Dòng sông chở nặng ân tình

02:09, 02/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bắt nguồn từ vùng núi Tây nam của Ba Tơ, uốn lượn qua thị trấn đến gần chân núi Cao Muôn thì xuôi về hướng đông bắc, sông Liêng là niềm tự hào của người dân Ba Tơ khi tên sông gắn liền với những địa danh đã đi vào lịch sử: Di tích Bến Buông, vườn dâu tằm của ông Trần Toại… Một thời, dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù, những người lái đò vẫn kiên cường, nhẫn nại vận chuyển vũ khí, lương thực… vượt sông, góp công cho những chiến thắng lẫy lừng.

Dòng chảy của những chiến công

Đi dọc bờ sông Liêng những ngày mùa thu tháng Tám, bầu trời trong xanh “in” xuống dòng sông xanh ngắt một màu. Những câu chuyện kể về các chiến sĩ của đội du kích Ba Tơ xuôi dòng sông lịch sử này về đồng bằng tiếp nhận thực phẩm, rồi ngược dòng trở lại thượng nguồn để nuôi quân trong sự lùng sục ráo riết của kẻ thù… vẫn được các già làng rỉ rả truyền lại cho con cháu đời sau. “Sông Liêng gắn bó với kháng chiến, với quân, dân Ba Tơ như máu thịt, như hơi thở”, già làng Đinh Văn Lang xúc động nói.

 

Ảnh trên:  Di tích Bến Buông bên dòng sông Liêng - nơi tập kết vũ khí, lương thực từ đồng bằng                     về ATK Ba Tơ.                                 Ảnh: Ý THU
Ảnh trên: Di tích Bến Buông bên dòng sông Liêng - nơi tập kết vũ khí, lương thực từ đồng bằng về ATK Ba Tơ. Ảnh: Ý THU


Xuyên suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dựa vào thế núi, quãng sông uốn lượn khó lường, dòng sông này trở thành “trợ thủ” đắc lực, giúp quân và dân ta đánh đuổi quân thù. Tại khúc sông Liêng ngang qua địa phận xã Ba Thành, Bến Buông trở thành nơi tập kết lương thực, vũ khí từ đồng bằng ngược dòng sông về ATK Ba Tơ. Trại dâu tằm của ông Trần Toại, một chiến sĩ cách mạng có đóng góp đáng kể vào cuộc khởi nghĩa Ba Tơ được hình thành bên bờ sông Liêng, đoạn chảy ngang qua xã Ba Động đã trở thành điểm hoạt động cách mạng, móc nối với miền xuôi. Rồi đến trại bò Sáu Ri của cụ Trần Hàm cũng được xây dựng ngay bờ sông này, bề ngoài là cơ sở kinh tế để che mắt địch, nhưng bên trong lại là một điểm hoạt động của cách mạng. Chính nơi đây, vào tháng 4.1930, Chi bộ đầu tiên của Ba Tơ đã được thành lập.

Tại khúc eo của dòng sông, khi bị bắt về căng an trí để giam lỏng, những tù nhân chính trị yêu nước như cụ Nguyễn Đôn, Nguyễn Phách… đã giả bệnh để xin sống cách ly dưới thuyền để từ đó in ấn truyền đơn, tài liệu tuyên truyền vận động cách mạng.

Là dòng sông gắn liền với kháng chiến, sông Liêng không chỉ là nơi lưu giữ lại những chiến công, mà còn “kiên cường” hứng chịu bom đạn của kẻ thù. “Đoán biết bộ đội ta thường hành quân dọc theo sông, năm 1967, 1968, địch cho máy bay ném bom cày nát dọc bờ sông. Từ đoạn Vã Tia đến Đồng Lâu…đoạn sông nào cũng chi chít dấu vết bom đạn”, ông Lâm Thanh Hồng, một cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại Ba Lế từ năm 1962 trầm ngâm.

Sông ân tình, chung thủy

Dòng sông kháng chiến xưa kia, hôm nay hiền hòa tiêu úng, cấp nước cho những đồng lúa  bạt ngàn, cho keo mì xanh tươi. Khai thác thế mạnh của bãi bồi ven sông để trồng trọt, người dân Ba Tơ năm nào cũng gặt hái mùa màng bội thu. Từ các loại cây trồng ngắn ngày như bắp, mì… đến cây keo nguyên liệu… hễ đã bén rễ trên bãi bồi phù sa màu mỡ, là tất thảy đều vươn lên xanh um. Nếu có dịp xuôi theo dòng sông Liêng, ta sẽ cảm nhận được hương vị ngọt ngào lan theo con nước, để được thưởng thức sản vật cá niêng- món quà mà dòng sông ban tặng cho đất và người nơi đây. Trong kháng chiến, sông Liêng “kiên cường” cùng nhân dân đuổi giặc ngoại xâm, thì ngày nay, con sông này một lần nữa, tiếp tục đồng hành cùng người dân Ba Tơ trong tăng gia, sản xuất, phát triển kinh tế.

 

Các tuyến đường dọc sông giờ đã được tráng bê tông khang trang.
Các tuyến đường dọc sông giờ đã được tráng bê tông khang trang.

Không còn là đôi bờ của những con đường mòn bị cày nát bởi bom đạn chiến tranh, hầu hết các tuyến đường giao thông dọc sông Liêng bây giờ đều đã được xây dựng kiên cố. Từ đầu nguồn Ba Lế, đến xã Ba Động, đã có 9 chiếc cầu nối đôi bờ dòng sông. Cầu Nước Tiên nối liền hai xã Ba Dinh- Ba Chùa, cầu Bến Buông nối hai bờ sông Liêng ngang qua Ba Thành… Hệ thống đường bê tông, điện đường, bờ kè dọc sông, nhà cửa mọc lên san sát…Nếu như sông Liêng tạo nên vị thế và diện mạo cho vùng đất Ba Tơ anh hùng, thì con người Ba Tơ đang từng ngày nỗ lực điểm tô “bộ mặt” mới cho sông. Chiều dần buông trên sông Liêng, lời ai đó đang hát dập dìu: “Về đây với Ba Tơ. Rừng núi Cao Muôn kiên trung. Như lòng người Hrê đánh giặc giữ làng. Người về Ba Tơ, uống nước dòng sông Liêng…”.
 
 
Ý Thu
 

.