Đang phòng lũ, vẫn lo hạn

10:11, 11/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù đang mùa mưa lũ, nhưng chính quyền và người dân một số địa phương lại lo…hạn! Lo lắng này tuy mâu thuẫn, nhưng không phải không có cơ sở khi dung tích chứa tại nhiều hồ chứa nước (HCN) giảm do hồ hư hỏng, lại thêm mưa ít, nắng nhiều…

TIN LIÊN QUAN

Năm 2013, mực nước của nhiều HCN ở trạng thái “chết” nên chỉ có hơn 6.897ha/12.351ha đất sản xuất nông nghiệp (đạt 55,8%) được tưới từ các HCN. Điều này khiến nhiều diện tích bị hạn, phải bỏ hoang hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong cả vụ sản xuất đông xuân 2013 – 2014 lẫn hè thu năm 2014. Năm 2015, tình trạng hạn hán sẽ căng thẳng hơn khi ngành khí tượng thủy văn dự báo hiện tượng El Nino xuất hiện với cường độ trung bình ngay từ những tháng cuối năm 2014, đầu năm 2015 nên mùa mưa kết thúc sớm, lượng mưa các tháng khả năng ít hơn cùng kỳ.

Lo mưa lũ

Bước vào mùa mưa lũ năm nay, nhiều HCN rơi vào tình trạng “không còn gì để hỏng”. Điều này có nghĩa, năng lực tích nước của các HCN này cũng sẽ rất hạn chế. Đơn cử như HCN Hàm Rồng, xã Bình Chánh (Bình Sơn), dù đảm bảo cung cấp nước tưới cho 117ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng hiện giờ, các hạng mục quan trọng của HCN này đã bị hư hỏng gần như hoàn toàn, từ đập, cống lấy nước, tràn xả lũ, đường quản lý đến hệ thống kênh. Thế nhưng nhiều năm nay, HCN Hàm Rồng vẫn phải gồng mình mỗi khi mùa mưa bão đến. Lý do, kinh phí sửa chữa, nâng cấp quá lớn – lên đến 27 tỷ đồng.

Dung tích chứa của nhiều HCN trong tỉnh hiện rất thấp.
Dung tích chứa của nhiều HCN trong tỉnh hiện rất thấp.


Không riêng gì HCN Hàm Rồng mà hiện giờ, toàn tỉnh có đến 32 HCN bị hư hỏng nặng cần được sửa chữa, nâng cấp khẩn cấp. Đặc biệt sau trận lũ năm 2013, tình trạng các HCN này lại càng bi đát hơn. Ấy nên dù không quên phương châm “4 tại chỗ” trong phương án phòng chống lũ của mình, nhưng với chi chít “vết thương” như HCN Lỗ Thùng, xã Đức Phú (Mộ Đức) thì “chúng tôi đã chuẩn bị sẵn bạt, bao cát, xe cộ, địa điểm di dời…để giữ hồ, giữ nước nhưng sức người có hạn, gắng đến đâu hay đến đó”, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phú Nguyễn Giáp Thìn cho hay.

Không mưa lại càng lo

Không chỉ đe dọa tính mạng, tài sản của người dân vùng hạ lưu mà tình trạng hư hỏng, xuống cấp của HCN cũng sẽ khiến họ khốn đốn khi bước vào vụ sản xuất. Lý do, hồ hư nên nước dễ rò rỉ, dung tích chứa vì thế cũng sẽ không đạt đến cao trình thiết kế. Đã thế năm nay, lượng mưa dự báo thấp hơn mọi năm nên không ít HCN sẽ rơi vào trạng thái “chết”.

Thực trạng này càng đáng ngại hơn khi hiện giờ, hàng loạt HCN lớn như Hố Quýt (Sơn Tịnh), Suối Loa (Ba Tơ), Liệt Sơn, Cây Sanh, Huân Phong (Đức Phổ)… chỉ tích được 20 – 30% dung tích chứa. Riêng huyện Bình Sơn – địa phương có nhiều HCN nhất tỉnh (57 hồ) thì hiện cũng chỉ có 8 HCN có dung tích chứa đạt 50 – 100%, số còn lại từ 0 – 40%. Với ngành nông nghiệp và nông dân Bình Sơn, đây hẳn là những con số buồn. Bởi vụ hè thu năm 2013, địa phương này có đến 344ha lúa mất trắng vì hạn.

Trong khi đó, nông dân có đất sản xuất nhờ nước ở các hồ Đá Chồng (Tịnh Bình), đập Hố Đèo (Tịnh Hiệp) của huyện Sơn Tịnh cũng thấp thỏm. Lý do là vụ hè thu 2014, các HCN này đã trơ đáy, mực nước chết còn lại cũng đã được người dân tận thu bằng các máy bơm. Trong khi hiện giờ, dung tích chứa của các hồ này cũng chưa được bao nhiêu vì bản thân bị hư hỏng, nước rò rỉ. Vậy nên khi nhìn các HCN trên, ông Nguyễn Lánh, ngụ xã Tịnh Bình nói như than: “Trời cứ mưa ít như thế này thì sắp tới, chúng tôi lại phải mất tiền, mất công chạy nước trồng lúa nữa rồi”.

Quả thật với những diễn biến bất thường của thời tiết như hiện nay thì có lẽ, lo lắng của ông Lánh cũng như nông dân trong tỉnh là điều dễ hiểu.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.