Đắp xây quê hương đẹp giàu

09:09, 02/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vào những ngày mùa thu tháng Tám lịch sử này, về Phổ Phong (Đức Phổ) quê hương của đồng chí Nguyễn Nghiêm - Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Quảng Ngãi, chúng tôi nghe người dân kể khá nhiều về những ngày mùa thu lịch sử sục sôi khởi nghĩa 69 năm về trước.

Xứng đáng với quá khứ hào hùng

 Về Phổ Phong bây giờ theo Quốc lộ 24 rộng thênh thang. Thôn Vạn Lý xưa heo hút nay đã mọc lên những nhà máy dăm, nhà máy đường, nhà máy gạch tuynel. Vào thăm nhà lưu niệm của đồng chí Nguyễn Nghiêm, hai bên đường lúa chín vàng trĩu hạt, làng quê căng tràn nhựa sống. Ông Nguyễn Ngọc Sang (74 tuổi) quản lý nhà lưu niệm  là cháu của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nghiêm. Kể từ ngày xây dựng nhà lưu niệm này tính ra đã 26 năm. Đó cũng là quãng thời gian ông gắn bó quản lý bảo vệ kiêm việc đưa đón khách. Người làng thấy ông chưa bao giờ bỏ bê công việc, chưa một lần thất hẹn với khách đến tham quan. Riêng tộc họ Nguyễn ở Phổ Phong, hằng năm cứ đến ngày lễ, ngày tết, con cháu lại tề tựu về Nhà lưu niệm thắp hương tưởng niệm. Đây cũng là dịp những người cao tuổi như ông nhắc nhở con cháu mình học tập noi theo những tấm gương, kiên trung bất khuất.

 

Một góc xã Phổ Phong hôm nay.
Một góc xã Phổ Phong hôm nay.

Vùng quê nghèo, thấy nhiều gia đình không có điều kiện cho con ăn học, tộc họ Nguyễn của đồng chí Nguyễn Nghiêm đã thành lập Quỹ khuyến học để kịp thời giúp đỡ. Giờ đây, mỗi khi nhắc đến chuyện học người làng vẫn khâm phục về tấm gương nghèo vượt khó của anh Huỳnh Văn Cầu, giờ là cán bộ xã. Anh Cầu con nhà nghèo, cha mất lúc còn nhỏ. Cảm thương người mẹ tất tả một nắng hai sương trên đồng, anh đã ra sức học tập thi đỗ vào Trường Đại học Quy Nhơn. Sau khi ra trường, anh đã tình nguyện công tác tại xã góp phần xây dựng quê hương và đỡ đần công việc cho mẹ.

Nhớ mãi mùa thu xưa


Với những cụ cao niên ở Phổ Phong, ai cũng nhớ những ngày thu Tháng Tám lịch sử. Khi ấy, vào chiều ngày 14.8.1945, sau khi tiếng trống lệnh khởi nghĩa dồn vang ở làng Thi Phổ Nhất, huyện Mộ Đức thì ở vùng Gò Sim (Phổ Phong) tiếng trống, tiếng tù và lập tức dồn vang. Những người dân quê từ bao đời bị đè nén bởi thực dân phong kiến giờ với giáo, mác trong tay, theo lệnh của Ban chỉ đạo khởi nghĩa đã vùng dậy truy bắt bọn phản động, cường hào. Đến sáng 15.8, tại sân vận động Tân Phong hàng ngàn người dân tham gia mít tinh mừng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa rồi cùng nhau tuần hành qua các làng quê Vĩnh Xuân, Gia An, Hiệp An, Hùng Nghĩa, Vạn Lý. Sau đó, như một biển người, nhân dân Phổ Phong cùng với các xã khác kết đoàn cùng nhau tiến về chiếm huyện đường, góp phần vào sự thành công của cách mạng Tháng Tám năm 1945 của cả nước.

Xây đời no ấm

Ở vùng quê nghèo khó Phổ Phong, ai cũng nung nấu ý chí vươn lên bằng nhiều cách. Người dốc sức cho con ăn học, người đầu tư trồng rừng, chăn nuôi để làm vốn cho con cái mai sau. Anh Nguyễn Cư, thôn Hùng Nghĩa, là một điển hình. Sau khi rời quân ngũ trở về, không cam chịu cảnh nghèo, nghĩ bụng nghề truyền thống kết chổi đót của quê có thể phát huy được nếu có thị trường. Thế là anh Cư đã đi khắp miền Nam tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Nhờ cung cấp mối hàng đúng hẹn và luôn giữ uy tín, nên đến nay thương hiệu chổi đót của anh đã được nhiều nơi đặt hàng để xuất khẩu sang tận Philippin, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore… Đi lên từ hai bàn tay trắng, giờ anh Cư đã là chủ một cơ sở sản xuất chổi đót, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương.  

Từ một vài hộ như anh Cư vươn lên trên miền đất khó, nhiều người cũng nối gót làm theo nên cuộc sống của người dân trên đất Phổ Phong khá dần lên. Khi tỉnh triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới, bà con đã đóng góp xây dựng đường làng, ngõ xóm. Số hộ nghèo chỉ còn 16% trong tổng số gần 2.540 hộ toàn xã.  

Ông Phan Tiến Định – Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Phong, cho biết: Phía tây nam của xã, tỉnh đang đầu tư xây dựng cụm công nghiệp làng nghề. Trong tương lai, cụm công nghiệp này đi vào hoạt động xã định hướng phát triển lĩnh vực thương mại dịch vụ, giảm dần lao động nông nghiệp, tăng thu nhập cho bà con.

Song hành với cuộc sống làng quê Phổ Phong ngày càng khởi sắc, Sở VHTT&DL đang tính toán lập dự án xây dựng Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm. Khu lưu niệm này sẽ là “địa chỉ đỏ” để các thế hệ đến tham quan, tìm hiểu về cuộc đời trung kiên và oanh liệt của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nghiêm trong phong trào đấu tranh cách mạng của tỉnh nhà.       
                   
Bài, ảnh: MAI HẠ
 

.