Đi để tìm bình an, đến để hiểu lịch sử

09:03, 05/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những ngày đầu năm mới Ất Mùi – 2015, hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh đã đến viếng chùa để cầu bình an và tham quan các di tích lịch sử nhằm hiểu hơn về truyền thống cách mạng của quê hương Quảng Ngãi anh hùng.

Đầu năm đi chùa cầu an

Từ xưa, đi chùa đã hàm chứa một triết lý sống sâu sắc, gắn với việc xuất hành đầu xuân, hướng đến cái thiện và dung hòa giữa đạo với đời. Xuất phát từ ý nghĩa ấy, những ngày đầu năm mới âm lịch, người dân nô nức viếng lễ chùa. Sau 3 ngày Tết, đường dẫn về Tổ đình Thiên Ấn (núi Thiên Ấn, TP.Quảng Ngãi) đông người hơn hẳn những ngày thường. Hầu hết người dân đến đây là để cầu mong năm mới an khang, thịnh vượng đến với bản thân và các thành viên trong gia đình. Đến chùa để tâm hồn thư thái, chào đón một năm mới yên vui, bình an. Đi quãng đường dài hơn năm mươi cây số, chị Nguyễn Thanh Hiền ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) đứng trước tượng Phật bà Quan thế âm ở Tổ đình Thiên Ấn bày tỏ lòng thành kính cầu mong gia đình đi biển được an bình, may mắn, sức khỏe dồi dào.

Người dân cầu bình an ở Tổ đình Thiên Ấn ngày Mùng 6 Tết.
Người dân cầu bình an ở Tổ đình Thiên Ấn ngày Mùng 6 Tết.


Ngày Tết, mỗi người đều bày tỏ tấm lòng thành trước cửa Phật, cầu xin một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, ăn nên làm ra, tai qua nạn khỏi, sung túc trong năm. Đây cũng là nét đẹp văn hóa được truyền từ đời này qua đời khác của người dân Việt nói chung và người dân Quảng Ngãi nói riêng. Nắm tay đứa con nhỏ chưa đầy năm tuổi, anh Trần Văn Luật, một phật tử đi lễ chùa Thiên Ấn, tâm niệm: Mục đích của tôi đến chùa không mong gì ngoài sự an lành. Đến chùa gửi gắm một sự an vui, mong cầu đức Phật ban cho sự an lành. An lành cho thân và tâm, cuộc sống gia đình thì mình mong cầu cho sự may mắn và bình yên.

Chùa Ông ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) là ngôi chùa cổ được bảo tồn khá nguyên vẹn trên địa bàn tỉnh, nơi đây có sự kết hợp giao thoa giữa kiến trúc của người Việt và người Hoa, với đường nét chạm trổ điêu luyện và công phu. Trong những ngày Tết, chùa Ông thu hút nhiều người đến chiêm bái, tham quan. Là người con Quảng Ngãi sinh sống ở TP.Hồ Chí Minh, dịp Tết Ất Mùi năm nay, bà Lê Thị Ba ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) đến chùa Ông để thắp nén nhang, cầu mong cho gia đình được hạnh phúc. “Tôi chỉ cầu bình an, còn tài lộc, danh vọng đều phải dựa vào năng lực bản thân, cùng với đó là một chút may mắn”, bà Ba chia sẻ.

Di tích hút khách

Trong những ngày đầu xuân mới, rất nhiều du khách đã đến tham quan, tìm hiểu Khu chứng tích Sơn Mỹ ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), nơi trưng bày và lưu giữ những bằng chứng tội ác của binh lính Mỹ đối với dân thường vô tội. Mở cửa xuyên suốt cả trong dịp Tết, Khu chứng tích Sơn Mỹ là địa điểm thu hút khá đông du khách trong tỉnh và ngoài tỉnh. Theo thống kê của Ban quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ, từ ngày mùng 1 - 6 Tết, khu chứng tích đã đón hơn 10.000 lượt khách. Ông Phạm Thành Công - Giám đốc Ban quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ, cho biết: Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, đơn vị đảm bảo quân số trực. Phương châm của đơn vị là đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan chu đáo, giúp du khách hiểu hơn về lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, cũng như quê hương Quảng Ngãi anh hùng.

Một điều rất vui trong năm nay là, nhiều bạn học sinh, sinh viên và bà con đồng bào ở các huyện miền núi trong tỉnh đến tham quan Khu chứng tích Sơn Mỹ. Sau khi chứng kiến tội ác của giặc qua từng hình ảnh được trưng bày ở đây và đi tham quan những ngôi nhà, hàng rào, bờ ruộng được phục dựng lại, nhiều du khách không khỏi xúc động. Em Trần Ánh Dương, SV Trường ĐH Phạm Văn Đồng, bồi hồi, nói: “Ðến Sơn Mỹ, chúng em cảm nhận được nỗi đau khôn cùng của người dân hiền lành, chất phác ngày ấy. Từ chiếc mâm, thau cũ còn in dấu tích vết đạn; chiếc áo, đôi dép của một cháu bé bị bắn chết; các loại chén đĩa, xoong chảo bị bắn thủng vỡ và hơn cả là qua lời kể của người hướng dẫn viên đã giúp chúng em hiểu hơn về nỗi đau chiến tranh”.

Trước, trong và sau Tết Ất Mùi – 2015, Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ cũng là điểm thu hút rất đông du khách gần xa đến tìm hiểu về Đội du kích Ba Tơ và cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ lịch sử. Năm nay, từ các nguồn kinh phí khác nhau, Bảo tàng được tu sửa, bổ sung hiện vật để phục vụ du khách đến tham quan.

Anh Nguyễn Đức Phong - cán bộ thuyết minh tại Bảo tàng, chia sẻ: Tết là dịp người dân trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu về Đội du kích Ba Tơ huyền thoại. Năm nay là năm kỷ niệm 70 năm cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ (11.3.1945 – 11.3.2015) nên lượng du khách đến với Bảo tàng tăng nhiều. Dù lực lượng mỏng, nhưng cán bộ, nhân viên Bảo tàng cũng cố gắng truyền tải thật sinh động về công lao của Đội du kích Ba Tơ và ý nghĩa lịch sử quan trọng của cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân Ba Tơ anh hùng.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU
 


.