Đầu tư phát triển miền núi theo hướng bền vững

09:09, 21/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi có 6 huyện miền núi thì đều nằm trong số 63 huyện nghèo của cả nước. Do đó, ưu tiên nguồn lực cho miền núi để giảm nghèo nhanh và bền vững được tỉnh xác định là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2015-2020.

TIN LIÊN QUAN

Trong giai đoạn 2010-2015, với sự đầu tư của Trung ương và của tỉnh thông qua các chương trình như 135, 30a… cùng với việc phát huy nội lực, nên kinh tế - xã hội ở các huyện miền núi đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn thiện; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, từ 75 ngàn người năm 2010 xuống còn khoảng 26 ngàn người năm 2015.

 

Thi công tuyến đường Trà Phong – Trà Khê (Tây Trà).
Thi công tuyến đường Trà Phong – Trà Khê (Tây Trà).

Tuy nhiên, việc thoát nghèo cũng chưa thực sự bền vững. Để  khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020, đề ra mục tiêu là giảm nghèo ở miền núi theo hướng nâng cao trình độ dân trí, khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại trong một bộ phận hộ nghèo; phát huy tiềm năng, lợi thế của miền núi để phát triển du lịch sinh thái; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…

Tại các huyện miền núi trong tỉnh, đa phần là đồng bào thiểu số sinh sống; điều kiện phát triển khó khăn, trình độ sản xuất còn lạc hậu, dân trí còn hạn chế nên để các huyện miền núi trong tỉnh sớm thoát khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước và phát triển bền vững, thì ngoài nguồn lực về đầu tư hạ tầng, cũng cần có cơ chế đặc biệt. Theo ông Hồ Văn Thế - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, trong nhiệm kỳ đến, tỉnh cần tiếp tục có Nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo nhanh và bền vững ở miền núi, trong đó chú trọng đến nguồn nhân lực, quy hoạch đất đai, đầu tư hỗ trợ vốn sản xuất cho người dân, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận về khoa học kỹ thuật, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất mới… để họ chủ động làm ăn, cải thiện đời sống.

Ông Phạm Công Bình  - Hội đồng tư vấn KT-XH của UBMTTQVN tỉnh cho rằng, cần có chính sách ưu tiên cụ thể cho miền núi. Cụ thể là, quan tâm đầu tư kinh phí để hoàn thiện hạ tầng về giao thông, thủy lợi, trường học... Tạo điều kiện về nguồn vốn cho đồng bào thiểu số tích cực lao động, sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế thì mới có thể giảm nghèo nhanh và bền vững được.

Cùng quan điểm với ông Bình, Bí thư Huyện ủy Sơn Hà Đặng Ngọc Dũng nhấn mạnh: Những năm qua, việc đầu tư vào các huyện miền núi là rất lớn nên mở ra nhiều cơ hội để miền núi phát triển. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông, trường học, thủy lợi vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, chưa phát huy được hiệu quả. Hiện còn khoảng 40% đường giao thông về các xã vùng sâu, vùng xa ở các huyện miền núi đi lại còn rất khó khăn. Hệ thống trường lớp học, nhất là ở các điểm trường lẻ còn tạm bợ. Do đó, để giảm nghèo nhanh và bền vững, Đảng và Nhà nước cần phải tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực này.

Cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho miền núi, tỉnh ta cũng cần chú trọng đến công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ cho các huyện miền núi. Muốn đạt được mục tiêu phát triển trong nhiệm kỳ 2015-2020, đòi hỏi đội ngũ cán bộ ở miền núi phải có trình độ chuyên môn cao, đoàn kết để lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả các nhiệm vụ của địa phương. Khi đó, các chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước cho miền núi  mới mang lại hiệu quả thiết thực.

Bài, ảnh X.THIÊN

 


.