Khi dân bảo vệ công trình...

03:05, 19/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Gần 10 năm qua,  nhiều công trình nước sinh hoạt ở các huyện miền núi được đầu tư với quy mô lớn bị hư hỏng gây lãng phí tiền của Nhà nước.  Tuy nhiên, công trình nước sinh hoạt ở hố Hai Chi, thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) đầu tư ít tiền, nhưng lại phát huy tác dụng lâu dài. Hiệu quả này là nhờ người dân đồng lòng bảo vệ công trình.  

TIN LIÊN QUAN

Tận hưởng dòng nước mát

Giữa trưa tháng 5, nắng như đổ lửa, bà Nguyễn Thị Loan thôn Trường Lệ từ đồng về không còn phải đi lấy nước từ các mạch nguồn, giếng khơi như trước. Bà chỉ cần mở van là dòng nước mát chảy từ ống dẫn đặt trên núi đưa về ngay vào bồn chứa. Bà Loan bảo: “Nước này đảm bảo vệ sinh, mát ngọt lắm! Chế nước chè tươi cũng vàng ươm! Gần chục năm nay không còn cảnh phải lo dậy sớm lọc nước để nấu ăn, uống nữa…”.

Kể từ khi có nước sạch, bà con thôn Trường Lệ an tâm dùng nước trong sinh hoạt.
Kể từ khi có nước sạch, bà con thôn Trường Lệ an tâm dùng nước trong sinh hoạt.


Thôn Trường Lệ nằm bên núi Lớn. Nhờ rừng mà nước đổ về quanh năm. Tuy nhiên, nước đến dân phải qua ruộng đồng, nên bị nhiễm phèn. Dân làng tìm nhiều cách để lấy nước từ hố đưa về nhưng vẫn không thành, vì nước nguồn không nhiễm phèn thì lại nhiễm bẩn. Bao năm người dân thôn Trường Lệ đã phải sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh. Nhiều trường hợp bị bệnh đường ruột, áo quần học sinh chỉ giặt qua vài nước đã ố vàng...

Năm 2006, từ nguồn vốn của Chương trình 134, xã Hành Tín Đông đã chọn thôn Trường Lệ đầu tư hơn 220 triệu đồng để xây dựng công trình nước sinh hoạt cộng đồng tại hố Hai Chi giúp 34 hộ dân nằm sát bên rừng có nguồn nước hợp vệ sinh.

“Ngày khởi công công trình bà con trong thôn ai cũng vui mừng. Dù bận rộn ngày mùa, nhưng mỗi hộ trong đội giám sát thay phiên nhau lên trông nom, giúp sức cùng đội thi công để sớm hoàn thành”, anh Cao Thanh Hà-người chịu trách nhiệm trông coi công trình giai đoạn thi công bộc bạch.

Công trình được xây dựng với quy mô nhỏ, gồm đường ống dẫn nước hơn 1km, bể lọc  và 9 bể chứa nước đặt ở các khu dân cư. Công trình này hằng ngày có thể lọc sạch 90m3 nước đưa về cho bà con sử dụng.

Khi dân đồng lòng bảo vệ công trình

Công trình nước sinh hoạt cộng đồng thôn Trường Lệ nằm cách thôn khoảng 1km. Đường ống dẫn nước về bể lọc và từ bể lọc đưa về các bể khu dân cư lại nhỏ. Bể lọc lại nằm bên hố nước nên mỗi khi mưa lũ về, công trình không tránh khỏi bị đất cát, đá sạn trôi lấp, đường ống gãy... gây tắc nghẽn đường nước. Đây là thực trạng chung của các công trình nước sinh hoạt ở các huyện miền núi. Vì vậy mà nhiều công trình mới đưa vào sử dụng đã không phát huy tác dụng. Nhưng, sở dĩ công trình nước sinh hoạt cộng đồng thôn Trường Lệ lại đều đặn đưa dòng nước mát về cho dân gần 10 năm nay là nhờ sự bảo quản công trình của dân làng. Ngay sau khi công trình nước sinh hoạt thôn Trường Lệ đưa vào sử dụng, dân làng đã họp và bầu anh Cao Thanh Hà có trách nhiệm chính bảo quản công trình.

Theo lý thì trách nhiệm của anh Hà không nặng nề. Hằng ngày, anh nhận thông báo nơi nào không có nước thì anh tìm cách khắc phục. Lúc thì thay van vặn nước, lúc vớt rác nơi đầu ống dẫn nước, sửa chữa đường ống khi bị vỡ, nứt, gẫy; lúc nhắc nhở bà con sử dụng nước đúng cách. “Đáng lo nhất là mùa mưa về. Lũ lụt thường hay làm hư hỏng công trình, nhưng rất khó khắc phục. Nếu không có dân làng thì khó bảo vệ được công trình”-anh Hà nói. Đợt lũ cuối năm 2013, nước đổ về quá mạnh bẻ gẫy ống dẫn nước.

Sau lũ lụt, dân làng đã cùng anh Hà đóng góp tiền mua đường ống, nạo vét đất đá, súc hồ, để công trình hoạt động trở lại. Vì vậy mà công trình nước sinh hoạt cộng đồng thôn Trường Lệ trải qua bao mùa mưa nắng, nhưng đến nay vẫn phát huy tác dụng. Ý thức bảo vệ công trình từ người dân như ở thôn Trường Lệ rất đáng nhân rộng ra các huyện miền núi. Có vậy mới góp phần tránh lãng phí tiền của Nhà nước khi xây dựng công trình nước sinh hoạt cho dân ở các địa phương vùng sâu, vùng xa.

 

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.