Áp dụng ISO hành chính công: Phục vụ đắc lực công tác cải cách hành chính

02:11, 07/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Ngãi đã và đang thực hiện chương trình xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 (gọi là ISO hành chính công - HCC) cho các cơ quan hành chính nhà nước. Điều này đã giúp cho cơ quan chuẩn hóa, hệ hống hóa, hợp lý hóa công tác quản lý, điều hành, nâng cao năng lực, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, chất lượng quản lý hành chính nhà nước.

Phát huy hiệu quả


Trong thời gian qua, ngành thuế đã đi đầu trong việc áp dụng, cải tiến ISO HCC trong cải cách hành chính (CCHC). Thường xuyên cập nhật và chủ động cải tiến chất lượng nhằm đáp ứng đầy đủ các thủ tục hành chính (TTHC) theo Đề án 30 và Nghị định 63/CP về kiểm soát TTHC. Từ đó đã tạo nhiều thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc kê khai thủ tục thuế và các lĩnh vực khác liên quan.

Ông Nguyễn Văn Luyện - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho hay: Trong các TTHC thuế, những thủ tục về giải đáp chính sách thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế, xác nhận nghĩa vụ thuế chiếm tỷ trọng lớn. Từ năm 2012, ngành thuế đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008, góp phần thực hiện đơn giản hoá TTHC về thuế gắn với việc giám sát thực hiện, nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế. Thông qua hệ thống này, Cục Thuế tỉnh cũng đã xây dựng biểu mẫu phiếu theo dõi quá trình xử lý công việc để theo dõi quá trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ thuế.

Huyện Sơn Hà là địa phương điển hình trong triển khai có hiệu quả ISO HCC. Quy trình giải quyết từng loại TTHC đều được xây dựng cụ thể, thời gian chuyển hồ sơ được quy định rõ ràng, các mức phí, lệ phí cũng được niêm yết công khai và thực hiện đúng quy định.

Ông Phùng Tô Long - Chánh Văn phòng UBND huyện Sơn Hà, cho biết: Nhờ áp dụng ISO HCC nên công tác CCHC của Sơn Hà có nhiều khởi sắc theo hướng phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Từ khi đưa vào áp dụng hệ thống này đã giúp cho cán bộ, công chức tổ chức thực hiện công việc khoa học hơn, góp phần tích cực trong việc thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” theo quy định của Chính phủ; chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và cung cấp dịch vụ HCC được nâng cao, từng bước tạo được lòng tin và sự hài lòng của người dân khi đến cơ quan nhà nước làm TTHC.

Trách nhiệm người đứng đầu

Theo thạc sĩ Lê Quốc Phong- Khoa Nhà nước và Pháp luật (Trường Chính trị tỉnh), qua thực tiễn trên địa bàn tỉnh, để áp dụng tiêu chuẩn ISO thành công, tất cả cán bộ, công chức trong đơn vị phải trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào hoạt động đảm bảo hiệu lực và hiệu quả của hệ thống quản lý chất lượng. Sự ách tắc, dù rất nhỏ, ở một khâu, một bước công việc, một cá nhân, một tài liệu... đều có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ của đơn vị. Cán bộ, công chức của cơ quan phải nhận thức đúng đắn chính sách chất lượng, mục tiêu chất lượng, quy trình làm việc, mục tiêu chất lượng trực tiếp liên quan công việc của mình, các yêu cầu của pháp luật có liên quan; hiểu rõ, cụ thể vai trò, vị trí, trách nhiệm, quyền hạn của mình trong hệ thống quản lý chất lượng của đơn vị, mối tương tác phần việc của mình đối với phần việc của người khác và trách nhiệm phải gánh chịu khi làm ách tắc quá trình chất lượng trong đơn vị.

Đặc biệt, sự cam kết và quan tâm của lãnh đạo cơ quan có ý nghĩa rất lớn đối với sự thành công trong xây dựng, duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng. Lãnh đạo cơ quan sẽ xác định chính sách, mục tiêu chất lượng và tạo điều kiện, môi trường, động viên cán bộ, công chức thực hiện và không ngừng sáng tạo để cải tiến liên tục hệ thống quản lý chất lượng của đơn vị. Lãnh đạo phải đảm bảo kiểm tra, giám sát, yêu cầu cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc phương pháp và tinh thần làm việc theo ISO. Thực tế cho thấy, ở đơn vị nào lãnh đạo quan tâm sát sao việc xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng thì ở đó việc áp dụng hệ thống rất tốt và ngược lại.  

NGUYỄN TRIỀU
 


.