện nay, Quảng Ngãi tiếp tục xác định phát triển công nghiệp vẫn là khâu đột phá và sẽ sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Để mục tiêu này trở thành hiện thực, ông Ngô Văn Tụ, đề xuất: Quảng Ngãi phải đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài, ưu tiên những ngành công nghiệp sạch, có hàm lượng công nghệ cao, xuất khẩu trực tiếp…; gắn với việc xây dựng thương hiệu DN, thương hiệu sản phẩm tầm quốc gia, quốc tế. Để làm được điều này đòi hỏi phải xây dựng cho được “con người công nghiệp”, thông qua việc hiện đại hóa nền hành chính công nhằm tạo sự hài lòng cho DN khi đến tìm kiếm cơ hội đầu tư và xây dựng đội ngũ người lao động có tác phong công nghiệp, có trình độ tay nghề, kỹ thuật cao.

Còn ông Huỳnh Kim Lập-Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư- Xây dựng Thiên Tân thì cho rằng, một nền công nghiệp hiện đại không thể thiếu lĩnh vực đô thị và dịch vụ. KCN-Đô thị- Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi ra đời cũng xuất phát từ lý do đó. Trong khi đó, các KCN của tỉnh, KKT Dung Quất ra đời từ rất sớm nhưng lại thiếu đi 2 lĩnh vực căn bản này nên chưa thật sự là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. “Hiện nay ở tỉnh ta, nhu cầu vốn đầu tư để phát triển là rất lớn, song nguồn đầu tư công ngày càng bị siết chặt, nên tỉnh cần mạnh dạn tạo cơ chế chính sách và giao cho DN đầu tư vào những lĩnh vực mà Nhà nước chưa thể hoặc không thể đầu tư được. Trong phát triển đô thị, khâu quy hoạch và quản lý quy hoạch là hai yếu tố quyết định chất lượng của đô thị”, ông Lập nói.

Một thực tế đặt ra nữa là, một khi công nghiệp phát triển thì sẽ đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, nên điều kiện việc làm, thu nhập của người nông dân chắc chắn sẽ gặp khó khăn, trong khi toàn tỉnh hiện vẫn còn khoảng 70% dân số sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó là, tỷ lệ phân hóa giàu nghèo giữa các vùng, miền trong tỉnh ngày càng rõ ràng hơn. GRDP bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 2.485 USD (vượt 13% chỉ tiêu Nghị quyết XVIII), mục tiêu đến năm 2020 là từ 3.600- 4.000USD, nhưng hiện tại tỉnh ta vẫn còn trên 16 nghìn hộ nghèo.

TS Nguyễn Kim Hiệu- Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh, nói: Để giải bài toán này tỉnh phải thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế với công tác an sinh xã hội; đẩy mạnh việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tiến hành công nghiệp nền kinh tế nông nghiệp, nhằm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Cùng với đó là phát triển mạnh lĩnh vực dịch vụ để tạo việc làm cho con em nông dân.

PHÚ ĐỨC


 


.