Đổi thay sau 40 năm...

05:03, 26/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày này, cùng với cả nước, cán bộ và nhân dân Quảng Ngãi tưng bừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Quảng Ngãi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chắc rằng ai cũng có những xúc cảm về những ngày mới giải phóng và ghi nhận về chặng đường 40 năm xây dựng quê hương...

Lấp hố bom, xây cuộc sống

Trong ký ức của nhiều người dân Quảng Ngãi tản cư phương xa hay từ khu dồn trong tỉnh trở về quê hương sau những ngày mới giải phóng, làng quê của họ là những vùng đất chết. Ruộng vườn, đất đai bị băm nát bởi sự tàn phá khốc liệt của đạn bom. Những ngày ấy, từ bắc Bình Sơn đến nam Đức Phổ, nhiều xóm làng  không có nhà cửa hay một mảng xanh nào của bờ cây ngọn cỏ. Dọc Quốc lộ 1, nhiều nơi tầm mắt hướng về phía đông có thể nhìn rõ những đụn cát trắng ven biển...

Cuộc chiến chống Mỹ kéo dài 21 năm đã để lại hậu quả nặng nề đối với Quảng Ngãi. Hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội vốn đã nghèo nàn lạc hậu lại bị chiến tranh tàn phá suốt hai thập kỷ, nên hầu như không còn gì. Trên mảnh đất nghèo và nhỏ bé này, hàng chục ngàn gia đình rơi vào cảnh mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha... Vì vậy, mốc xuất phát điểm trong tái thiết quê hương và xây dựng cuộc sống mới đối với cán bộ và nhân dân trong tỉnh sau giải phóng là con số âm. Bởi lẽ, ngoài khắc phục hậu quả nặng nề mà chiến tranh để lại, cả tỉnh vừa phải tập trung khôi phục, phát triển sản xuất, vừa lo giải quyết nhiều vấn đề xã hội phát sinh...

Trong 10 năm qua, diện mạo thành phố Quảng Ngãi -trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của tỉnh thay đổi nhanh chóng.
Trong 10 năm qua, diện mạo thành phố Quảng Ngãi -trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của tỉnh thay đổi nhanh chóng.


Đất nước hòa bình, thống nhất - khát vọng cháy bỏng của mấy mươi triệu dân Việt Nam thành hiện thực từ mốc son 30.4.1975. Lịch sử sang trang và “cuộc chiến” chống nghèo nàn, lạc hậu bắt đầu. Từ đây, bản lĩnh, trí tuệ, sự cần cù, sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh  được phát huy, hướng vào xây dựng tỉnh nhà ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Vào cuối năm 1975, Quảng  Ngãi sáp nhập với Bình Định thành tỉnh Nghĩa Bình. Công cuộc cùng chung tay “lấp hố bom, xây cuộc sống” trong suốt 14 năm (1975 - 1989) của cán bộ và nhân dân Nghĩa Bình tạo dựng được một số thành quả và  âm hưởng chung là cùng chung sức xây dựng cuộc sống mới, để “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Sức bật của công nghiệp và đô thị sau 25 năm

 Tỉnh Quảng Ngãi được tái lập vào ngày 1 tháng 7 năm 1989 trên cơ sở tách Nghĩa Bình thành tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định.

Từ đó đến nay, trải qua 1/4 thế kỷ, từ một tỉnh nền kinh tế có xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng yếu kém, Quảng Ngãi đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, toàn diện. Trong đó cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống của nhân dân được cải thiện về mọi mặt...

Một điểm nhấn đáng nhớ sau tái lập tỉnh là đại công trình thủy lợi Thạch Nham vừa hoàn thành, tưới cho 30 nghìn hécta đất canh tác đã mở ra cuộc “cách mạng xanh” trong nông nghiệp, mang lại nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào cho người dân. Khu Kinh tế Dung Quất, với hạt nhân là nhà máy lọc dầu đã tạo ra động lực, bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Quảng Ngãi những năm gần đây và tạo nền tảng, tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 1989 đến nay, kinh tế của Quảng Ngãi liên tục tăng trưởng ở mức cao. So với năm 1989, năm 2014 GDP tăng gần 11 lần. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng gấp 3 lần, công nghiệp – xây dựng tăng gấp 38 lần và dịch vụ tăng gấp 12 lần. Bình quân cả thời kỳ từ sau tái lập tỉnh GDP tăng gần 10%/năm.
Công nghiệp phát triển kéo theo nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, nhất là từ khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động. Từ những năm 1990, nguồn thu của Quảng Ngãi chỉ khoảng 22 tỷ đồng và phụ thuộc chủ yếu vào các xí nghiệp quốc doanh, thuế sử dụng đất nông nghiệp. Đến năm 2014, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 28 nghìn tỷ đồng, gấp 1.372 lần và đứng thứ 4 cả nước.

Trong lĩnh vực công nghiệp, trên địa bàn Quảng Ngãi đã hình thành và phát triển Khu Kinh tế Dung Quất; các khu công nghiệp Tịnh Phong, Quảng Phú, Phổ Phong và 11 cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Tại khu kinh tế và các khu công nghiệp đã có một số nhà máy quy mô lớn đi vào hoạt động hiệu quả, tạo những hiệu ứng tích cực trong thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Năm 2013, Quảng Ngãi cùng nhà đầu tư khởi công xây dựng Khu Liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ VSIP, tiếp tục mở ra những triển vọng về phát triển công nghiệp - dịch vụ, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và tăng thu ngân sách của tỉnh trong những năm đến.

Một trong những nét nổi bật những năm sau tái lập tỉnh là môi trường đầu tư tại Quảng Ngãi không ngừng cải thiện. Nhờ đó, từ chỗ chỉ có 155 doanh nghiệp những năm 1990, đến nay Quảng Ngãi có khoảng 3.441 doanh nghiệp, tăng 22 lần. Năm 2013 Quảng Ngãi đã vươn lên vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đến nay, toàn tỉnh có 32 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 4.050 triệu USD; trong đó có 12 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động. Đối với dự án đầu tư trong nước, hiện tại có 290 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực, với tổng vống đăng ký 142.890 tỷ đồng...

Trung tâm đô thị Vạn Tường.                                                                       Ảnh: ĐĂNG LÂM
Trung tâm đô thị Vạn Tường. Ảnh: ĐĂNG LÂM


Góp phần vào những thành tựu chung, tạo sức bật trong 25 năm qua là sự đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đô thị trên địa bàn được các cấp, ngành trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong đó TP.Quảng Ngãi - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính về phía bắc và phía đông, nâng quy mô diện tích tự nhiên và dân số của thành phố lên trên 16 nghìn hécta và 26 vạn người.

Tại Khu Kinh tế Dung Quất, đô thị Vạn Tường theo tiêu chuẩn đô thị loại V và đô thị Dốc Sỏi đã dần hình thành. Tại các huyện cũng đã hình thành và phát triển các đô thị mang tầm động lực vùng như Đức Phổ, Châu Ổ, Di Lăng. Ngoài ra, các thị trấn, thị tứ như Mộ Đức, La Hà, Chợ Chùa, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long... cũng được đầu tư xây dựng để hình thành các đô thị cấp huyện.

Hướng về phía trước

Nói về những định hướng phát triển của Quảng Ngãi trong bối cảnh thời cơ và thách thức - thuận lợi và khó khăn đan xen, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích cho rằng: Quảng Ngãi là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong hành lang kinh tế Đông - Tây có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển. Phát huy các tiềm năng, lợi thế đó, cộng với kinh nghiệm và thành tựu đạt được trong những năm qua, Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện và sớm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội XI của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra. Theo đó, giai đoạn 2011 – 2015 Quảng Ngãi phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,9%; đưa cơ cấu kinh tế ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản trong GDP xuống dưới 15%, lao động phi nông nghiệp trên 53%.

Cán bộ và nhân dân Quảng Ngãi đang trong giai đoạn nước rút thực hiện thắng lợi 3 nhiệm vụ đột phá và  2 nhiệm vụ trọng tâm, mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy khóa XVIII đề ra. Đó là: Phát triển công nghiệp; Phát triển đô thị; Phát triển nguồn nhân lực; Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện miền núi. Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, Quảng Ngãi sẽ quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo các vấn đề an sinh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Cùng hướng về tương lai, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi đã và đang chuẩn bị tâm và lực cho sự tăng tốc phát triển trong giai đoạn 2016 - 2020, để đến năm 2020 Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.


THANH TOÀN



 


.