Sống thấp thỏm bên hồ chứa nước

09:09, 30/09/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Hơn 68% hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã "già cỗi", trong số đó có tới gần một nửa hồ xuống cấp nghiêm trọng. Đã nhiều năm qua, hàng ngàn hộ dân đang sống quanh hồ luôn phải thấp thỏm mỗi khi mùa mưa bão đến gần.

TIN LIÊN QUAN


Lo âu vì "bom nước"

Hồ chứa nước Hóc Sầm, xã Đức Phú (Mộ Đức) được xây dựng từ năm 1985 có dung tích 1,5 triệu mét khối nước. Trải qua 30 năm vận hành, hiện nền thân đập bị rỗng dưới lòng đất tạo ra hố sâu và dài cả chục mét, thân đập rệu rã, chi chít ổ mối, khiến nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân sống dưới quả “bom nước” này luôn thấp thỏm lo âu mỗi khi mưa lũ đến.

“Cứ hai ngày mưa liên tiếp là dân chúng tôi sống dưới hạ nguồn mất ăn mất ngủ khi thân đập thấm nước chảy xối xả, sợ vỡ đập”- ông Nguyễn Văn An, nhà ở phía hạ lưu hồ chứa nước Hóc Sầm lo lắng.

Cùng chung cảnh ngộ, các hộ dân sống ở phía dưới hồ chứa nước Đá Bàn ở xã Đức Tân (Mộ Đức) cũng thấp thỏm lo âu khi mùa mưa lũ lại cận kề.

Hồ chứa nước Đá Bàn có dung tích gần 1,1 triệu mét khối, có “thâm niêm” tới 37 năm vận hành nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong cơn bão số 11 năm 2009, nước đã tràn bờ đập, chính quyền địa phương phải sơ tán dân và huy động toàn bộ lực lượng công an, bộ đội để đắp thân đập, chằng chống tránh vỡ hồ.

 

Nhiều hồ chứa rơi vào tình cảnh mùa khô cạn khốc, còn mùa lũ nguy cơ vỡ đập.
Nhiều hồ mùa khô cạn trơ đáy, nhưng mùa mưa lũ lại có nguy cơ vỡ đập.

 

Chỉ tay về phía hồ chứa nước bên nhà, anh Dương Đào nói: “Lòng đất trong hồ mỗi khi tích nước xì lên, sình lầy trào dưới thân tràn xả lũ. Mùa nắng dân không có nước sản xuất trong khi hồ mất một lượng nước rất lớn vì rò rỉ, mùa mưa lại lo vỡ đập. Cứ mưa to là gia đình tôi phải đi sơ tán chờ nước rút mới dám về nhà chứ cả triệu mét khối nước treo trên đầu ai dám mang tính mạng mình ra đánh cược?”

Trong khi đó, hồ chứa nước An Phong, ở xã Bình Mỹ (Bình Sơn) cũng đang bị nứt, nước rò rỉ lai láng chảy dài đến cả km. Chính quyền và hàng trăm hộ dân đang lo lắng, vì sợ nguy hiểm đến tính mạng.

Theo kết quả kiểm tra, đánh giá an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh có 114 hồ chứa thì có đến 78 hồ xuống cấp cần được đầu tư nâng cấp sửa chữa, trong đó có 32 hồ xuống cấp nghiêm trọng và 46 hồ đang xuống cấp.

Nguyên nhân là do đa số các hồ được xây dựng trước năm 1989, nhưng mãi đến nay, nhiều công trình chưa được nâng cấp, công tác bảo vệ an toàn công trình chưa được chú trọng. Một số địa phương thiếu quan tâm đến bảo vệ công trình, dẫn đến tình trạng xâm phạm hành lang bảo vệ, đào kênh mương lấy nước tùy tiện dẫn đến công trình nhanh xuống cấp.

Điều đáng lo ngại là đa số hồ chứa này được thi công dầm nén đất thủ công nên nước rất dễ rò rỉ. Các công trình này đang là mối nguy hiểm gây thiệt hại về người và tài sản của người dân trong mùa mưa lũ khi hầu hết nằm xen giữa các khu dân cư nên nếu xảy ra sự cố thì thiệt hại sẽ khó lường.

Chủ động ứng phó

Trước mối đe dọa nguy hiểm của các công trình, những năm qua, Sở NN&PTNT đã triển khai công tác phòng chống lụt bão, bảo vệ các công trình hồ đập trong mùa mưa bão đến các đơn vị và các địa phương trong tỉnh, trong đó, đặc biệt chú trọng đến các hồ đập đang bị xuống cấp nặng, bị hư hỏng có nguy cơ bị vỡ đập.

 

Hồ chứa nước Hóc Sầm hư hỏng nặng hiện đang được tu sửa.
Hồ chứa nước Hóc Sầm hư hỏng nặng hiện đang được gia cố.


Là đơn vị quản lý 3 hồ là Đá Bàn, Hóc Sầm và Mạch Điểu, tại mỗi hồ, Trạm Quản lý thủy nông số 5 (Mộ Đức) thành lập Đội xung kích với 28 thành viên luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó khi mưa bão xảy ra.

Theo ông Lê Quang Anh- Trạm trưởng Trạm Quản lý thủy nông số 5, khi mưa bão đến nguy cơ vỡ hồ là rất lớn. Đội xung kích sẽ thực hiện phương án di dời dân, đồng thời đắp đập ứng cứu, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

Công ty TNHH MTV Công trình thủy lợi Quảng Ngãi là đơn vị quản lý 17 công trình có dung tích chứa từ 1 triệu nét khối trở lên, hiện Công ty đang đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa các hồ mà đơn vị đang quản lý như Hồ chứa nước Hóc Sầm và Đá Bàn, còn lại 3 hồ đang xuống cấp nghiêm trọng, nhưng không có kinh phí để đầu tư sửa chữa.

Tuy nhiên, việc khắc phục chỉ được số lượng nhỏ công việc. Hồ chứa nước Đá Bàn dù đã thi công nâng chiều cao thân đập được hơn 400 mét, nhưng vẫn còn tới trên 500 mét cần được đầu tư nâng cấp.

Tại hồ chứa nước Hóc Sầm, đơn vị thi công cũng chỉ tạm thời khắc phục bằng cách đổ tường dài 24 mét chắn lỗ thủng và khoan lỗ phun bê tông xuống độ sâu 5,5 mét để cứng hóa đáy bờ tràn.

Về lâu dài thì nhà nước cần quan tâm bố trí kinh phí đầu tư khắc phục, đặc biệt là các công trình đang bị xuống cấp nặng để đảm bảo an toàn tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồng thời đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

 



Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.