Kiên trì đi tìm hài cốt đồng đội

10:05, 01/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù đôi chân không còn đủ sức để xông pha như trước, nhưng cựu chiến binh Nguyễn Văn Quý ở xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) và Bùi Hồng Việt ở phường Trương Quang Trọng (TP. Quảng Ngãi) vẫn miệt mài đi tìm hài cốt liệt sĩ. Như những cánh chim không biết mỏi, họ đã ra Bắc vào Nam, trèo đèo, lội suối chỉ với một tâm nguyện là tìm và đưa được hài cốt của đồng chí, đồng đội mình về với người thân.

Bây giờ sức khỏe ông Bùi Hồng Việt và ông Nguyễn Văn Quý đã giảm sút. Mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương năm xưa lại nhói lên hành hạ các ông. Thế nhưng, trong suy nghĩ, so với những đồng đội cùng thời thì các ông còn hạnh phúc hơn nhiều. Điều đó thôi thúc các ông đi tìm cho được những đồng đội đã anh dũng hy sinh vì độc lập, thống nhất đất nước, vì tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Cựu chiến binh Bùi Hồng Việt nguyên là Phó Ban quân báo Tỉnh đội Quảng Ngãi. Trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, đến nay ông đã về hưu nhưng vẫn không chịu ngơi nghỉ. Mỗi khi nghe có thông tin về mộ liệt sĩ là ông lại khăn gói lên đường tìm kiếm.

Trong hành trình đi tìm mộ liệt sĩ, ông Việt nhớ nhất là chuyến đi tìm mộ liệt sĩ Bùi Văn Kim, quê ở thị trấn Sơn Tịnh (nay là phường Trương Quang Trọng, TP. Quảng Ngãi). Trước đây, liệt sĩ Bùi Văn Kim là Tiểu đội trưởng bộ đội địa phương huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước, hy sinh năm 1968. Biết được thông tin trên, năm 2007, ông Việt cùng với người thân của liệt sĩ Kim vào tận Phước Long để tìm mộ. Chuyến đi kéo dài trong nhiều ngày và phải ra vào tỉnh Bình Phước ba lần, ông Việt và gia đình liệt sĩ Kim mới tìm thấy mộ.

Ông Nguyễn Văn Quý kiểm tra lại danh sách những liệt sĩ chưa tìm thấy mộ để tiếp tục công cuộc tìm kiếm.
Ông Nguyễn Văn Quý kiểm tra lại danh sách những liệt sĩ chưa tìm thấy mộ để tiếp tục công cuộc tìm kiếm.


Hay như lần ông cùng bốn người khác đi tìm mộ liệt sĩ Hồ Hoài Nam, quê ở Sơn Tịnh, hy sinh năm 1979 ở chiến trường Campuchia, nhưng được đồng đội đưa về an táng ở Nghĩa trang Nhà Bàng, giáp ranh với cửa khẩu Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Công cuộc tìm kiếm cũng chẳng dễ dàng chút nào. Để có được thông tin chính xác về phần mộ liệt sĩ Nam, ông Việt phải đi hỏi ở nhiều cơ quan, đơn vị. Cuối cùng ông cũng đến được Nghĩa trang Nhà Bàng, đưa hài cốt của liệt sĩ Nam về với người thân.

Không chỉ có liệt sĩ Kim và liệt sĩ Nam mà hơn chục năm qua, ông Việt đã tìm được rất nhiều phần mộ liệt sĩ khác. Trong đó, chỉ tính riêng năm 2007, ông Việt đã tìm được 6 mộ liệt sĩ, quy tập về các nghĩa trang.

Được sống trong những ngày đất nước hòa bình đối với ông Quý là một hạnh phúc lớn lao. Do đó, mỗi khi nghĩ đến những đồng chí, đồng đội vẫn còn nằm lại ở núi rừng xa xôi, lòng cựu chiến binh Nguyễn Văn Quý , nguyên là Xã đội trưởng Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) lại quặn đau. Vì vậy trong suốt 40 năm qua, ông Quý đã cùng với đồng đội tìm và quy tập trên 500 phần mộ liệt sĩ, đưa về an táng tại các nghĩa trang địa phương và trao lại cho thân nhân ở các tỉnh phía bắc. Trong đó có lần cùng một lúc ông tìm thấy 37 mộ liệt sĩ.

Đó là năm 2007, sau khi có thông tin ở vùng núi giáp ranh giữa Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa) và Sơn Nham (Sơn Hà) – nơi Bệnh xá B21 đóng (giai đoạn 1965-1967) có 72 mộ liệt sĩ được an táng chung một chỗ. Tuy nhiên, chuyện đi tìm mộ chẳng hề đơn giản vì đường đi cách trở, địa hình thay đổi khó xác định địa điểm chôn cất.

Trải qua hai năm tìm kiếm, những dấu chân của ông Quý  cùng đồng đội cũng đã dẫm nát vùng núi này, nhưng vẫn không có manh mối. Song dù vất vả đến đâu ông Quý vẫn không bỏ cuộc. Nghĩ là làm, một hôm ông dẫn theo mấy anh em tiếp tục công cuộc tìm kiếm thì phát hiện thấy một hòn đá nặng khoảng 30 kg có khắc tên liệt sĩ  Nguyễn Tài Ba, quê ở Phú Yên.

Lần theo dấu vết của hòn đá và theo kinh nghiệm của nhiều lần đi tìm mộ liệt sĩ, ông Quý bảo các anh em cứ cách 2m thì đào. Quả thật với cách làm trên, ông cùng đồng đội đã tìm được 37 phần mộ liệt sĩ. Còn 35 phần mộ khác thì do địa hình hiểm trở nên ông chưa thể tìm được.

Trong nhiều lần đi tìm mộ liệt sĩ, điều khiến ông day dứt nhất chính là lần tìm hài cốt của một liệt sĩ thuộc đơn vị Thông tin H18 đóng ở chân núi Hòn Vồ (Nghĩa Sơn), bị B52 Mỹ ném sập hầm năm 1968. Sau khi nắm kỹ thông tin và phác họa sơ đồ, năm 2011, ông cùng với các đồng chí trong Hội Cựu chiến binh xã Nghĩa Lâm đến vùng núi Nghĩa Sơn để tìm. Quá trình tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn do sập hầm nên hài cốt bị vùi sâu dưới 2m. Điều lạ hơn nữa là tìm mãi nhưng cũng chỉ tìm được một nửa hài cốt và đưa về cải táng tại nghĩa trang địa phương. “Nhưng đêm hôm đó, tôi không ngủ được, đầu óc cứ luôn nghĩ về một nửa hài cốt chưa tìm thấy”, ông Quý trăn trở. Thế là sáng hôm sau, ông Quý cùng ba đồng chí khác quay trở lại tìm kiếm và cuối cùng cũng đã tìm được.

Trước khi ra về, ông Quý còn đưa cho tôi xem một xấp tài liệu, kèm theo mấy tấm bản đồ do ông phác họa những địa điểm có hài cốt liệt sĩ. Ông bảo: “Phải tranh thủ lúc còn khỏe đi tìm cháu à! Tìm thấy sớm lúc nào thì mừng lúc ấy. Đặc biệt là 35 phần mộ liệt sĩ ở Nghĩa Sơn, bằng mọi giá phải đưa các anh về!”.

 

HỒNG HOA
 


.