Sống khổ trên đất "treo"

09:10, 31/10/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Một nghịch lý xảy ra gần hai chục năm nay, hàng trăm héc ta đất canh tác ở xã Phổ An (Đức Phổ) như bị bỏ hoang. Trong khi đó, người dân lại thiếu kế sinh nhai. Dù đã kiến nghị rất nhiều lần đến các cơ quan chức năng, nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết.
“Treo” 18 năm
 
Cách biển Phổ An khoảng 600m, khu đất rộng 300ha đi qua ba thôn Hội An 1, Hội An 2 và An Thạch đìu hiu, cỏ dại mọc khắp nơi. Từng được xem là nơi canh tác hoa màu chính của địa phương, nơi đây giờ là bãi chăn thả trâu bò.
 
Ông Lê Ngang (58 tuổi, ở thôn Hội An 1), tặc lưỡi: “Mười mấy năm bỏ hoang rồi đấy, không thả bò thì làm gì? Có cây nào trụ được lâu ở đây đâu…”
 
Đất
Khu đất từng được xem là nơi canh tác hoa màu chính của địa phương trở thành bãi chăn thả trâu bò.
 
Theo tìm hiểu, trong tổng số 300ha đất này, có 200ha từng được qui hoạch trồng mía. Nhưng về sau, cây mía mất giá, đất ngày một bạc màu, nước tưới không có nên việc trồng mía không đem lại hiệu quả.
 
Vào khoảng năm 1996, cây mía ở đây bị “khai tử”, người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như mì, khoai lang, đậu… Tuy nhiên, hiệu quả chẳng có tiến triển gì so với cây mía.
 
Vài năm trở lại đây, may mắn “gõ cửa” Phổ An, khi 200ha này được quy hoạch trồng mì đồng loạt phục vụ cho Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, Nhà máy mì Tịnh Phong.
 
Với kinh phí đầu tư tiền tỷ, dự án sau khi được triển khai góp phần làm đòn bẩy phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại chỗ. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Tấn Mỹ - Phó Chủ tịch xã Phổ An thì sau khi lên kế hoạch, đo đạc thực địa, hứa hẹn đầu tư giống, hệ thống nước tưới… các đơn vị này “biệt tăm, biệt tích”. Từ đó đến nay, không thấy động tĩnh gì. Đã tròn 18 năm, 200ha đất canh tác hoa màu thành một bãi đất hoang.
 
Mong sớm có câu trả lời
 
Từng là khu đất canh tác hoa màu, bạc ngàn màu xanh của cây mía, giờ chẳng khác gì đất hoang, nhiều người dân không khỏi xót xa.
 
Tại khu đất này, gia đình ông Trần Sĩ (75 tuổi, thôn Hội An 1) được cấp 5 sào. Trồng mía mất giá, trồng mì cũng không khá hơn, loay hoay mãi ông đành… “treo” đất như nhiều hộ dân khác.
 
Chừng ấy thời gian, nhiều người ở các nơi lân cận kéo về đây trồng dưa. “Họ trồng mà chẳng hỏi một tiếng. Mà thôi, họ trồng được cứ để họ trồng. Bực mình là họ cày xới đến nỗi bây giờ tôi không còn nhận ra ranh giới thửa đất của mình”, ông Sĩ lắc đầu khi mà cuộc sống của ông và các con bây giờ phụ thuộc vào vài sào lúa.
 
Xương rồng
Nhiều người dùng xương rồng khoanh thửa, ngăn trâu bò.
 
Khác với ông Trần Sĩ, ông Nguyễn Mưu (76 tuổi, thôn Hội An 1) không chấp nhận bỏ hoang đất mà cố gắng “vớt vát chút ít”. Ông khoanh thửa bằng cây xương rồng để trồng dưa, trồng khoai lang. Tuy nhiên, chưa kịp thu hoạch, bò phá hết. “Đất rộng mà “lèo tèo” có vài người trồng thì bảo sao bò không phá được”, ông Mưu nói.
 
Ông Nguyễn Đình Ngọc Trang- Chủ nhiệm HTX Nông Nghiệp Phổ An cho biết: “Trồng mía, trồng mì lợi nhuận chẳng bao nhiêu. Lâu nay, ở đây ai cũng đòi chuyển qua cây lâm nghiệp. Đã có nhiều trường hợp cố ý trồng keo, bạch đàn ở rìa khu đất, dù địa phương cấm".
 
“Bởi theo họ, 18 năm, nếu trồng keo thì cũng được 3 lứa. Cứ cho một lứa 4 triệu, tính ra 18 năm nay, 1 sào cũng được 12 triệu. Tổng hết 200ha (2.000 sào) thì số tiền thu về là không ít”, ông Trang cho biết lý do.
 
Một thực tế ở Phổ An hiện nay, không có đất sản xuất, nhiều người dân chuyển qua nuôi bò, tận dụng đất hoang. Nhiều hộ không có tiền mua bò thì vào Sài Gòn hoặc ra Đà Nẵng bán vé số, làm thuê, làm mướn. Toàn xã đã có hơn 500 lao động nằm trong số này.
 
Sau nhiều lần tiếp nhận ý kiến từ người dân, địa phương “nóng ruột” không kém. Ông Nguyễn Tấn Mỹ - Phó Chủ tịch xã Phổ An cho biết: “200ha này chỉ được phép trồng cây ngắn ngày và đã được quy hoạch trồng mì nhiên liệu. Xã đang trông chờ thông tin từ các doanh nghiệp và chỉ đạo của huyện. Nếu doanh nghiệp không đầu tư thì địa phương sẽ trình UBND huyện kế hoạch trồng cây keo lai xen kẽ cây mì".
 
Trao đổi với UBND huyện Đức Phổ, ông Nguyễn Đức Tỵ- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, trồng cây ngắn ngày hay cây lâu năm, xã phải xem xét lại thật kỹ. Theo ông, 200ha đất này, cây mì vẫn là cây trồng có khả năng phát triển tốt nhất nếu có dự án đầu tư hỗ trợ giống, kỹ thuật và cam kết về mặt giá cả. Huyện sẽ làm việc lại với các doanh nghiệp để sớm có câu trả lời cho xã và người dân.
 
 
Bài, ảnh: Th.Hậu
 

.