Mưu sinh trên dòng nước xiết

09:11, 04/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thả mình trôi theo bó gỗ keo giữa lòng sông chảy xiết, phó mặc tính mạng cho “thần may mắn”. Đó là cách mà nhiều “phu keo” ở xã Sơn Tân (Sơn Tây) hàng ngày mưu sinh bất chấp hiểm nguy rình rập.

TIN LIÊN QUAN

Những ngày qua, trên địa bàn các huyện miền núi trong tỉnh đều có mưa to, nước từ thượng nguồn đổ về nhiều khiến mực nước các con sông dâng cao. Tại khu vực sông Rin thuộc xã Sơn Tân, tuy dòng sông lúc này chảy xiết nhưng hai bên bờ sông lại có nhiều lao động khai thác keo thuê, vẫn “liều mình” bám theo những bó gỗ keo bơi ngang qua đoạn sông sâu và rộng gần 40m.

 

Để mưu sinh, người dân đã bất chấp nguy hiểm trầm mình trên dòng nước chảy xiết.
Để mưu sinh, người dân đã bất chấp nguy hiểm trầm mình trên dòng nước chảy xiết.


Chứng kiến cách những người dân nơi đây “đu” theo những bó keo to và cồng kềnh giữa dòng nước cuồn cuộn, chúng tôi không khỏi rùng mình. Những khúc gỗ keo sau khi khai thác được thả trượt xuống bờ sông từ trên rẫy cao. Tại đây chúng được cột thành từng bó từ 5-7 cây,  sau đó họ thả trôi những bó gỗ keo này, đồng thời bơi theo khoảng gần 150m để “lái” bó keo vào điểm tập kết ở phía dưới bờ bên kia của con sông. Đang cố hết sức kéo bó keo vào bờ, anh Đinh Văn Trân, ngụ thôn Ra Nhua xã Sơn Tân chia sẻ: “Mỗi ngày tôi không nhớ mình bơi qua bơi lại đoạn sông này bao nhiêu lần để chuyển keo qua sông nữa, biết là nguy hiểm nhưng nếu không làm công việc này tôi chẳng biết làm gì để kiếm sống”. Cũng theo anh Trân, công việc rất vất vả và nguy hiểm, nhưng tiền công anh và những người cùng làm nhận được mỗi ngày cũng chỉ được 100 nghìn đồng mỗi người.

Theo lý giải của một chủ rẫy keo, sở dĩ họ thuê người dân “ôm keo vượt sông” là do rẫy của họ nằm cách rất xa đường lớn, mỗi khi thu hoạch keo xe tải phải đi vòng một quãng đường rất xa qua nhiều quả đồi mới tới nơi được. Nhưng ở bờ  bên kia của sông Rin, có một con đường mới mở để chuyên chở keo chạy sát bờ, nên chỉ cần lợi dụng dòng nước chảy để đưa keo vượt qua sông là xe tải có thể dễ dàng tới thu mua ngay, họ sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Không chỉ có đàn ông, thanh niên tham gia vào công việc nguy hiểm này, trên lòng sông còn có cả phụ nữ, người già và học sinh cùng làm. Đang run cầm cập vì lạnh do bộ quần áo ướt sũng, em Đinh Văn Cường (14 tuổi), học sinh lớp 8 Trường THCS Sơn Tân lập bập nói: “Nhà nghèo nên buổi sáng em đi học, còn buổi chiều em cùng cha mẹ ra đây làm keo để kiếm tiền mua gạo. Vì ban ngày ngâm mình dưới nước lạnh quá lâu nên tối nào về nhà em cũng bị ho nên không thể học bài được”.

Ông Nguyễn Quyết Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Tân cho biết: “Dọc hai bên bờ sông Rin đoạn từ Sơn Mùa xuống Sơn Tân, có hàng chục điểm hàng ngày người dân bơi qua sông để vận chuyển keo. Vì để giảm bớt chi phí và thời gian vận chuyển, nhiều chủ rẫy và thương lái thu mua keo đã thuê người dân làm công việc này, bất chấp nguy hiểm”.
  

Bài, ảnh : LÊ DANH
 


.