Nỗi lo từ những chiếc cầu (Kỳ 2)

08:09, 08/09/2014
.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 2: Nơi an tâm, chỗ thấp thỏm

Con sông Re chảy qua địa phận hai huyện Ba Tơ, Sơn Hà với rất nhiều chiếc cầu dẫn về các khu dân cư. Mùa mưa lũ này, người dân sống hai bên bờ con sông Re có nơi vui mừng vì được đón những chiếc cầu mới. Song không ít vùng, lòng dân bất an bởi những chiếc cầu treo tạm bợ, hiểm nguy khó lường.

 


An tâm về “Làng đu dây”

Chúng tôi về “Làng đu dây”- tức các khu dân cư thuộc thôn Mang Po, Gò Da bên kia sông Re, xã Sơn Ba (Sơn Hà) khi chiếc cầu bê tông Mò O bắc về làng đã hoàn thành được 3 trong tổng số 5 nhịp cầu. Chỉ huy trưởng công trình, kỹ sư Nguyễn Đăng Hóa cho biết: “Đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu tháng 10 này sẽ hợp long cầu, tạo điều kiện để bà con tạm thời có cầu đi lại trong mùa mưa lũ; đồng thời tránh tình trạng mưa lũ gây thiệt hại cho công trình”.

Ở đầu nguồn sông Re, chiếc cầu treo về tổ 9, thôn Gọi Re mất an toàn vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra nhận xây cầu mới.
Ở đầu nguồn sông Re, chiếc cầu treo về tổ 9, thôn Gọi Re mất an toàn vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra nhận xây cầu mới.


Bên cạnh chiếc cầu Mò O đang đẩy nhanh tiến độ thi công, đơn vị thi công là liên danh Công ty tư vấn xây dựng công trình giao thông Quảng Ngãi và Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Phong Thành đã bắc cho người dân ở “Làng đu dây” một cây cầu tạm. Chiếc cầu này tuy chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng đó thực  sự là một chiếc cầu vững chãi nhất mà từ trước đến nay người dân bên kia sông Re được sử dụng. Có chiếc cầu tạm này, mọi cầu treo, cầu ván ở gần khu vực này đều đã bị “khai tử”. Mỗi ngày có hàng trăm lượt học sinh, giáo viên, nhân dân trong vùng đi lại, học hành, làm ăn.

Mặc dù theo thời gian nhà thầu cam kết, đến 30.4.2015  cầu Mò O mới chính thức khánh thành, bàn giao, song vì tính cấp thiết của chiếc cầu, đơn vị thi công đã đẩy nhanh tiến độ, cố gắng bàn giao trước thời gian quy định. Người dân “làng đu dây” đang nóng lòng mong đợi cây cầu Mò O mới song cũng an tâm khi sử dụng cầu tạm hiện nay.

 Cầu treo lắc lẻo bất an

Tổ 9 thôn Gọi Re, xã Ba Xa, huyện miền núi Ba Tơ – nằm ở phía đầu nguồn con sông Re, cách “làng đu dây” khoảng vài chục kilômét. Chúng tôi về Gọi Re khi mọi người ở tổ 3, tổ 4 đang dọn nhà về làng mới để tránh nứt núi. Người dân trong làng phấn khởi, mừng vui bao nhiêu thì bên kia sông Re, 38 hộ dân tổ 9 cùng thôn Gọi Re lại não lòng bấy nhiêu. Nguyên nhân là do đường về làng bắt buộc phải qua sông Re sâu và rộng nhưng chiếc cầu treo dân tự làm không đảm bảo an toàn. Chính tôi đã cùng vượt sông Re trên chiếc cầu treo “kinh khủng” ấy với đám trẻ trong làng sau giờ tan học. Quả thực tôi chưa bao giờ “nếm” cảm giác sợ hãi tột cùng như thế. Hai tay tôi phải nắm chặt thành cầu là những sợi kẽm mềm quấn vào song sắt 6. Qua hết cầu, tôi thở phào nhẹ nhõm, lấy hết sức bình tĩnh để có thể trở lại điểm cầu bên kia.

Chị Phạm Thị Via, tổ 9, thôn Gọi Re ngày nào đến giờ này cũng phải ra đây cõng con gái là Phạm Thị Thê đi cầu vượt sông Re về nhà. Em sợ không dám tự mình đặt chân lên cầu để qua sông sau mỗi giờ tan học. Không phải chỉ có em Thê mà rất nhiều người dân trong làng cũng không “bạo gan” qua lại, đành “nhốt” mình quanh quẩn trong làng mà thôi. Chị Võ Thị Bích Lê – Phó Chủ tịch UBND xã Ba Xa cho biết: “Xã biết là chiếc cầu treo này rất nguy hiểm cho tính mạng của người dân nhưng chẳng biết làm cách nào cả. Mong cấp trên quan tâm làm chiếc cầu an toàn cho dân qua lại”.

Trao đổi vấn đề này với ngành giao thông vận tải tỉnh thì được biết, việc làm cầu qua sông Re về tổ 9 thôn Gọi Re theo quy định đã phân cấp quản lý đầu tư cho huyện Ba Tơ. Song về phía huyện Ba Tơ lại bảo hiện tại chưa có kinh phí để làm, xin tỉnh cấp thì tỉnh chưa trả lời. Việc phân cấp quản lý để rạch ròi trách nhiệm là cần thiết, song nếu những người có liên quan đến việc xây cầu mới thay cho chiếc cầu treo “khủng khiếp” này một lần qua lại trên chiếc cầu ấy chắc chắn sẽ cảm nhận sâu sắc sự hiểm nguy như thế nào. Để từ đó có quyết định xây cầu kịp thời, tránh sự việc đáng tiếc xảy ra…


Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.