Cây cầu nối những bờ vui

10:03, 15/03/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Niềm mong ước bao đời nay của hàng trăm hộ dân, học sinh, giáo viên ở xã vùng cao Sơn Ba, huyện Sơn Hà đã trở thành hiện thực khi ngày 14.3, cây cầu Mò O, cây cầu duy nhất bắt qua sông Re được hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng.
 
Có mặt tại cầu Mò O, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, chúng tôi nhận thấy niềm vui, hạnh phúc biểu hiện rõ trên gương mặt người dân, thầy cô giáo nơi đây khi mà cây cầu mơ ước của người dân nơi đây chính thức được đưa vào sử dụng. Có lẽ, vui nhất chính là các em học sinh của Trường Tiểu học và THCS Sơn Ba, huyện Sơn Hà. Với các em, từ nay không phải khổ cực lội sông và vượt sông bằng những chiếc bè tự tạo nguy hiểm luôn rình rập.
 
Cảnh đi học bằng bè tự tạo của học sinh xã Sơn Bao giờ đã đi vào quá khứ.
Cảnh đi học bằng bè tự tạo của học sinh xã Sơn Ba giờ đã đi vào quá khứ.
 
Em Đinh Thị Ban, lớp 7B trường THCS Sơn Ba chia sẻ: Nhà em cách trường hơn 8 km. Trước khi có cây cầu này, hàng ngày muốn đến trường em và các bạn phải lội bộ qua sông Re. Mùa nước lớn thì phải đi bằng bè tự tạo, nhìn dòng nước sông Re chảy xiết chúng em rất sợ, nhưng phải đi học, phải kiếm cái chữ. Giờ thì không còn cảm giác sợ nữa, vì đã có cây cầu bắc qua sông Re.
 
Cũng như em Ban, em Đinh Thị Thưa, lớp 8A, Trường THCS Sơn Bao cho biết, nhà em thôn Mò O, cách trường 5 km, thế nhưng khi đi học phải gần 8km, bởi em phải đi vòng, tìm những đoạn nước sông cạn để lội bộ, nhưng mùa nước lớn thì không dám đi bởi nước chảy xiết và phải đi bằng bè tre tự tạo. Nhưng đi bè cũng rất sợ, có lần một vài bạn rơi xuống nước, may có mấy người lớn cứu kịp... Giờ thì mùa mưa hay mùa nắng gì chúng em cũng được đến trường để học chữ.
 
Niềm vui của những học sinh khi đi học trên cây cầu mới.
Niềm vui của những học sinh khi đi học trên cây cầu mới.
 
Thầy Trần Duy Hùng- Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Ba không giấu được niềm vui xúc động chia sẻ, toàn trường có 211 học sinh thì trong đó có tới 173 học sinh ở bên kia sông. Trước đây việc đi lại học hành của các em rất khó khăn, bởi dòng sông Re ngăn cách, nhất là vào mùa mưa lũ. Nhìn học sinh của mình vượt sông đi học mà giáo viên không cầm được nước mắt. Nếu trước đây khi chưa có cây cầu, giáo viên rơi nước mắt vì lo lắng, thương học sinh thì giờ giáo viên lại rơi nước mắt vì hạnh phúc. Hạnh phúc vì cây cầu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. 
 
Không chỉ có thầy cô giáo, học sinh ở xã Sơn Ba vui mừng và hạnh phúc vì có cầu mới, mà hàng ngàn hộ dân trong xã và các xã lân cận cũng vui không kém. Ông Đinh Văn Nanh (60 tuổi), thôn Mò O, xã Sơn Ba bộc bạch: "Có cây cầu to này, bà con mình phấn khởi lắm. Phấn khởi vì tụi nhỏ không phải lội sông đi học mà bà con mình đi đến trung tâm xã cũng dễ hơn. Đồng bào mình có thể đem con gà, con heo nuôi được, buồng chuối, quả bí trồng được xuống chợ bán. Con cá tươi ở dưới xuôi nhờ có cây cầu mà giờ cũng đến được tận đây.
 
Cầu Mò O được xây dựng và đưa vào sử dụng tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân các xã mà góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo.
Cầu Mò O được xây dựng và đưa vào sử dụng tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân các xã và góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo.
 
Ông Nguyễn Phong- Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết, Sơn Ba là xã vùng cao, khó khăn nhất của huyện Sơn Hà. Toàn xã có 982 hộ với hơn 4.400 nhân khẩu bị chia cắt bởi sông Re nên từ bao đời nay hàng ngàn người dân và học sinh ở các thôn Làng Tranh, Làng Bung, Kà Khu, Làng Già, Làng Chai và Mò O phải lội sông hoặc đi bè qua sông bằng những chiếc bè tre tự tạo, rất nguy hiểm đến.
 
Vào mùa mưa lũ, 2/3 xã hầu như bộ cô lập hoàn toàn với bên ngoài nên rất khó khăn trong việc sinh hoạt, vận chuyển hàng hóa cũng như học tập của học sinh. Chính vì vậy, xây dựng và đưa vào sử dụng cầu Mo O bắc qua sông Re không chỉ chấm dứt tình trạng ngăn sông, mà góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp phần đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
 
Cầu Mò O xây dựng bằng bê tông cốt thép, có tổng chiều dài 165m, rộng 5,5m, gồm 5 nhịp, thời gian thi công khoảng 13,5 tháng. Tổng vốn thực hiện trên 23 tỷ đồng, giảm hơn 3 tỷ đồng so với dự toán được duyệt. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh và huyện.

 

Bài, ảnh: M.Toàn
 
 
 
 

.