Vài suy nghĩ về tập trung sức lực xây dựng miền núi

01:05, 06/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ ngày tái lập tỉnh, trong các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh đều có một phần quan trọng  dành cho nhiệm vụ xây dựng miền núi. Kết quả đem lại là bộ mặt miền núi từng bước được đổi thay, KT-XH ngày một phát triển. Có thể dễ nhận thấy một hệ thống các tuyến đường được nâng cấp từ vùng biển lên miền núi, các tuyến đường nối liền thành phố Quảng Ngãi đến trung tâm các huyện Trà Bồng - Tây Trà; Sơn Hà-Sơn Tây, Ba Tơ-Minh Long. Và các tuyến đường ngang nối Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long đã ngày một tốt hơn.

Có đường giao thông là có kinh tế phát triển, văn hóa - xã hội ngày một hướng tới văn minh, chất lượng cuộc sống người dân ngày được đảm bảo và cải thiện. Y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ cùng đội ngũ cán bộ tiến dần lên vùng cao. Các cơ sở công nghiệp cũng được hình thành, bắt đầu là nhà máy sản xuất tinh bột mì Sơn Hải, tiếp đó là Nhà máy thủy điện Hà Nang, Nhà máy Thủy điện Đắkđrinh. Các vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy chế biến ngày thêm mở rộng, vùng nguyên liệu mỳ, gỗ được phát triển. Điều kiện để mở rộng thị trấn Ba Tơ, Di Lăng, Nghĩa Hành, Trà Bồng và hình thành thị trấn Tây Trà, Minh Long cũng đã hiện hữu.

 Đập thủy lợi ở huyện miền núi Sơn Hà, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển.                                                                                  Ảnh: PD
Đập thủy lợi ở huyện miền núi Sơn Hà, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển. Ảnh: PD


Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra về phát triển KT-XH miền núi, với những yêu cầu bức xúc được đặt ra thì tốc độ phát triển còn chậm, chưa thực hiện được mong muốn, kỳ vọng của nhân dân trong tỉnh. Tốc độ phát triển chậm có những nguyên nhân khách quan mà miền núi nơi nào cũng gặp phải dù ở miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên hay Nam Bộ. Nhưng nguyên nhân chủ quan là do chưa dành nguồn lực thỏa đáng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng phát triển lâm nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt, chế biến và đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi. Chưa quan tâm đầy đủ trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có tay nghề cao, bao gồm cả kỹ sư nông, lâm nghiệp và công nhân.  

Chưa đầu tư thỏa đáng cho ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực trồng rừng, chế biến lâm sản bao gồm cả gỗ và các sản phẩm ngoài gỗ, cho chăn nuôi để nâng cao giá trị gia tăng. Việc sử dụng nguồn lực, đồng vốn từ các chương trình mục tiêu 134, 135 của Nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, phát triển văn hóa - xã hội hiệu quả chưa cao. Từ năm 2010 đến nay, thực hiện các dự án, chương trình theo Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững gặp phải khó khăn về nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, công tác xã hội hóa chưa mang lại kết quả như mong muốn. Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới thì miền núi đạt kết quả còn rất thấp.

Chúng ta đang tiến hành hàng loạt công việc để tiến hành Đại hội Đảng từ cơ sở tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Nhiệm vụ phát triển  KT-XH miền núi phải được đặt lên tầm chiến lược. Phải chăng lúc này cần có nghị quyết về phát triển KT-XH miền núi với tầm như phát triển kinh tế biển.

Để làm được điều đó, có mấy ý tưởng xin được nêu ra sau đây: Trước nhất, cần tổ chức điều tra kỹ dự trữ đất đai, lâm sản, khoáng sản và lập bản đồ thổ nhưỡng 6 huyện miền núi. Trên cơ sở đó lập quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH miền núi đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030. Có chính sách động viên người miền xuôi lên khai hoang, lập nghiệp ở miền núi, bắt đầu là các tổ chức thanh niên tình nguyện của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh làm nòng cốt và thu hút số lao động dôi dư do tổ chức lại sản xuất ở nông thôn theo đề án tái cơ cấu ngành  nông nghiệp của tỉnh. Tỉnh ưu tiên tập trung nguồn lực để xây dựng miền núi và có cơ chế chính sách hấp dẫn, huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đầu tư vào các huyện miền núi.

Và điều quan trọng có tính quyết định là đào tạo, xây dựng được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chuyên môn  nghiệp vụ có đủ năng lực và phẩm chất sẵn sàng phục vụ lâu dài ở miền núi. Tỉnh có chính sách "nuôi dưỡng" tốt để đội ngũ cán bộ này nỗ lực làm việc, lo cho dân, tất cả vì dân và tất cả vì sự nghiệp phát triển miền núi Quảng Ngãi.


Trịnh Quang Hạo


 


.