Hãy rời xa khói thuốc

03:12, 14/12/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện nay trên toàn thế giới có 1,1 tỷ người hút thuốc lá thường xuyên và hàng năm có hơn 3 triệu người chết vì các căn bệnh do thuốc lá gây ra. Nhưng không chỉ riêng người hút thuốc lá bị ảnh hưởng độc hại của khói thuốc mà cả người thân xung quanh họ cũng bị ảnh hưởng theo. Hàm lượng các chất độc trong dòng khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc lá đang cháy rất cao, cao gấp 30 lần so với dòng khói chính do người hút hít vào.

 

Những chất độc hại trong 1 điếu thuốc lá.
Những chất độc hại trong 1 điếu thuốc lá.

 

Qua nghiên cứu khảo nghiệm, các nhà khoa học đã có những kết luận: cứ hút một điếu thuốc lá là tự mình hủy hoại đi 5 phút cuộc đời. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc lá ngắn hơn người không hút thuốc lá từ 5 đến 8 năm. Hút thuốc lá làm tăng tỷ lệ tử vong 30-80%, chủ yếu là bệnh ung thư phổi mãn tính và bệnh tim mạch. Nguy cơ tử vong còn phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu hút thuốc (hút thuốc lá càng sớm, càng nhiều, thời gian càng dài thì nguy cơ càng cao).
 
Ở Việt Nam, theo điều tra y tế quốc gia do Bộ Y tế tiến hành, tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới là 1,8% so với 56,1% ở nam giới. Riêng tại các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, tỷ lệ phụ nữ dân tộc hút thuốc lá là 16,4%. Người phụ nữ hút thuốc lá hay hít phải khói thuốc lá về lâu dài đều bị mắc những chứng bệnh về tim mạch như: bệnh mạch vành, huyết áp cao, xơ cứng mạch máu não; bệnh về đường hô hấp như: viêm phế quản mãn tính, hen phế quản, ung thư phổi.
 
Khói thuốc lá còn gây các rối loạn về kinh nguyệt. Phụ nữ hút thuốc lá hết kinh sớm hơn so với phụ nữ không hút thuốc lá từ 2 đến 3 năm. Trong thời kỳ sinh sản, khói thuốc lá làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường sinh dục và giảm khả năng có con. Phụ nữ có thai mà hút thuốc lá có nguy cơ sinh non, thai chết trong bụng, sinh con nhẹ cân...
 
Đối với trẻ em chưa phát triển hoàn thiện rất nhạy cảm với các chất độc của khói thuốc lá. Ở mọi lứa tuổi, trẻ em hít phải khói thuốc lá của người khác có thể gặp các nguy cơ sau: viêm đường hô hấp cấp tính, viêm tai mũi họng, phổi, viêm thanh quản, tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim khi trưởng thành, viêm tai giữa cấp và mãn tính, phổi phát triển không bình thường và giảm chức năng...
 
Thuốc lá kẻ thù vô cùng nguy hiểm đối với phụ nữ và trẻ em. Ngày nay, nhiều tổ chức trên thế giới ở nhiều quốc gia đã và đang có những chương trình hành động chống hút thuốc lá trên toàn thế giới nhằm bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em.
 
Tuy nhiên có một thực tế là dù được tuyên truyền khá nhiều, được nghe và nhìn thấy trực tiếp những tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ, song không phải người nào cũng hiểu mức độ nguy hại của thuốc lá... Và một điều đáng buồn là Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất trong khu vực và trên thế giới, trong đó tỷ lệ hút thuốc trong những người trẻ tuổi chiếm 31,6%.
 
Đây thực sự là một con số đáng báo động, bởi theo điều tra của y tế quốc gia ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 40 nghìn người chết vì thuốc lá, 80% số bệnh nhân ung thư phổi do thuốc lá và tiêu tốn trên 1.160 tỷ đồng/ năm để điều trị những bệnh do thuốc lá gây ra. Ngoài ra, chỉ tính riêng năm 1998, số tiền mà những người hút thuốc lá tại Việt Nam “đốt” cho thói quen này là 6.000 tỷ đồng. Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời thì 1/10 dân số Việt Nam (khoảng 8 triệu người) sẽ chết sớm do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

 

Thuốc lá không chỉ là nguyên nhân của bệnh tật mà còn là nguyên nhân thiệt hại nặng nề về kinh tế. Năm 1998, những người hút thuốc trong cả nước hút hết số thuốc lá có giá trị gần 6.000 tỷ đồng. Năm 2002, số tiền này lên tới hơn 8 nghìn tỷ đồng. Nếu chi phí cho lương thực, thực phẩm và những nhu cầu thiết yếu, số tiền này sẽ giúp hơn 2 triệu người có thể thoát nghèo.

Chi phí cho việc mua thuốc lá của một người từ khi hút cho đến lúc mắc bệnh là 32 triệu đồng. Một người hút thuốc trong một năm tiêu hết số tiền bằng 1/3 lần dành cho lương thực, gấp rưỡi số tiền chi cho giáo dục, gấp 5 lần chi phí y tế (nếu tính bình quân cho đầu người). Quả là những con số khủng khiếp.
 
 
Thiết nghĩ, Nhà nước cần phải có các chính sách triệt để và mạnh mẽ hơn kèm theo các chế tài thực hiện đối với các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của các chính sách đó. Cụ thể như nâng giá thuốc cao lên nhiều so với hiện tại; phải xây dựng và thực thi được các hình thức xử lý, xử phạt đối với người hút thuốc lá, tăng cường truyền thông, lên án hành vi hút thuốc; thực hiện lệnh cấm toàn diện đối với việc quảng cáo, tiếp thị và khuyến mại thuốc lá; in cảnh báo về tác hại thuốc lá bằng hình ảnh trên diện tích 30% - 50% hoặc lớn hơn trên bề mặt chính của vỏ bao thuốc; phát triển mạnh hơn nữa các mô hình không khói thuốc trong cộng đồng như đám cưới, đám ma không khói thuốc, các trường học, cơ quan, ban ngành không khói thuốc.
 
Đồng thời, bản thân mỗi cá nhân phải có trách nhiệm tự nhận thức và điều chỉnh hành vi của mình, vì lợi ích cá nhân và cộng đồng xã hội, đặc biệt là vì những người cùng trong mái ấm gia đình. Tóm lại phòng chống thuốc lá phải là việc của cả cộng đồng. 
 
 
Thảo Nhi

 


.