Hội Người mù tỉnh: Tích cực chăm lo đời sống hội viên

09:06, 15/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trải qua nhiều năm hoạt động, Hội Người mù tỉnh đã có nhiều việc làm  thiết thực giúp cho các hội viên hòa nhập cộng đồng như: Dạy chữ, tạo việc làm, đặc biệt là cầu nối trái tim giữa các hội viên với nhau.

Là người gắn bó với Hội Người mù tỉnh từ những ngày đầu mới thành lập, ông Trương Văn Minh - Ủy viên Ban thường vụ Hội Người mù tỉnh là người hết sức tâm huyết trong công tác của hội. Năm 16 tuổi, ông nhập ngũ, hơn 10 năm tham gia kháng chiến tại chiến trường Campuchia, rồi bị thương nặng khiến chàng trai đang tuổi thanh xuân với bao nhiệt huyết trở thành người khiếm thị. Nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần đã nhiều lúc làm ông mệt mỏi, chán chường, nhưng từ khi gặp được người con gái - dám yêu và dám cùng ông đi hết quãng đời còn lại, đã vực dậy sức mạnh và lý tưởng sống nơi ông.

Những cây chổi do các hội viên Hội Người mù huyện Tư Nghĩa làm ra.
Những cây chổi do các hội viên Hội Người mù huyện Tư Nghĩa làm ra.


Trở về quê hương Sơn Tịnh, ông tích cực làm việc và được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Người mù huyện. Chính vì hiểu nỗi đau, tâm lý của những người khiếm thị, gần 20 năm qua ông luôn ra sức giúp đỡ những người mù trên địa bàn tỉnh. Lúc đầu, ở các huyện chưa thành lập Hội Người mù, ông không quản ngại khó khăn đi đến các vùng núi cao, hẻo lánh xa xôi để động viên những người mù ở địa phương xuống tham gia các lớp học dạy chữ, dạy nghề để không tách biệt khỏi cộng đồng. “Hầu hết người mù đều có tâm lý chung là tự ti, ngại tiếp xúc và rất thụ động. Hiểu được điều đó nên tôi lấy mình ra để nói chuyện, để thuyết phục họ và người thân. Lần một không được thì lên lần hai, lần ba rồi gia đình họ thấy mình tâm huyết, chân thành nên cũng đồng ý cho người thân cùng chúng tôi xuống học con chữ, học nghề”, ông Minh tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Bảo Quyên (37 tuổi) quê ở xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng là một trong số người khiếm thị được ông Minh tích cực vận động hòa nhập cộng đồng. Tham gia hội năm 2004, từ một người sống dựa vào gia đình, giờ đây chị đã biết tự chăm sóc bản thân và lao động kiếm tiền bằng nghề xoa bóp cổ truyền. Chị Quyên vui vẻ chia sẻ: “Lúc đầu nghe xa gia đình, tôi sợ lắm. Nhưng được sự thuyết phục của chú Minh tôi đã mạnh dạn xa gia đình một thời gian xem như thế nào. Khi xuống ở tại trụ sở của Hội Người mù tỉnh, tôi được gặp và chung sống, học tập với những người cùng cảnh ngộ, nên bao nhiêu lo lắng đều tan biến hết, thay vào đó là sự vui vẻ, tự tin. Giờ gắn bó với nơi đây đã hơn 10 năm, Hội như chính là ngôi nhà thứ hai của tôi”.

Không riêng gì chị Quyên, mà ở đây còn có rất nhiều hội viên đã quen với cuộc sống mới. Họ không còn sống trong “bóng tối” và lặng yên. Cuộc sống của những hội viên đã trở nên mới mẻ, vui tươi hơn. Hằng ngày, họ được học con chữ, được học nghề để tự lo cho bản thân. Ba tháng học chữ, 6 tháng học nghề và cùng nhau làm việc, sinh hoạt đã giúp những con người chỉ biết sống trong sợ hãi, tối tăm đã tự đi bằng chính đôi chân của mình. Đó chính là thành công lớn nhất mà hội đã làm được.

Đặc biệt, các lớp học còn trở thành “nhịp cầu trái tim” se duyên vợ chồng cho nhiều người cùng cảnh ngộ. Chị Trà, anh Thắng là một trong số những cặp thành vợ chồng ở ngôi nhà chung này. Chị quê ở Nghĩa Hành, còn anh quê ở TP.Quảng Ngãi, hai người ở hai nơi nhưng nhờ có Hội Người mù tỉnh mà hai anh chị đã gặp và yêu nhau, nên duyên vợ chồng và có với nhau một cậu con trai kháu khỉnh nay đã lên 4 tuổi. “Đối với những người khiếm thị như chúng tôi, hạnh phúc lứa đôi là một điều không dễ dàng gì có được. Cũng nhờ có Hội mà chúng tôi biết nhau, đến với nhau nên chúng tôi càng trân trọng duyên phận này hơn”, anh Thắng trải lòng.

Trải qua 16 năm hoạt động, đến nay Hội đã có 1.200 hội viên; thường xuyên tổ chức các lớp dạy chữ, dạy nghề cho các hội viên. Hiện nay, Hội đã thành lập 5 cơ sở sản xuất tập trung để làm chổi, rèm trúc và 4 cơ sở xoa bóp cổ truyền. Đến nay, Hội đã giúp đỡ 490 hội viên có việc làm, trong đó 206 hội viên có công việc ổn định; tổ chức cho 150- 160 hộ gia đình hội viên vay vốn để kinh doanh, sản xuất. Ngoài việc chăm lo việc làm, phát triển kinh tế cho hội viên, Hội Người mù tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động để động viên tinh thần và gắn kết tình cảm của các hội viên, như tổ chức gặp mặt, giao lưu văn hóa - văn nghệ… Với những hoạt động thiết thực đó, nhiều năm qua, Hội Người mù tỉnh đã nhận được nhiều bằng khen của Trung ương Hội, UBND tỉnh trao tặng.

Bài, ảnh: Đ. SƯƠNG-H.THU
 


.