Gánh nỗi đau cho chồng

10:05, 26/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù biết nghề lặn biển mang đầy bất trắc, nhưng hơn 60% ngư dân Lý Sơn vẫn phải gắn bó vì kế mưu sinh. Để rồi, sau mỗi phiên lặn, có những người mãi mãi nằm lại nơi biển khơi, có những người trở về mà “bán thân bất toại”. Đằng sau sự sống của các thợ lặn bại liệt ấy, là nghị lực mạnh mẽ của những người vợ âm thầm “vá” cuộc đời chồng.

TIN LIÊN QUAN


Hy sinh thầm lặng

Men theo con dốc nhỏ ở thôn Tây, xã An Vĩnh, chúng tôi tìm đến mái ấm của thợ lặn Đặng Dư  (43 tuổi) và người vợ trẻ Trần Thị Trọng (38 tuổi). Tại khoảng sân trống cạnh nhà, anh Dư đang chậm rãi bám tay vợ tập đi. Những bước đi khập khiễng “quý giá” của người thợ lặn trở về từ cõi chết đang là niềm vui tột cùng của gia đình nhỏ này. Chị Trọng không nhớ nổi chồng mình theo nghề lặn đã bao nhiêu năm, nhưng cái ngày định mệnh, khi anh Dư trở về, nằm co rúm trên đôi tay người bạn lặn, thì chị không thể nào quên. Tai biến do sức ép của nước trong lúc lặn đã khiến anh tê liệt toàn thân, may mắn cấp cứu kịp thời mới giữ được mạng sống. Thời điểm ấy, anh chị mới kết hôn 2 năm, vẫn chưa có con cái. Cha mẹ anh đều đã qua đời, chỉ còn mình chị tất tả, chạy vạy khắp nơi để chữa trị cho anh.

 

Chị Trọng và con giúp anh Dư tập đi hằng ngày.
Chị Trọng và con giúp anh Dư tập đi hằng ngày.


Anh Dư nhớ lại: “Có lúc, tôi nghĩ đời mình vậy là hết rồi. Nhất là khi nghe những người đi lặn bị bại liệt trước đó, nằm 1 chỗ vài năm rồi chết, còn không cũng là gánh nặng cho vợ con suốt đời. Nghĩ vậy, mình lại suy sụp và chỉ muốn buông xuôi. Nhưng cô ấy thì không, lúc nào cũng nhất quyết phải chữa trị cho mình. Hễ nghe ở đâu có thể chữa tai biến do lặn biển là cô ấy lại đưa mình đến”. Từ Khánh Hòa, Sài Gòn, Hải Phòng rồi về lại Quảng Ngãi, suốt 3 năm trời, chị Trọng bế bồng người chồng co quắp bé nhỏ, ngược xuôi trên những chuyến tàu, xe. Sự yêu thương, chăm sóc ngày đêm của chị đã tiếp thêm nghị lực cho anh chiến đấu với bệnh tật. Sau 3 năm châm cứu, vật lý trị liệu, từ một người nằm liệt, anh Dư dần hồi phục và có thể bước đi những bước khập khiễng. Đối với một thợ lặn bại liệt nặng như anh, sự hồi phục ấy là điều kỳ diệu.

Và điều kỳ diệu ấy là động lực để chị hy sinh, bù đắp cho anh nhiều hơn. 10 năm qua, sáng nào chị cũng dậy thật sớm, làm vệ sinh cho chồng rồi dìu anh tập đi. Hai vợ chồng bước bên nhau chậm rãi, hàn huyên với nhau về cuộc đời, để xoa dịu nỗi đau trong mỗi bước đi của anh. Rồi khi mặt trời bừng sáng nơi chân biển, chị lại lao vào cuộc mưu sinh. Để có thời gian linh động về chăm sóc chồng, chị bỏ công việc phụ hồ trước đây, chuyển qua thu mua ve chai trong xã. Chị tâm sự: “Đi làm nửa buổi, mình lại tạt qua nhà, cất bớt vỏ chai và “dòm chừng” anh thế nào. Vì bệnh tật của anh không thể có con nên 2 năm nay, anh chị nhận nuôi 1 người cháu gái, để gia đình có thêm tiếng trẻ thơ. Con nuôi của anh chị năm nay đã 7 tuổi, cháu sắp vào lớp 1. Chị sẽ phải vất vả hơn nữa để chăm sóc và nuôi nấng chồng, con.

Để nước mắt ngừng rơi

Ở Lý Sơn, còn hàng chục người vợ, người mẹ cùng cảnh ngộ như chị Trọng. Họ là những người đàn bà miền biển đầy nghị lực. Khi chồng, con vươn khơi, công việc ở nhà nuôi dạy con cái, họ một tay quán xuyến. Nhưng khi chồng không còn trở về hay trở về không lành lặn, họ lại mạnh mẽ vượt qua nỗi đau để trở thành chỗ dựa, gánh vác gia đình. Chị Nguyễn Thị Hoa, vợ của thợ lặn Nguyễn Dũng ở khu dân cư số 3, xã An Vĩnh là một trong những người phụ nữ như vậy. Thời gian trước đây, anh Dũng còn khỏe mạnh, quanh năm anh đi lặn ở đảo xa.

Một mình chị quán xuyến và chăm lo cho 5 người con đều đang tuổi đi học. Lúc ấy các con còn nhỏ, chị vừa làm 1 sào tỏi của gia đình, vừa cơm nước, giặt giũ và dạy con học, để chồng yên tâm ra khơi. Ba năm gần đây, anh Dũng bị thoái hóa xương do di chứng của hàng chục năm hành nghề lặn biển. Năm 2014, anh phải mổ khớp xương và không thể lao động nặng được nữa. Chị Hoa lại cần mẫn, làm lụng nhiều hơn để trang trải cho gia đình. Chị làm thêm đủ nghề, từ làm đồng, lột hành tỏi thuê…

 Ngày nào cũng quần quật từ 6 giờ sáng đến 18 giờ tối mới trở về nhà. Còn anh Dũng, mỗi khi khỏe, anh vẫn đi lặn gần. Anh chua chát tâm sự: “Biết sức khỏe của mình bây giờ mà đi lặn là đối mặt với tử thần, nhưng không làm thì tiền đâu lo cho mấy đứa nhỏ đi học và trả số nợ chữa bệnh”. Có lẽ, vì thương cha mẹ mà 5 người con của anh chị luôn động viên nhau vượt qua khó khăn để học tập. Người con gái lớn đang học năm cuối Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm, 4 cháu còn lại cũng đều là học sinh khá, giỏi.

Nỗi đau từ biển, không chỉ những người thợ lặn mà những người phụ nữ lấy chồng thợ lặn như chị Hoa, chị Trọng… đều không muốn nhưng cũng phải chấp nhận, vì đó là kế mưu sinh. Họ lặng lẽ hy sinh cuộc đời mình, để con cái được đi học. Nhìn 5 người con hiếu thảo và chăm học của anh Dũng, chị Hoa, chúng tôi thầm hy vọng rồi đây các cháu sẽ là những kỹ sư, bác sỹ góp phần xây dựng quê hương..

Bài, ảnh: HÀ XUYÊN
 


.