Duy trì mức sinh hợp lý

01:12, 26/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chủ đề của Ngày dân số Việt Nam năm nay là duy trì mức sinh hợp lý vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Mục tiêu là chủ động mức sinh thấp, hợp lý, giảm chênh lệch, bất lợi về mức sinh giữa các vùng miền để quy mô dân số sớm ổn định.

TIN LIÊN QUAN

Tận dụng cơ cấu dân số vàng

Ông Đặng Chính- Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh cho biết: Số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở nước ta giảm từ 6,39 con năm 1960 xuống còn 2,09 con năm 2006 (dưới mức sinh thay thế 2,1 con và duy trì từ đó đến nay). Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số “vàng” với hơn 62 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 69% tổng dân số và đang bắt đầu bước vào thời kỳ “già hóa dân số” với số người 60 tuổi trở lên chiếm 10,5%.

 Hội thi tuyên truyền viên DS-KHHGĐ năm 2014. Ảnh: ĐỒNG XUÂN
Hội thi tuyên truyền viên DS-KHHGĐ năm 2014. Ảnh: ĐỒNG XUÂN


Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, nếu để mức sinh tăng trở lại, tổng tỷ suất sinh của Việt Nam có thể lên tới 2,3 - 2,5 con/phụ nữ, đến năm 2050 quy mô dân số nước ta sẽ ở mức quá cao (khoảng 130-140 triệu người). Điều này sẽ gây ra các bất lợi đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và cơ cấu nhân khẩu học của đất nước. Ngược lại, nếu để mức sinh giảm xuống quá thấp, tổng tỷ suất sinh chỉ khoảng 1,35 con/phụ nữ, đến năm 2050 quy mô dân số nước ta sẽ vào khoảng 95-100 triệu người. Điều này dẫn đến suy giảm, thiếu nguồn lao động, giai đoạn cơ cấu dân số vàng ngắn lại, già hóa dân số diễn ra nhanh, bất lợi đối với sự phát triển của đất nước.

Việc chủ động duy trì mức sinh thấp hợp lý là để trong tương lai Việt Nam sẽ có được một quy mô dân số phù hợp, duy trì tương đối ổn định tỷ lệ dân số trong tuổi lao động, kéo dài giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”; làm chậm lại thời gian chuyển đổi từ giai đoạn “già hóa dân số” sang “dân số già”, có cơ hội phát triển các dịch vụ an sinh xã hội và chăm sóc người cao tuổi tốt hơn; tạo điều kiện thuận lợi để khống chế sự gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, sớm đưa trở lại mức cân bằng tự nhiên... Tuy nhiên, bức tranh dân số ở nước ta có sự khác nhau giữa các vùng, miền và các tỉnh, thành phố. Các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ có mức sinh thấp, đặc biệt TP.Hồ Chí Minh năm 2013 mức sinh giảm rất nhanh, chỉ còn 1,33 con. Trong khi ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và miền Trung, mức sinh còn khá cao.

Đối với Quảng Ngãi, thời gian qua các địa phương đã nỗ lực duy trì đạt mức sinh thay thế trung bình mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có khoảng 2,03 con/năm. Hiện dân số toàn tỉnh là 1.241 nghìn người. Tỷ lệ mức giảm sinh của tỉnh ta duy trì ở mức ổn định 0,2‰, đạt chỉ tiêu Trung ương giao. Các biện pháp tránh thai hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra từ 100-110%. Các đề án, mô hình đều được triển khai đồng bộ ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Nhiều mô hình đã và đang đem lại hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng dân số, giảm mức sinh đáng kể cho các địa phương như: Mô hình thôn, tổ dân phố không sinh con thứ 3; câu lạc bộ thực hiện tốt chính sách dân số (Minh Long); câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3…Cùng với đó, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh ta từng bước được khống chế ở mức 111 nam/100 nữ.

Còn nhiều thách thức

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên tỉnh ta vẫn còn những thách thức đặt ra như: Mức sinh đã giảm nhưng chưa ổn định, tình trạng một số cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách DS-KHHGĐ làm ảnh hưởng đến công tác dân số; chất lượng dân số còn hạn chế; tỷ số giới tính được khống chế, nhưng mất cân bằng ở một số địa phương. Năm 2014, tỷ lệ sinh con thứ 3 đạt 11,9%, tăng 0,82% so với năm 2013.

Phụ nữ huyện miền núi Minh Long được cung cấp kiến thức về DS-KHHGĐ.
Phụ nữ huyện miền núi Minh Long được cung cấp kiến thức về DS-KHHGĐ.

Thực tế trên địa bàn tỉnh ta, có sự chênh lệch lớn về mức sinh giữa các vùng miền. Năm 2014, tỷ lệ sinh con thứ 3 ở các địa phương ven biển và một số vùng nông thôn, miền núi tăng cao như: Đức Phổ (16%), Tây Trà (15,3%), Trà Bồng (20,4%). Bên cạnh đó, hiện nay kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ cho hoạt động truyền thông bị cắt giảm  nên nhiều địa phương gặp khó khăn trong công tác tuyên truyền. Vì vậy, rất cần sự phối hợp vào cuộc của các cấp, các ngành và các đoàn thể.

Theo ông Đặng Chính, để duy trì mức sinh thấp hợp lý, tùy tình hình thực tế từng địa phương mà chúng ta có cách thức tuyên truyền khác nhau. Địa phương nào có nhiều gia đình sinh con thứ 3 trở lên thì các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và đội ngũ làm công tác dân số các cấp phải kiên quyết vận động để hạn chế tình trạng này. Địa phương nào có nhiều cặp vợ chồng chưa sinh đủ 2 con thì cần phải động viên khuyến khích họ sinh đủ. Cần phải phân tích rõ để người dân hiểu thấu đáo, tránh cách suy diễn sai lệch về chính sách dân số. Chiến lược của công tác DS-KHHGĐ ở tỉnh ta trong thời gian tới là tập trung giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên để duy trì mức sinh thay thế. Trong giai đoạn hiện nay, thông điệp về dân số không còn là “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh 1 hoặc 2 con” mà chuyển thành “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”. Đây là một thông điệp mới chung cho cả nước, là một sự “chuyển hướng” quan trọng thể hiện rõ ràng quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với công tác DS-KHHGĐ.
 

Bài, ảnh: KN
 


.