Những người phụ nữ đảm đang (Kỳ 2)

02:10, 20/10/2014
.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 2: Nghiêng vai gánh cả gia đình

Ngược xuôi làm đủ nghề, đôn đáo chạy vạy khắp nơi, những người phụ nữ  kém may mắn khi chồng con bị bệnh tật, không còn khả năng lao động đã mạnh mẽ đứng ra làm “trụ cột” gia đình.


Những trụ cột bản lĩnh

Vết sẹo ở chân chị Trần Thị Đậu (xã Hành Thịnh, Nghĩa Hành) vẫn chưa lành, thì mặt mày lại tiếp tục bầm tím vì bị người chồng mắc chứng tâm thần phân liệt đánh đập. Chị từng bị chồng ném bàn ghế vào người đến vỡ lá lách khi đang mang thai tháng thứ 4. Nghe qua truyền hình, sách báo, rồi được mọi người khuyên can về những trường hợp vì không làm chủ được hành vi, mà người mắc chứng tâm thần gây ra nhiều vụ án thương tâm, thế nhưng chị Đậu vẫn một lòng gắn bó, chăm lo cho chồng từng bữa ăn, giấc ngủ.

 Ngót nghét 16 năm chồng bị bệnh, cũng là ngần ấy năm chị Đậu bươn chải đủ thứ nghề từ thu mua phế liệu, tới làm rượu, làm bánh tráng rồi bán gạo. Oằn trên vai gánh nặng người chồng bệnh tật và 3 người con đang ở tuổi học hành, khiến chị Đậu chẳng còn giây phút nào nghỉ ngơi. Bị chồng đánh đứt gân chân, vết thương chưa kịp lành hẳn chị đã vội đi thu mua phế liệu để kịp thời gian đóng học phí cho con.  Vừa gom đủ tiền chuẩn bị sắm sửa đồ dùng năm học mới, thì chồng lại phát bệnh đột xuất nên chị lại phải lấy tiền đưa chồng vào bệnh viện…

Đã 62 tuổi nhưng bà Tống Thị Hồng lại là trụ cột gia đình có 2 người con bị tâm thần.
Đã 62 tuổi nhưng bà Tống Thị Hồng lại là trụ cột gia đình có 2 người con bị tâm thần.


Không còn trẻ như chị Đậu, bà Tống Thị Hồng ở thôn An Hội Nam 2, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) là trụ cột chính của gia đình dù đã bước sang tuổi 62. Vội vã trở về nhà sau một ngày trồng keo thuê trên núi, chưa kịp thay bộ quần áo ướt đẫm nước mưa, bà Hồng đã bắt tay ngay vào việc bếp núc. “Nấu nhanh, chứ trễ giờ ăn là nó lại dọa đánh”, bà Hồng phân trần. Chồng mất vì ung thư. Hai người con của bà bỗng dưng bị tâm thần phân liệt cũng gần bảy năm trời. Bà Hồng một thân một mình đi làm thuê làm mướn chạy ăn hằng ngày và dành dụm trả nợ. Khổ nỗi, cuộc sống đã khó khăn, mà ngày ngày bà Hồng còn phải làm đủ mọi việc để lo cho hai người con bị tâm thần. “Nhà không có tiền mà nó đòi xây nhà riêng. Rồi cái xe đạp, nó cũng mang cất, nhất quyết không cho mượn. Thành ra từ đây lên rẫy keo tới 6 km, mà tôi phải đi bộ”, bà Hồng thỏ thẻ tâm sự vì sợ con nghe thấy rồi gây gổ.

Vẹn một chữ tình

Không chỉ có nghị lực vượt qua khó khăn để làm trụ cột chính cho gia đình, mà những người phụ nữ giàu đức hi sinh này còn tảo tần trao yêu thương vô điều kiện. Chính sự ân cần, sẻ chia đó đã “trợ lực” cho người chồng vượt qua biến cố, bệnh tật. Ông Lê Thế Đại, một người bị suy thận giai đoạn cuối đã gần chục năm qua ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) cảm động: “Từ khi tôi bị bệnh, một tay vợ tôi chăm lo cho 3 đứa con ăn học đàng hoàng. Tiền chạy thận mỗi tuần, cũng là do vợ tôi thức đêm để đan giỏ tre mà có”.

Rồi trường hợp chị Phan Thị Hương ở xã Trà Bình (Trà Bồng) có chồng bị cụt một chân, mất khả năng lao động. Từ một người phụ nữ chỉ quanh năm quen ruộng đồng, chị mạnh dạn xuống Khu Công nghiệp Tịnh Phong xin làm công nhân với mức lương 2,5 triệu/tháng để có tiền chăm lo cho con gái học đại học và thuốc men cho chồng. Chị Đỗ Thị Hơn, ở thôn Diêm Điền, xã Tịnh Hòa (TP. Quảng Ngãi), có chồng bị ngã giàn giáo và đột quỵ nằm một chỗ suốt bảy năm. Một tay chị quần quật với hơn hai sào ruộng và làm thuê làm mướn để kiếm tiền thuốc thang cho chồng và lo cho cả gia đình...

Chịu đựng gian khổ, hy sinh vì chồng, vì con, dường như chính tình yêu thương đó đã tạo cho những người phụ nữ ấy nội lực mạnh mẽ. Ngay cả như chị Trần Thị Đậu, một người sau năm lần bảy lượt phải nhập viện vì bị chồng bị bệnh tâm thần đánh, vẫn quả quyết: “Thà là chồng khỏe mạnh mà đánh đập mình thì tôi còn nghĩ tới chuyện ly hôn. Chứ anh vì phát bệnh mới làm thế thì tôi chẳng có gì phải trách móc. Vả lại, nếu thấy ốm đau, bệnh tật mà bỏ rơi nhau, thì còn gì là nghĩa, là tình”…

Bài, ảnh: Ý THU
 


.