Cấp dưỡng cho con sau ly hôn: Trách nhiệm của lương tâm

02:09, 18/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hôn nhân tan vỡ, họ chia nhau tài sản và chia cả những đứa con thơ. Tòa tuyên án một người nuôi con, người kia phải có nghĩa vụ cấp dưỡng. Thế nhưng, khi chấm dứt hôn nhân, nhiều người chấm dứt luôn cả nghĩa vụ của đấng sinh thành.

Nước mắt người mẹ trẻ

Trong cơn mưa chiều lất phất, chị K. (quê Mộ Đức) vội vã đi đón hai đứa con thơ, đứa nhỏ ở nhóm trẻ tư thục, đứa lớn học trường mầm non công lập. Từ phía cửa sổ của lớp học, chị K. mỉm cười khi thấy con hồn nhiên vui đùa. Đối với người mẹ trẻ chỉ mới 33 tuổi này, niềm vui của cuộc đời giờ đây chính là hai đứa con thơ. Nói đến cuộc sống hôn nhân, chị K. nước mắt lăn dài.

Chị K. kể, vợ chồng chị yêu nhau cả chục năm trời trước khi cưới. Chị K. làm ở một cơ quan nhà nước, còn chồng làm tư nhân. Họ vui mừng không tả xiết khi con gái đầu lòng chào đời. Nhưng rồi cuộc sống với biết bao lo toan và những mối quan hệ ngoài xã hội, người chồng đã phản bội lại tình yêu và tấm lòng thủy chung của vợ, anh ta gian díu với một người phụ nữ đã có chồng, có con. Họ trải qua một thời gian dài vụng trộm, sau đó bị chị K. phát hiện. Cánh cửa cuộc đời đối với chị K. như đóng sập lại, nhưng chị đã gắng gượng để sống, để nuôi con.

Gương vỡ thì khó lành, họ đưa đơn ra tòa ly dị, nhưng oái ăm là lúc này chị phát hiện mình mang bầu cháu bé thứ hai. Tòa dừng phán quyết, đợi đến sau khi chị K. sinh con. Cuối cùng thì họ cũng chấm dứt quan hệ hôn nhân, chị K. được quyền nuôi con, người chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng.  Người chồng công khai chung sống với người phụ nữ đã có tình cảm vụng trộm trước đó và không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật. Chị K. nhiều lần điện thoại, gặp mặt để đòi tiền nhưng bất thành. Có người chau mày bảo: “Không cần đòi tiền, tự mình nuôi con, sau này hai đứa bé lớn lên sẽ biết rõ cha nó là người thế nào”. Chị K. bộc bạch: “Lương tháng của em tầm ba đến bốn triệu bạc, sao đủ nuôi hai đứa, nào tiền học, tiền ăn, tiền thuốc… Mình sao cũng được, chỉ tội nghiệp hai đứa nhỏ đã thiếu thốn tình thương của cha, lại sống thiếu thốn về vật chất so với bạn bè”.  

Bên lý, bên tình

Qua tìm hiểu tại các Chi cục Thi hành án, chúng tôi được biết có khá nhiều trường hợp mặc dù tòa đã tuyên án người vợ được quyền nuôi con, người chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho đến khi con trưởng thành, thế nhưng người chồng vẫn không thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Thanh Bình-Phó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án TP.Quảng Ngãi cho biết, sau khi tòa quyết định nếu người chồng không thực hiện cấp dưỡng thì người vợ làm đơn yêu cầu gửi cơ quan thi hành án. Trường hợp qua xác minh, người chồng có điều kiện mà không thi hành sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế. Nếu không có điều kiện thì lưu hồ sơ theo dõi, khi nào có điều kiện thì ra quyết định thi hành. Ông Bình cho biết thêm, ở TP.Quảng Ngãi có trường hợp bị cưỡng chế dưới hình thức khấu trừ lương. Trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay có hơn 30% trường hợp không thi hành nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

Thế nhưng, thực tế đâu phải trường hợp nào cũng có thể cưỡng chế buộc thi hành án. Đơn cử như trường hợp của anh H. và chị N. (quê ở TP.Quảng Ngãi). Tòa quyết chị N. nuôi con (cháu bé SN 2001), anh H. có nghĩa vụ mỗi tháng chu cấp 500.000 đồng cho đến khi con đủ 18 tuổi. Họ có tài sản chung là ngôi nhà trị giá 150 triệu đồng, anh H. nhận ngôi nhà và đưa lại cho chị  N. số tiền 75 triệu đồng. Từ tháng 7.2010 đến tháng 3.2012 anh H.  cấp dưỡng đầy đủ, nhưng từ tháng 3.2012 đến nay thì không cấp dưỡng. Một cán bộ đơn vị thi hành án cho biết, qua xác minh thì được biết anh H. đã cưới vợ khác và có con. Anh làm thợ hồ, thu nhập bấp bênh, lại phải chăm lo cho gia đình mới nên khó thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. “Anh H. có ngôi nhà trị giá 150 triệu đồng nhưng cũng khó kê biên, nói chứ còn cái tình nữa... Hoàn cảnh của anh H. cũng khó. Có những trường hợp mình động viên, thuyết phục là chủ yếu”, cán bộ này nói.  

Sau ly hôn, có không ít trường hợp người chồng cưới vợ mới và người vợ này không đồng ý để chồng chu cấp tiền nuôi con riêng. Nhưng cũng có trường hợp người vợ mới thay chồng đóng tiền cấp dưỡng cho con của vợ trước. Nhưng đáng buồn là sau ly hôn, nhiều người chồng có điều kiện nhưng quên đi nghĩa vụ làm cha của mình. Chỉ tội cho những đứa con thơ, chúng phải chịu cảnh chia lìa tình thân, chứng kiến sự đau thương, đổ vỡ của gia đình.

Minh Anh
 


.