Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Nhiều sửa đổi liên quan đến tài sản

05:04, 06/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong thời gian qua, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh tích cực góp ý vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Hầu hết đều đánh giá, dự thảo Bộ luật Dân  sự (BLDS) được chuẩn bị công phu, tiến bộ, phù hợp với tình hình hiện nay của đất nước. Liên quan đến vấn đề tài sản, nhiều ý kiến đồng tình với những sửa đổi, song đề nghị quy định chặt chẽ hơn về hợp đồng vay tài sản.

Đảm bảo quyền định đoạt tài sản

Theo Khoản 2, Điều 664 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình”. Quy định này đã làm hạn chế phần nào quyền của người để lại di sản khi họ cùng nhau lập di chúc. Một trong hai người muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc này thì phải được sự đồng ý của người kia. Nếu một trong hai người không đồng ý thì không thể thực hiện được việc thay đổi di chúc.

Ông Nguyễn Thành Long - Trưởng Phòng Công chứng số 1 (Sở Tư pháp), cho rằng Điều 647 BLDS sửa đổi đã gỡ được vướng mắc nói trên. Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) nêu rõ: “Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào. Nếu người kia không đồng ý thì mỗi người có quyền lập di chúc liên quan đến phần tài sản của mình. Nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình”.

Cũng theo ông Long, tại Điều 668 BLDS 2005 quy định: “Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết”. Thế nhưng, trong thực tiễn các vụ án về tranh chấp thừa kế, thì quy định này cũng bộc lộ hạn chế nhất định.

Để khắc phục vấn đề này, Điều 651 BLDS sửa đổi quy định: “Trong trường hợp vợ, chồng lập di chúc chung mà có một người chết trước thì chỉ phần di chúc liên quan đến phần di sản của người chết trong tài sản chung có hiệu lực pháp luật; nếu vợ, chồng có thỏa thuận trong di chúc về thời điểm có hiệu lực của di chúc là thời điểm người sau cùng chết thì di sản của vợ, chồng theo di chúc chung chỉ được phân chia từ thời điểm đó”. Đây là bước tiến đáng kể, hợp lý, bảo đảm quyền, ý chí định đoạt tài sản của người lập di chúc dù người đó có chết trước và cũng bảo đảm quyền thừa hưởng di sản của người thừa kế.

Tránh trường hợp “xù nợ”

Hợp đồng vay tài sản được BLDS sửa đổi quy định từ Điều 486 đến Điều 493 với các điều khoản: Bên cho vay có nghĩa vụ giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận; bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn, nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ nếu được bên cho vay đồng ý…

Theo ông Nguyễn Kha – Trưởng Phòng Tư pháp huyện Mộ Đức, trên thực tế, tình trạng vay rồi không trả hoặc vay nhiều tiền nhưng trả “nhỏ giọt”, thậm chí tuyên bố không có khả năng trả nợ, khá phổ biến. Bên vay đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong việc áp dụng chế tài xử lý quan hệ dân sự trong việc trả nợ để “xù nợ”. Ngoài ra, có trường hợp bên vay dùng số tiền này cho người thứ ba vay để lấy lãi, nhưng khi bên cho vay đòi thì không trả và thách thức đi kiện. Trong khi đó, cơ quan công an cho đây là quan hệ dân sự nên không can thiệp. Do đó, để hạn chế tình trạng trên, cần đưa vào BLDS sửa đổi những điều kiện ràng buộc hơn nhằm bảo đảm quyền lợi của bên cho vay, buộc bên vay phải có trách nhiệm với khoản nợ.

NGUYỄN TRIỀU
 


.