Nỗ lực vì sự an toàn của du khách tắm biển

08:02, 25/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày qua, lượng khách đến bãi biển Mỹ Khê rất đông nên các thành viên Đội cứu hộ, cứu nạn ở bãi tắm luôn phải túc trực sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn nhằm giảm thiểu tình trạng người tắm biển bị đuối nước do trôi phao hoặc rơi vào vùng nước xoáy...

TIN LIÊN QUAN

Đội cứu hộ, cứu nạn (Ban quản lý Khu du lịch Mỹ Khê) có 9 thành viên, gồm những người có sức khỏe, thông thạo bơi lội. Nhiệm vụ của các thành viên trong đội là cắm biển, nhắc nhở người dân không nên tắm ở những vùng nước xoáy, không ra quá xa bờ. Tuy lực lượng ít, nhưng từ mùng 1 đến mùng 5 Tết, Đội đã phát hiện, kịp thời cứu hộ thành công 12 nạn nhân bị đuối nước khi tắm biển. Khi phát hiện có người ra khu vực nguy hiểm thì dùng loa phóng thanh kêu gọi quay trở vào khu vực an toàn; khi phát hiện có người bị đuối nước, lập tức thực hiện các biện pháp để đưa người đuối nước vào bờ an toàn.

Nhân viên đội cứu hộ, cứu nạn Ban Quản lý khu du lịch Mỹ Khê đi kiểm tra, nhắc nhở người dân không ra quá xa bờ.
Nhân viên đội cứu hộ, cứu nạn Ban Quản lý khu du lịch Mỹ Khê đi kiểm tra, nhắc nhở người dân không ra quá xa bờ.


Đội trưởng Phạm Thanh Trí, cho biết: Để bảo vệ du khách tắm biển một cách an toàn, toàn đội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và kinh nghiệm khi thực hiện nhiệm vụ. Hằng ngày, các thành viên trong đội cứu hộ có mặt từ rất sớm để kiểm tra, dọn vệ sinh dọc bãi tắm, túc trực, quan sát để cảnh báo, nhắc nhở du khách không tới gần các khu vực có vùng nước xoáy, hay ra quá xa bãi biển. “Mỗi khi có người tắm biển bị đuối nước, các thành viên trong đội bơi ra cứu bằng tay không, chứ không có phương tiện hay dụng cụ gì hỗ trợ nên nếu cùng một lúc có nhiều người bị đuối nước là khó cứu hết được. Mặt khác, trong vòng 5 phút, nếu không kịp cứu vớt thì rất dễ bị tử vong” anh Trí cho biết thêm.

Là người có thâm niên trong nghề, anh Phạm Minh Quân cho rằng: Điều quan trọng nhất đối với người làm công tác cứu hộ trên biển là phải hiểu biết về biển, về con nước, quy luật thay đổi dòng chảy từng mùa và thời tiết. Mặt khác, những người này phải có nghiệp vụ vững vàng, liên tục quan sát, nhằm phát hiện đối tượng trong khu vực nguy hiểm hoặc có nguy cơ đuối nước, say sóng... để nhắc nhở, hoặc ứng cứu kịp thời, bảo đảm an toàn tính mạng cho du khách. Tuy nhiên, ý thức của người dân đến tắm biển rất kém. Ở khu vực tắm chính này có 2 vùng nước xoáy, đội đã cắm biển cảnh báo, nhưng người dân vẫn xuống tắm.

Anh Nguyễn Tiến Tùng, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) xuống tắm biển Mỹ Khê trăn trở: Đi dọc bãi biển Mỹ Khê, chúng tôi thấy có rất ít biển cảnh báo nguy hiểm. Chỉ ở bãi tắm chính mới có 2 biển cảnh báo, có người cứu hộ, còn ở hai đầu bãi tắm đã không có lực lượng cứu hộ mà các biển cảnh báo, hay biển cấm tắm cũng không. Chính vì không có biển cảnh báo nên các em học sinh mới xuống tắm và hậu quả đau lòng là có nhiều em bị chết đuối. “Ở những nơi không có lực lượng cứu hộ cần cắm biển cấm để cảnh báo nguy hiểm”- anh Tùng kiến nghị.

Nói về công tác đảm bảo an toàn cho du khách, ông Trương Thanh Thảo - Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê cho biết: Mỗi năm bãi biển Mỹ Khê thu hút hàng vạn lượt khách đến nghỉ mát và tắm biển. Nhưng từ nhiều năm qua, tại Khu du lịch này trang thiết bị chưa được đầu tư đúng mức nên việc cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Tết Nguyên đán Ất Mùi năm nay, người dân du Xuân, tắm biển đông hơn nên công tác cứu hộ, cứu nạn cũng gặp không ít khó khăn.

Và điều đáng nói là ý thức tự bảo vệ mình của người dân, nhất là học sinh chưa tốt, nhiều người tắm ở khu vực nguy hiểm, các thành viên đội cứu hộ đến nhắc nhở, nhưng họ không chấp hành. Chính vì bất chấp cảnh báo mà từ mùng 1 Tết đến nay có 3 người bị chết đuối là em Phan Minh Tư, xã Nghĩa Kỳ; Nguyễn Đình Luân, xã Nghĩa Thắng, học sinh lớp 11, Trường THPT Tư Nghĩa II, tắm ở ngoài khu vực Ban quản lý khu du lịch Mỹ Khê phụ trách. Còn em Nguyễn Công Ái, xã Nghĩa Thuận cùng với hai người bạn khác tắm ở khu vực có biển cảnh báo và bị đuối nước. Trong đó, hai người bạn của Ái được cứu sống còn Ái bị chết đuối. “Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động cứu hộ trong thời gian tới, xã đề nghị các cấp chính quyền của thành phố đầu tư kinh phí để mua sắm thêm phương tiện cứu hộ để tác nghiệp thuận tiện và hiệu quả hơn”, ông Thảo mong muốn.


Bài, ảnh: Bá Sơn

 


.