Độc đáo kho thóc của người Cor

08:09, 22/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để mùa giáp hạt, ngày đông rét mướt không còn phải chịu cảnh đói, từ bao đời nay, đồng bào Cor ở huyện Trà Bồng vẫn thường cất giữ lương thực của mình trong những kho thóc độc đáo và ẩn chứa những nét đẹp văn hóa đậm tính nhân văn.

Nâng niu “hạt ngọc” của trời

Không giống như cách bảo quản thóc của người miền xuôi, đồng bào Cor nơi rẻo cao ở huyện miền núi Trà Bồng cất giữ thóc khá độc đáo. Có dịp về với đồng bào, nhiều vị khách từ dưới xuôi lên thường bỡ ngỡ trước những căn chòi được làm khá công phu và tỉ mỉ, nằm vắt vẻo trên lưng chừng núi hoặc xung quanh các khu dân cư. Đó là kho thóc của đồng bào Cor.

Kho thóc được làm bằng tre nứa đập dập, buộc chặt bằng những sợi dây mây rừng, đặt ở vị trí thoáng đãng, cách mặt đất chừng 1 - 1,5m. Trước khi làm kho giữ thóc, gia chủ mổ gà cúng mẹ lúa, đón mẹ lúa từ nương rẫy về nhà. Tạ ơn mẹ lúa đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng được tốt tươi, no đủ. Và đến khi cần việc phải dùng đến thóc trong kho, gia chủ cũng phải cúng thêm một lần nữa, mới được mang về nhà.

 

Kho thóc của người Cor ở huyện Trà Bồng.
Kho thóc của người Cor ở huyện Trà Bồng.

 Sau bao ngày oằn lưng đơm bông, chắc hạt, những hạt lúa căng tròn, trải qua bao mưa nắng, khi thu hoạch, được bà con nâng niu như những “hạt ngọc”. Nó được cất giữ cẩn thận trong kho thóc, trữ giống má cho vụ mùa sau. Con chuột, con gà sẽ không có cơ hội phá phách.

Có một điều hay là, mặc dù được đặt cách xa nơi ở, không có người canh giữ, nhưng thóc cất trong kho không bao giờ bị người khác lấy cắp. “Lúa này được mẹ lúa giữ cho rồi! Không sợ bị mất cắp và chỉ có gia chủ mới có quyền được lấy về dùng. Nếu ai tham lam, lấy cắp mang về nhà thì sẽ bị đau ốm”, ông Hồ Văn Sinh, một người dân ở thôn Băng, xã Trà Hiệp cho biết.

Nguồn sống của cộng đồng

Nằm cách xa trung tâm xã, huyện, đời sống của bà con nơi vùng cao còn bộn bề những khó khăn, thiếu thốn, lo toan. Ngày mưa bão, mùa giáp hạt, đồng bào nơi đây thường phải chạy ăn từng bữa. Lúc đó những hạt thóc cất trữ trong kho được mang ra, làm ấm cái bụng bao người trong những ngày đông rét mướt.

ông Hồ Văn Lương - Trưởng thôn Băng, xã Trà Hiệp, bộc bạch: “Kho giữ thóc có vai trò rất quan trọng. Thời điểm những cây mạ chỉ mới vừa lên, cũng là lúc mưa rừng bắt đầu xối xả, cái chân, cái tay lạnh cóng. Không còn đủ sức đi rừng. Những hạt thóc gói ghém trong kho bấy lâu, sẽ trở nên quý giá hơn bao giờ hết”.

Không chỉ biết cất giữ lúa trong kho cho gia đình, dành cho những ngày giáp hạt hay mùa đông, mà lúc thôn xóm có người bị ốm đau, những người neo đơn túng thiếu, thóc từ kho lại được những tấm lòng thơm thảo  mang ra để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Kho thóc cũng là ân tình của người vùng cao dành cho nhau trong lúc túng bấn.

  Ông Nguyễn Hồng Trà - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Hiệp chia sẻ: “Nhà giữ thóc là một nét đẹp văn hóa mang đậm tính cộng đồng của người dân vùng cao. Ở những bản làng xa xôi, giao thông đi lại đặc biệt khó khăn, cách trở, thường bị cô lập vào những ngày mưa, bão lũ. Việc người dân có ý thức cao trong việc bảo vệ nông sản sau khi thu hoạch, để dành cho những lúc khó khăn, là một chuyện đáng mừng, cần được phát huy nhân rộng trong đời sống cộng đồng”.

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN

 

.