Mô hình bể chứa nước cộng đồng

04:09, 04/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn một tháng nay, dù đang trong mùa khô nhưng 15 hộ dân ở khu dân cư (KDC) 2, thôn Phú Hòa, xã Trà Phú (Trà Bồng) phấn khởi vì chỉ cần “vặn vòi là có nước”.  Cái điệp khúc gồng gánh can thùng đi xin nước đã lùi vào dĩ vãng. Tất cả là nhờ mô hình mới được mọi người ở KDC đặt cho cái tên là bể chứa nước cộng đồng.

Đường đến KDC 2, thôn Phú Hòa phải qua những con dốc cao và gập ghềnh. Hỏi đường đến bể nước cộng đồng người dân ở đây ai cũng hồ hởi dẫn chúng tôi đến tận nơi. Với thể tích 15m3, cung cấp cho hơn 15 hộ dân với 80 nhân khẩu, bể  chứa nước cộng đồng mang đến niềm vui lớn cho những hộ dân nơi đây. Chiếc bể nước được xây dựng từ sự góp sức của 15 hộ dân. Họ tự bỏ của bỏ công để làm, mỗi hộ góp từ 5 - 7 công lao động và 1 triệu đồng để mua vật liệu, đường dây, máy bơm, ống nước...

 

Bà con phấn khởi khi có bể chứa nước để sử dụng.
Bà con phấn khởi khi có bể chứa nước để sử dụng.


Sau hơn 15 ngày, bể nước cộng đồng được đưa vào sử dụng vào giữa tháng 6.2014.
Trong những năm gần đây, thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Ông Võ Tấn Thiện (57 tuổi) ở KDC 2, thôn Phú Hòa cho biết: “Từ nhỏ đến giờ, đây là năm nắng hạn nhất mà tôi biết. Lúa ngoài đồng khô héo hết, giếng thì trơ đáy”. Nhớ lại những ngày nắng nóng đỉnh điểm cách đây hơn 2 tháng,  khi chưa có bể nước cộng đồng, cô Nguyễn Thị Hiệp ở KDC 2, thôn Phú Hòa suýt xoa: “Hạn quá, ở đây giếng khô hết. Đi làm về phải đi xin nước gần 3km”. Cô đưa tay chỉ cho chúng tôi xem bể nước cộng đồng mà khuôn mặt đầy rạng rỡ. Từ ngày có bể nước, mọi sinh hoạt đều thoải mái hơn, chứ không chắt chiu từng ca nước như ngày trước.  

Ông Đặng Ngọc Hoàng - Chủ tịch UBND xã Trà Phú, người đề ra ý tưởng về mô hình bể chứa nước cộng đồng, cho biết: Năm 2013, thôn vừa được Nhà nước đầu tư, khoan giếng gần 40m ở trường mẫu giáo thôn. Năm nay, nắng nóng kéo dài dẫn đến hạn hán, thiếu nước, người dân phải đi xin nước khắp nơi, chỉ duy nhất mỗi chiếc giếng ở trường mẫu giáo là có nước.

Trước tình hình đó, tôi thiết nghĩ phải xây dựng một bể chứa có dung tích lớn, xin nước giếng của trường mẫu giáo thôn để bơm vào bể chứa, rồi sẽ dẫn ống nước đến từng hộ gia đình. Khi vừa nghĩ ra mô hình, ông Hoàng cùng các cán bộ ở xã đi vận động bà con triển khai mô hình bể chứa nước, tiên phong là những hộ dân ở KDC 2. Cô Hiệp chia sẻ: “Nhà tôi làm nông, chạy ăn từng bữa, nhưng nghe cán bộ nói về hiệu quả của mô hình này nên liền bán lúa góp tiền cùng mọi người trong khu dân cư xây bể chứa”. Còn ông Thiện thì phấn khởi, nói: “Đáng đồng tiền bát gạo lắm”. Khi bể nước xây xong, bà con trong KDC 2 đều gắn đồng hồ nước cho riêng mình. Căn cứ vào đó mà quy ra tiền điện. Ai dùng nước nhiều thì trả tiền điện nhiều, không xảy ra tình trạng mất công bằng, lại chống lãng phí nước.

Dù đời sống bà con vùng cao còn lắm khó khăn nhưng với sự đồng lòng và nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch nên mọi người cùng chung tay xây dựng. Trò chuyện với chúng tôi, ai cũng rạng ngời niềm vui. Ông Mai Văn Tiến – Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Trà Phú, cho biết: Bể chứa nước cộng đồng là một mô hình hay, thiết thực với cuộc sống người dân, đặc biệt là ở  vùng cao, đồi núi nhiều, đi lại, vận chuyển khó khăn. Trong những năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này.

Bài, ảnh: HIỀN THU
 


.