Kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô (10.10.1954-10.10.2014)
Hà Nội - Thành phố tình yêu

09:10, 08/10/2014
.

Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Có thể gọi Hà Nội là “Thành phố Hòa bình” hay “Thành phố vì hòa bình”. Riêng tôi, từ rất lâu rồi, tôi chỉ muốn gọi Hà Nội là “Thành phố tình yêu”. Đây là tình yêu đến từ hai phía: Phía người yêu Hà Nội và phía thành phố biết yêu, biết cưu mang con người.

Đã bao lần, từ Thăng Long tới Hà Nội, Thủ đô của chúng ta đã bốc cháy. Ngọn lửa ấy do chính người Hà Nội đốt lên trên những dãy phố của mình, thề quyết tử với quân thù. Và bao lần Thủ đô chúng ta đã “vườn không nhà trống” khi kẻ xâm lăng tràn vào. Đó là chiến thuật “lấy yếu thắng mạnh” mà người Việt luôn sở đắc một cách tài tình:

“Ngày 17 tháng 2 (dương lịch) năm 1285, quân Nguyên dựng trại bên sông Hồng. Quân Trần do vua Trần Nhân Tông trực tiếp chỉ huy cũng lập các chiến lũy bằng gỗ bên bờ Bắc sông Hồng nghênh chiến. Dưới sông là lực lượng thủy quân đông đảo của Đại Việt. Mục đích của quân Trần trong trận này chỉ là cản bước quân Nguyên để kịp hoàn thành công tác sơ tán hoàng gia và dân chúng khỏi kinh thành, thực hiện kế hoạch vườn không nhà trống”. (Theo Wikipedia tiếng Việt).

 

Một góc Hà Nội xưa
Một góc Hà Nội xưa.


Vậy là cách sau 694 năm, vào đúng ngày 17.2.1979, quân Trung Quốc lại tràn qua xâm lược Việt Nam, gây nên cuộc chiến tranh biên giới tàn khốc. Vào lúc đó, Hà Nội chưa phải sơ tán, nhưng những đoàn quân từ Hà Nội đã lên đường ngược Bắc, lao về biên giới chặn bước tiến của quân thù.

Còn đây là mùa Đông năm 1946, chính là cái “Đêm rút qua gầm cầu/Ta đã hẹn ngày mai trở lại/Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi…” (Thơ Tạ Hữu Yên-âm nhạc Nguyễn Thành). Và:

                “Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa
                Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng
                Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
                Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
                Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
                Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”

                                   (Ngày về-thơ Chính Hữu)

Ngay trong những thời khắc bi tráng nhất, Hà Nội vẫn đầy chất thơ, Hà Nội vẫn hào hoa, vẫn lãng mạn, vẫn như bay lên trong ánh lửa “Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng”. Người Nga cũng đã từng đốt cháy Matxcơva khi Kutuzov đương đầu với Napoleon, nhưng chỉ một lần.

Còn người Hà Nội đã hơn một lần tự đốt kinh thành của mình. Đó là ngọn lửa của “lòng yêu nước khủng khiếp”, nó có thể thiêu cháy mọi đội quân xâm lược. Còn những cuộc di tản tạm thời “vườn không nhà trống” mà sau này gọi là “đi sơ tán” thì Thăng Long xưa và Hà Nội nay không chỉ làm một lần.

Thật khó tưởng tượng hồi xưa cha ông chúng ta ở kinh thành Thăng Long đã sơ tán như thế nào trước thế giặc Nguyên tràn lấn, nhưng với những cuộc sơ tán thời chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, thì cả thế giới chứ không riêng Việt Nam đã mục sở thị cảnh người Hà Nội sơ tán. Bởi thời nay đã có máy ảnh, có máy quay phim. Đó là những cuộc ra đi mà người trong cuộc hết sức bình thản, còn người xem phim nhìn những cảnh ấy thì rơi nước mắt.

Hôm nay đi trên những phố phường Hà Nội, không phải mọi cái đều khiến chúng ta hài lòng. Hà Nội còn quá nhiều việc phải làm để có thể trở nên một thành phố thủ đô lý tưởng. Nhưng, thử nhớ lại, vào tháng 12 năm 1972, nhớ lại bài hát dữ dội của Phạm Tuyên khi Hà Nội bắn rơi “Pháo đài bay” B52 của Mỹ: “B52 tan xác rơi trên bầu trời/Hào khí Thăng Long sáng lên ngời ngời…”.

Vào thời điểm ấy, một đêm ở ven lộ 4 thuộc Cai Lậy-Mỹ Tho, tôi đã được nghe bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, từ một chiếc radio xách tay. Tôi đã khóc. Vì quá thương Hà Nội. Vì quá tự hào về Hà Nội. Và không chỉ riêng tôi có cảm xúc đó. Nếu tôi nhớ không nhầm, chính vào thời điểm ấy, cũng ở vùng ven lộ 4 Mỹ Tho, có một người bây giờ đang là lãnh đạo thành phố Hà Nội, cũng đã nếm trải và cảm xúc giống như tôi khi nhớ về Hà Nội. Đơn giản, vì cũng như tôi, anh ở đúng nơi ấy vào đúng lúc ấy, và cũng như tôi, anh đã ra đi từ Hà Nội vào chiến trường Nam Bộ. Phải có lúc đi xa mới thấy thiếu Hà Nội, mới thấy yêu hơn Hà Nội “của mình”.

 

Một góc Hà Nội nay
Một góc Hà Nội nay


Đất nước chúng ta đã phải trải qua biết bao đau khổ. Nhưng chưa bao giờ chúng ta đánh mất tình yêu và niềm tự hào. Đó là bản lĩnh của người Việt. Đó cũng là bản lĩnh của người Hà Nội. Nếu ai đó phân biệt người Hà Nội “gốc” với người Hà Nội “nhập cư”, thì tôi xin nói, với tất cả những người đã và đang sống ở Hà Nội, ai cũng là “người Hà Nội” cả. Gốc ở tình yêu Hà Nội. Gốc ở lòng yêu nước. Và, gốc ở niềm tự hào, nhiều khi khá ngây thơ, về thành phố của mình. Người ta nói “yêu nên tốt” và tôi muốn đó là tâm niệm của người Hà Nội.

Tôi còn nhớ câu chuyện nhà văn Nguyễn Chí Trung kể với chúng tôi, là khi nhận lệnh vào Nam chiến đấu, anh đã khoác ba lô đi bộ ba vòng quanh Hồ Gươm, cùng với… bạn gái của mình-một cô gái Hà Nội. Họ lặng đi bên nhau, không nói, không cả thổ lộ tình yêu. Và sau đó là chia tay. Người lính Nguyễn Chí Trung đã nhận một tình yêu không lời, như cách người lính Xô viết nhận khẩu súng sau cuộc duyệt binh trên quảng trường Đỏ Matxcơva, và từ đó đi thẳng ra chiến trường trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Biết bao thế hệ những người nhập cư, như nhà văn Nguyễn Chí Trung, đã đến Hà Nội và đã ra đi từ Hà Nội, vì đất nước mình. Họ đã góp tình yêu, góp cả máu xương cho Hà Nội, để ta có một Thủ đô như hôm nay. Có thể nhiều khu phố ở Hà Nội chưa đẹp lắm, nhiều khu phố còn lộn xộn trong qui hoạch và kiến trúc, nhưng bất cứ thành phố nào trên thế giới cũng đều có những vấn đề của nó, cũng có những nét chưa đẹp của nó, những qui hoạch “lẽ ra phải khác đi mới đẹp” của nó.

Nhưng để thay đổi, thì nhiều khi phải mất nhiều năm, thậm chí phải mất hàng thế kỷ. Cũng không thể đòi hỏi Hà Nội hôm nay vẫn cứ phải “bé xinh” như thời tôi học phổ thông ở trường Chu Văn An hơn 50 năm trước. Thời đó, đúng là Hà Nội đẹp, nhưng nhỏ bé, vì dân số Hà Nội lúc ấy chỉ khoảng 1/10 dân số Hà Nội bây giờ. Ngay Paris, mà nhiều khu phố mới, vài quận mới ở ngoại ô cũng “ít đẹp” nếu so với những quận nội thành và những khu phố cũ.

Đã có lúc, Hà Nội toan “dẹp” những gánh hàng rong, và tôi cho khó có sai lầm nào dễ nhận ra hơn cái “dự thảo quyết định” ấy. May mà sau đó thì… thôi. Những gánh hàng rong giữa thời @ này là nét đẹp vô song của Hà Nội, nếu so với nhiều thành phố khác trên thế giới. Không chỉ đẹp, những gánh hàng rong chậm rãi di chuyển giữa Thủ đô còn mang lại thu nhập và nuôi sống biết bao người lao động lương thiện. Họ có thể từ ngoại ô vào Hà Nội. Họ có thể ở ngay trong Hà Nội để mang những sản vật tuyệt vời nhưng rất vừa túi tiền từ ngoại ô phục vụ những người có thu nhập thấp và trung bình ở ngay trong lòng thành phố.

Gọi Hà Nội là “thành phố mở” chính là từ những gánh hàng rong đã đi vào thơ văn Việt hơn 2/3 thế kỷ trước ấy. Mở cửa và mở lòng. Thành phố ấy biết cưu mang những người nhập cư nghèo khổ đang tìm cơ hội sống, không một chút kỳ thị. Đó là điều không phải bất cứ thành phố nào trên thế giới cũng có được.

Chính từ sự tích hợp con người ấy, mà Hà Nội lặng lẽ phát triển, bất chấp mọi khó khăn. Nếu anh hỏi tôi chỉ ra một người Hà Nội tiêu biểu, tôi xin tiến cử người cha đã sống trong ống cống suốt mười năm, làm thuê làm mướn dành tiền nuôi con ăn học. Và con ông đã đỗ thủ khoa khi thi vào Đại học Y Hà Nội. Với tôi, đó là một người cha vĩ đại. Và là một người Hà Nội tiêu biểu. Tôi còn nhớ, trong một bài thơ viết về Hà Nội thời chiến tranh, trước khi rời Hà Nội vào chiến trường khu Năm, nhà thơ-liệt sĩ Nguyễn Mỹ đã có những câu thơ ngợi ca người nữ chiến sĩ Thủ đô thật xúc động:

                “Ngôi sao em đang lấp lánh nhìn tôi
                Ngôi sao em báo hiệu tuyệt vời
                Trên chiến tuyến của những người làm mẹ
                Một cuộc sống công bằng mới mẻ
                Sẽ ngời lên từ sau mỗi chiến công”  


Ước mơ của người nữ chiến sĩ ngày ấy khi đứng “trên chiến tuyến của những người làm mẹ”-một chiến tuyến mang tầm nhân loại-là một cuộc sống công bằng mới mẻ. Đó cũng là khát khao, là ao ước cháy bỏng của nhà thơ-liệt sĩ Nguyễn Mỹ, khi anh ra đi từ Hà Nội-thành phố Tình yêu./.

                                                 
 


.