Những người phụ nữ đảm đang (kỳ 1)

09:10, 16/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cuộc sống còn lắm nhọc nhằn, lo toan, khiến đôi vai của không ít phụ nữ oằn xuống vì nặng gánh. Nhưng bằng sự nhẫn nại, chịu thương, chịu khó, họ đã vượt lên để lo chu toàn cho gia đình.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 1: Những người phụ nữ làm công việc của đàn ông


Họ đã chọn cái nghề vốn dĩ của đàn ông, cái nghề rất xa lạ với những người phụ nữ chân yếu tay mềm. Chân tay chai sần, gương mặt sạm nắng, nhưng họ vẫn cười tươi rói khi kể về chồng, về con…

 

Đôi bàn tay “thép”


Đôi bàn tay thoăn thoắt bên những chiếc xăm, lốp xe mặc cho những bụi bặm, dầu nhớt bám vào móng tay đen nhẻm, chị Trần Thị Kim Thi ở Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) vẫn ngày ngày nhẫn nại với công việc sửa xe “nối nghiệp” từ chồng. “Hồi xưa thì chồng sửa xe, rồi chồng mất thì đến chị ấy sửa. Khổ thân! Phụ nữ mà phải làm công việc của cánh đàn ông nên dù đi xa hơn các tiệm khác, nhưng tôi đều dắt xe ra đây để sửa...”, bà Nguyễn Thị Hòa đang sửa xe tại tiệm chị Thi cám cảnh.

Nhà nghèo, con đông. Chồng sửa xe, vợ rong ruổi bán bánh tráng tận Quảng Trị. Rồi anh mất. Gia tài để lại cho chị chẳng có gì, ngoài 4 đứa con và bộ đồ nghề sửa xe đã theo anh hơn chục năm. Nhìn bộ đồ nghề quá thân thuộc, vẫn còn bám đầy dấu tay lấm bẩn của chồng, chị Thi gạt nước mắt theo nghiệp của chồng để kiếm tiền nuôi con.

Công việc hằng ngày của những người phụ nữ xóm Ghe.
Công việc hằng ngày của những người phụ nữ xóm Ghe.


Những ngày đầu mới làm, chưa quen tay, quen việc, chị Thi lóng ngóng cả tiếng đồng hồ vẫn chưa vá được chiếc xăm thủng. Lắm lúc gặp “ca” khó, chị khệ nệ mang xe sang các tiệm của cánh mày râu để “học việc”. Kiên nhẫn, ham học hỏi, nhưng vì chọn cái nghề vốn chẳng dành cho phụ nữ chân yếu tay mềm, nên khâu nào cần nhiều sức vóc, thì chị Thi đành lắc đầu chào thua dù hiểu thông, biết thạo. ” Ngày xưa, ảnh bày cho thì tui đâu chịu học vì nghĩ công việc của đàn ông, học để làm gì đâu. Ai có dè, ảnh “đi”. Mẹ già, con thơ, không đi làm ăn xa được, cái nghề này tự dưng đến với tôi”, chị Thi rơm rớm nước mắt khi kể về cơ duyên với nghề.

Cũng như chị Thi, mặc cho những nhọc nhằn bủa vây, nhưng những người phụ nữ ở xóm Ghe, thôn Liên Hiệp 1, phường Trương Quang Trọng (TP. Quảng Ngãi) vẫn mải miết với công việc “đội sỏi”. Không dính dầu nhớt, lem luốc như nghề sửa xe, nhưng tay chân của những phụ nữ nơi đây lúc nào cũng ửng đỏ, lở loét khi thường xuyên phải dầm trong dòng nước lạnh. Cũng nghiêng vai vác sỏi, xúc sạn như đàn ông từ 2 - 3 giờ sáng đến tận trưa. “Thúng sỏi nhẹ nhất cũng đã 30kg. Một ngày phải nâng cả trăm thúng như vậy thì dù có đeo găng tay, tay cũng chai sần hết cả”, chị Nguyễn Thị Minh vừa cào sỏi vừa chia sẻ.

Gánh gồng vì con

Gồng mình lên để mưu sinh, nhưng khi con học hành chăm ngoan, mọi mệt mỏi với các chị dường như tan biến. Làm việc không có thời gian trò chuyện, nhưng khi nghe hỏi về con cái, chị Trần Thị Phi Yến, ở thôn Liên Hiệp 1, phường Trương Quang Trọng lại say sưa: “Đứa con gái lớn của tôi học Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh sắp ra trường rồi!. Còn đứa nhỏ thì học lớp 4 Trường Tiểu học Trương Quang Trọng. Đứa nhỏ năm nào cũng được học sinh giỏi, còn con bé lớn thì mới đi thi Rung chuông vàng. Nó mới điện thoại về khoe là vừa xin được học bổng ”.

Đôi mắt chị Thi cũng ánh lên niềm tự hào như thế khi kể về con của mình. Con gái lớn chị Thi vừa tốt nghiệp Đại học Tài Chính - Kế toán với tấm bằng loại giỏi. Đứa con gái thứ hai thì tự khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh thi đại học năm rồi và đã đỗ vào Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Rồi hai người con sau, đứa nào cũng là học sinh giỏi nhiều năm liền của trường tiểu học, THCS Nghĩa Trung. “Con đậu đại học, tôi tặng lại con chiếc xe máy cà tàng rồi đành đi bộ xuống thị trấn La Hà để lấy phụ tùng xe đạp. Cực thì cực, nhưng con ham học thì người làm cha làm mẹ nào mà chẳng vui!”, chị Thi mở lòng.  

Thương cho những người phụ nữ chọn cái nghề thường chỉ dành cho nam giới để gánh gồng nuôi con, bà con chòm xóm mang sang cho chị chiếc xe đạp cũ làm phương tiện đi lại. Rồi khi chị đi mua phụ tùng xe đạp, có lẽ vì là khách hàng quá “đặc biệt”, nên chủ cửa hàng cũng xua tay: “ Thôi, cùng là phụ nữ mà chị vất vả quá nên em cũng chẳng lấy tiền ngay. Chị cứ mang phụ tùng về mà sửa xe, bao giờ có tiền hãy mang qua trả”, chị Thi xúc động kể.


Bài, ảnh: Ý THU

*Kỳ 2: Nghiêng vai gánh cả gia đình

 


.