Nỗi lo gia cầm chết không tiêu hủy

09:11, 11/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mùa mưa là thời điểm thường xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Do đó, các cơ quan chức năng luôn lên lịch tiêm phòng cũng như hướng dẫn cách tiêu hủy vật nuôi bị chết để đảm bảo môi trường cũng như không để dịch bệnh lây lan. Thế nhưng, mới đây người dân thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Nghĩa Thuận và xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) hết sức lo lắng khi hàng trăm con gà chết không rõ nguyên nhân lại bị vứt la liệt ở khu vực kênh mương Thạch Nham và các vườn keo.

 Vứt gà chết ra môi trường

  Nhiều hộ dân không khỏi lo lắng và bức xúc khi mà xung quanh hàng rào nhà mình cứ sau mỗi đêm lại xuất hiện dày đặc bao ni lông, bao tải đựng xác gà chết không rõ nguyên nhân bốc mùi hôi thối. “Nhiều hộ dân ban đầu thấy bao ni lông cứ nghĩ đó là chuyện bình thường. Nhưng sau đó, khi mùi hôi thối bốc lên và chó mèo tha về nhà chúng tôi mới biết đó là gà chết ở nơi khác được mang đến vứt ở đây. Không thể chấp nhận được khi môi trường bị ô nhiễm” – ông Nguyễn Văn Tâm, ở xã Nghĩa Thuận vừa thu dọn gà chết bức xúc.

Người dân thu gom số gà chết mang đi tiêu hủy để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Người dân thu gom số gà chết mang đi tiêu hủy để đảm bảo vệ sinh môi trường.


Không chỉ ông Tâm, mà người dân xã Nghĩa Thắng cũng rất bức xúc khi số gà chết ngày càng nhiều và chủ đàn gà lại không tiêu hủy mà lén lút mang đến các vườn keo, bờ kênh vứt bỏ. Ông Võ Thành Lực, thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Nghĩa Thắng cho biết, nhà ông cũng nuôi đàn gà, vịt lên đến hơn 200 con, nên khi phát hiện gà bị bệnh chết vứt bỏ lung tung khiến ông ăn không ngon ngủ không yên. “Lứa gà, vịt này nuôi để bán vào mùa tết. Năm nào cũng nhờ số gà, vịt mà nhà tôi mới có cái tết đủ đầy. Thế mà mấy ngày qua gà chết “áp sát” vườn nhà khiến tôi rất lo lắng. Ai đời gà bị bệnh chết lại mang đi vứt bỏ mà không tiêu hủy chứ. Làm vậy là hại người ta rồi!” – ông Lực bức xúc.

Tại khu vực vứt bỏ gà chết, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Lâu lâu người dân lại phát hiện bên dưới rừng keo là những bao tải, bao ni lông đựng gà chết đang phân hủy. Nhiều người lo ngại dịch bệnh sẽ theo đó mà “tấn công” đàn gia cầm của mình nên vừa báo lên chính quyền địa phương, vừa tự đi tìm số gà chết vứt bỏ để tiêu hủy. “Gà của người ta mà chúng tôi phải đi tìm để chôn. Người ta làm vậy khác nào hại chúng tôi. Không thể chấp nhận được hành vi như vậy !” – bà Nguyễn Thị Hay đang cùng chồng đào hố chôn bao gà đang phân hủy phía sau nhà, nói.

Nỗi lo dịch bệnh lây lan

Trước tình trạng một số đối tượng lén lút vứt gà chết ra môi trường mà không tiêu hủy theo quy định, lãnh đạo UBND xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa đã tiến hành kiểm tra các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn. Đồng thời ngành chức năng phối hợp cùng người dân tiêu hủy số gia cầm chết đang nằm rải rác khắp nơi. Ông Huỳnh Đê, nhân viên thú y huyện Tư Nghĩa cho biết, qua xác minh bước đầu đã xác định được đối tượng cố tình vứt gà chết vì dịch bệnh ra môi trường là bà  V. ở thôn An Hòa Nam, xã Nghĩa Thắng.

 Tình trạng gia cầm chết vứt bỏ ra môi trường mà không tiêu hủy theo quy định là rất nguy hiểm. Trong mùa mưa dịch bệnh có thể theo dòng nước lây lan ra các địa phương khác. Trong đó, tình trạng gia cầm bị dịch cúm những năm trước chết trôi theo dòng nước gây nên dịch bệnh hàng loạt thời gian qua là bài học rất nóng.

Theo ông Nguyễn Văn Thuận- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, việc người dân mang gà, vịt chết lén lút bỏ ở các rừng cây, bờ kênh là rất nguy hiểm. “Tôi lên án hành vi sai trái như vậy. Nó không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn là mầm mống để dịch bệnh lan truyền cũng như gây khó khăn cho quá trình dập dịch, khống chế dịch bệnh. Người dân cần phải ý thức việc này. Khi có gia cầm chết bất thường và chưa rõ nguyên nhân thì phải báo ngay cho lực lượng thú y địa phương để có hướng xử lý kịp thời, không nên tự xử lý một cách chủ quan như vậy!” –ông Thuận nói.

Bài, ảnh: PV
 


.