Nhà cho công nhân các KKT, KCN: Nhiều dự án, ít chỗ ở

10:12, 23/12/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Quảng Ngãi hiện có khoảng hơn 24.600 công nhân đang làm việc tại KKT Dung Quất, KCN Tịnh Phong và KCN Quảng Phú. Trong số này, công nhân có nhu cầu về chỗ ở khoảng hơn 8.700 người. Song hiện tại, do số lượng nhà ở cho công nhân còn hạn chế nên phần lớn công nhân đều phải tự lo chỗ ở.

TIN LIÊN QUAN

Dự báo, với việc các dự án lớn triển khai tại KKT Dung Quất, đặc biệt là VSIP Quảng Ngãi trong 2 năm tới dự kiến thu hút ít nhất khoảng 40.000 lao động đến làm việc thì vấn đề về nhà ở công nhân sẽ rất khó khăn nếu tỉnh không có sự chuẩn bị tốt ngay từ bây giờ.  
   
Phần lớn công nhân phải tự lo nhà ở
 
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, Khu kinh tế Dung Quất (KKT DQ) có 113 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có 73 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 12.000 lao động. Ngoài khoảng 5.165 lao động có hộ khẩu thường trú tại huyện Bình Sơn, còn lại 6.454 người, chiếm khoảng 55,59% là người lao động từ địa phương khác đến làm việc cần chỗ ở. 
 
Để giải quyết chỗ ở cho người lao động các doanh nghiệp trong KKT DQ đã tiến hành xây dựng các khu nhà ở để phục vụ cho công nhân. Tuy nhiên, chỉ đáp ứng khoảng 3.000/6.454 công nhân, còn 3.454 công nhân cần có nhà ở. Ngoài ra, Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi (doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp thuộc sở hữu nhà nước của tỉnh) cũng đã xây dựng khu nhà ở đáp ứng cho khoảng 500 công nhân làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp tại KKT này.
 
Còn tại 2 Khu Công nghiệp (KCN) của tỉnh là Tịnh Phong và Quảng Phú hiện có trên 13.000 lao động. Tuy nhiên, ở đây chưa có nhà ở cho công nhân nên hầu hết công nhân lao động phải tự lo nhà ở.
 
Qua khảo sát, số công nhân có nhu cầu về nhà ở khoảng 2.200 công nhân. Hiện tỉnh đã giao Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi đầu tư xây dựng khu nhà ở với quy mô 13 ha, song tỷ lệ công nhân được doanh nghiệp hỗ trợ nhà ở trong dự án này chỉ khoảng 39,6% trong tổng số công nhân có nhu cầu về nhà ở.
 
Vấn đề nhà ở cho công nhân đang là bài toán khó hiện nay
Vấn đề nhà ở cho công nhân đang là bài toán khó hiện nay.
 
Hiện tại, phần lớn công nhân lao động có nhu cầu nhà ở làm việc tại các KKT, KCN đều phải thuê nhà trọ của tư nhân để ở. Trong khi đó, đa phần công nhân thu nhập có mức độ nên không còn chọn lựa nào khác là phải tìm đến những nơi cho thuê phòng giá rẻ, hoặc cùng góp tiền thuê một chỗ ở chung nhằm giảm chi phí. Nhiều nhà trọ tư nhân xây dựng tạm bợ, chật hẹp, không đảm bảo vệ sinh môi trường.... Từ chỗ sinh hoạt hàng ngày không đảm bảo, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động, đồng thời phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến an ninh trật tự.
 
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Đồng cho rằng đời sống của công nhân hiện nay rất thấp theo đồng lương, nhà ở cho công nhân còn chưa đáp ứng được các tiêu chí cơ bản như nguồn nước, nhà vệ sinh…Theo ông Đồng, công nhân vẫn muốn vào nhà ở KCN nhưng phải có giá thuê thấp hơn, đồng thời phải quy hoạch đầu tư công trình bổ trợ như trường học, trạm y tế, chợ… đảm bảo cho cả gia đình ở.
 
Hiện nay, KCN VISIP Quảng Ngãi đang được đầu tư xây dựng, dự kiến trong năm 2015 có một số doanh nghiệp đi vào hoạt động thu hút khoảng hơn 10.000 lao động đến làm việc. Nhưng vấn đề nhà ở cho công nhân, các công trình hạ tầng xã hội chưa được đầu tư đồng bộ tương ứng với sự phát triển của KCN, từ đó nhà ở cho công nhân lao động ở khu vực này trong thời gian đến sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
 
Sẽ tham mưu điều chỉnh chính sách sát với thực tiễn
 
Trước thực trạng này, mới đây Đoàn công tác liên ngành của Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản do ông Mai Đức Chính- Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh nhằm mổ xẻ thực trạng ở địa phương để điều chỉnh các chính sách vĩ mô và tìm giải pháp cho vấn đề này.
 
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Như Sô cho hay, đặc thù của Quảng Ngãi là có nhiều Khu Công nghiệp nhưng không có đô thị phát triển kèm theo. Đây là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến các bất cập về nhà ở công nhân như hiện nay.
 
Trong khi đó, tình hình đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước vẫn đang tiến triển thuận lợi như: Sembcorp với dự án nhiệt điện, NMLD Dung Quất mở rộng… Riêng KCN& Dịch vụ VSIP dự kiến sẽ có đến 40.000 lao động. Nhu cầu chắc chắn sẽ bùng nổ trong tương lai, ông Phạm Như Sô cho biết tỉnh sẽ có những đề xuất cụ thể hơn để giải quyết vấn đề này.
 
Cùng với khó khăn các doanh nghiệp đầu tư chưa mặn mà trong việc xây nhà ở cho công nhân, thì một vấn đề khó khăn hiện nay nữa là một số vị trí đất đã được quy hoạch xây nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN có sự thay đổi nhằm đáp ứng kêu gọi các nhà đầu tư lớn để phát triển kinh tế tỉnh nhà.
 
Để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, lãnh đạo UBND tỉnh kiến nghị cần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân bằng nguồn vốn Nhà nước. Điều chỉnh, bổ sung các chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân. 
 
Ông Mai Đức Chính cho rằng hiện nay các cơ chế, chính sách về nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân của Trung ương và địa  phương như hỗ trợ về đất đai, thuế, tín dụng,… đã tương đối đầy đủ đặc biệt là Nghị định 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
 
Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua, chính sách này vẫn chưa đi vào cuộc sống do gặp những tồn tại, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Cùng với đó, việc xã hội hóa cũng gặp khó khăn do các doanh nghiệp xây dựng không thấy lợi nhuận khi đầu tư xây nhà cho công nhân thuê nên vấn đề nhà ở cho công nhân vẫn đang là bài toán nan giải.
 
"Sau chuyến làm việc với các tỉnh, Đoàn công tác sẽ tham mưu với Chính phủ để sửa đổi chính sách nhà ở cho công nhân sát với thực tiễn hơn"- ông Chính cho biết.
 
Ông Chính cũng chia sẻ với lãnh đạo UBND tỉnh, trong khi chưa có nguồn vốn đầu tư nhà ở cho công nhân thì không nên chuyển đất quy hoạch xây nhà thành đất nhà máy. Nếu điều chỉnh quy hoạch như vậy sẽ thu lợi trước mắt nhưng khi quỹ đất cạn thì sẽ là khó khăn nan giải về sau. 
 
PV
 
,
 

.