Nan giải tình trạng "xen canh xen cư" (Kỳ 1)

03:08, 19/08/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Tình trạng xen canh, xen cư, tranh chấp ranh giới vùng giáp ranh đã vào nội dung của nhiều cuộc họp từ xã, huyện, tỉnh đến liên tỉnh, nhưng vẫn bất thành. Sự việc khiến công tác quản lý hành chính hết sức khó khăn, đặc biệt là chuyện giữ phòng hộ đầu nguồn.

TIN LIÊN QUAN

            

   Kỳ 1: Nhập nhằng bên họ bên ta

Định cư một nơi, địa giới hành chính một nẻo khiến việc tranh chấp địa giới đang diễn ra khá gay gắt. Nhiều hộ dân đang lâm vào cảnh bị "bỏ rơi".


Có đất nhưng không được canh tác


Từ UBND xã Trà Thanh (Tây Trà), ngược ra bắc theo Quốc lộ 24C khoảng 7km, chúng tôi đã đặt chân đến tổ 1, thôn Môn, xã Trà Thanh, giáp với tỉnh bạn Quảng Nam.

Chỉ tay về phía trước mặt bảng chỉ ranh giới, anh Hồ Văn Sơn- Trưởng ban Mặt trận thôn Môn, bảo: “Ngày xưa đây là đất của mình, chỉ có dân mình canh tác, giờ họ lấn chiếm, phá rừng làm lúa, trồng keo. Nhiều người sổ đỏ cầm trong tay mà không có đất sản xuất”.

Theo chân anh Sơn chúng tôi tìm đến nhà chị Hồ Thị Tâm và được nghe bao câu chuyện “buồn” từ cái ranh giới này.

 

Mặc dù sổ đỏ đang giữ nhưng bà Tâm vẫn không được canh tác trên đất của mình.
Mặc dù sổ đỏ đang giữ nhưng bà Tâm vẫn không được canh tác trên đất của mình.


Cầm trên tay cái sổ đỏ của mẹ là bà Hồ Thị Mó (đã chết), chị Tâm giọng nói nghe rất mỏi mệt, bất lực. Năm 2008, bà Mó được nhà nước cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất diện tích 60.694m2 đất rừng ở núi Du Pát, thời hạn sử dụng đến tận năm 2058. Chỉ vài tháng sau bà Mó qua đời, toàn bộ diện tích này cho bà Tâm sử dụng.

Chưa kịp mừng, đến năm 2009, nhiều hộ dân ở huyện Bắc Trà My lấy lý do đây là đất của mình theo địa giới hành chính đã phân định nên ngang nhiên lấn chiếm trồng keo, lúa, mì, bắp, đậu tới gần 5ha

Chồng mất, đàn con nheo nhóc, “yếu thế” nên bà Tâm đành nhường cho họ. 7 miệng ăn gia đình bà giờ chỉ biết bám trụ vào hơn 1ha rừng còn lại.

“Sổ đỏ là của mình mà 5 năm qua phải chịu cảnh nhìn người xã khác canh tác trên đất của mình. Đất cha đất mẹ để lại mà đành để họ làm. Có tiếng mà không có miếng. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần, tiếp xúc cử tri cũng ý kiến mà chưa thấy ai đứng ra giải quyết.”- bà Tâm bức xúc.

Ở một nơi, hộ khẩu một nẻo

Mở đầu câu chuyện ông Hồ Văn Đạt ở thôn Đông, xã Trà Trung (Tây Trà) chua chát: “Chúng tôi giờ như con không cha không mẹ. Danh thì ở Tây Trà mà hộ khẩu thực lại ở Trà Bồng”.

Thể là từ xưa 82 hộ dân ở thôn Đông, xã Trà Trung là ở thôn Go, xã Trà Bùi (Trà Bồng). Địa giới hành chính thuộc về xã Trà Bùi, nhưng khoảng cách địa lý tới trung tâm xã quá xa so với “anh hàng xóm”, nên 82 hộ dân này đồng tình xin “gia nhập” về xã Trà Trung để thuận tiện cho việc đi lại, sinh hoạt, học tập của con em.

 

82 hộ dân ở thôn Đông, xã Trà Trung phải chịu thiệt vì
82 hộ dân ở thôn Đông, xã Trà Trung phải chịu thiệt vì ở Tây Trà mà hộ khẩu thực lại ở Trà Bồng.


Vào ngày 15.10.2002, họ chính thức được nhập vào xã Trà Trung, nhưng chính sách hưởng thụ từ chương trình 30a của Trà Trung chỉ có người dân ở 3 thôn là thôn Xanh, Vàng và Đam được hưởng, còn thôn Đông thì không.

Sau nhiều cuộc đối thoại, tháng 10.2013, huyện Trà Bồng đã thu hộ khẩu về địa phương và hứa ngày 1.6.2014 sẽ có quyết định, nhưng vẫn biệt âm vô tính khiến người dân đang lâm vào cảnh bị “bỏ rơi”.

“Mỗi lần thấy xe biển số xanh đến người dân mừng vô kể, nhưng mãi chẳng biết số phận chúng tôi rồi sẽ về đâu”- ông Đạt buồn bã nói.

Từ đây muốn về trung tâm xã Trà Bùi phải xuống Sơn Hà rồi qua xã Trà Tân mới tới Trà Bùi, đi cả bốn năm chục cây số, còn về Trà Trung chỉ vài cây số thì thuận lợi đủ đường. Vì thế nguyện vọng của bà con là được về xã Trà Trung.

Không chỉ ở xã Trà Trung, Trà Thanh, Trà Khê mà nhiều địa phương trong tỉnh, nhiều hộ cùng chung cảnh ngộ vì tình trạng “xen canh xen cư” giữa các địa phương này.

Nơi thì sổ đỏ dân xã này đang giữ mà địa giới hành chính lại thuộc về xã kia, ngược lại nơi thì sổ đỏ dân xã kia giữ mà địa giới hành chính lại thuộc về xã này. Tình trạng này xảy ra đã lâu, nhưng các cấp chính quyền giữa hai bên chưa tìm được tiếng nói chung.  

 

* Kỳ 2: Rừng phòng hộ bị đe dọa

 

Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.