Tấm lòng của một cựu chiến binh

08:07, 23/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong suốt 7 năm qua, CCB, bác sĩ Phạm Ngọc Lâm (67 tuổi), ở thôn Phước Chánh, xã Đức Hòa (Mộ Đức) đã khám, chữa bệnh miễn phí cho hàng nghìn người. Nhân cách và tài năng của ông được khắc ghi trong lòng của biết bao người, trở thành câu chuyện cổ tích giữa đời thực.

Thời lính oai hùng

“Hồi đó, tôi còn nhỏ, chỉ mới 10 tuổi, đâu biết gì. Ba tôi lúc đó bảo, đi học về thì qua đồn địch thám thính xem có bao nhiêu tên, rồi về báo. Tôi cứ thế làm theo”, bác sĩ Phạm Ngọc Lâm mở đầu câu chuyện với tôi. Gia đình ông theo cách mạng, năm 1962 thì bị địch phát hiện nên phải thoát ly. Cũng từ ngày ấy,  chàng trai Phạm Ngọc Lâm biết cầm súng xông ra chiến trường. 14 tuổi, ông là một trong 42 người đầu tiên thành lập Đại đội 19 của huyện Mộ Đức. Sau đó, ông được đưa về Huyện ủy làm văn phòng. Được vài tháng, ông chuyển lên làm ở Ban Tuyên huấn tỉnh. Năm 16 tuổi, ông được cử đi học y tá.

CCB, bác sĩ Phạm Ngọc Lâm đang khám, chữa bệnh cho bệnh nhân tại nhà.
CCB, bác sĩ Phạm Ngọc Lâm đang khám, chữa bệnh cho bệnh nhân tại nhà.


Trong ký ức của mình, cựu chiến binh Phạm Ngọc Lâm không bao giờ quên được giai đoạn chiến đấu ác liệt, nhưng oai hùng của mình. Từng khoảnh khắc giữa cái chết và sự sống đã ám ảnh ông cả cuộc đời. Lật từng trang ký ức, CCB Phạm Ngọc Lâm, kể: “Những năm từ 1962 - 1972, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Lúc này, tôi tham gia khá nhiều trận đánh, trong đó, có trận càn Chiến dịch Sông Re năm 1967 là đáng nhớ nhất. Thời ấy, địch mạnh lắm. Tôi và đồng đội  (tên Dũng) được cơ quan phân ở lại bám địch. Quân Mỹ càn vào bắn, đồng đội của tôi bị thương hai chân. Chân trái bị thương quá nặng, nên đành phải bỏ đi chân này. Nhìn đồng đội bị thương, tôi đau đớn lắm! Nhưng không còn cách nào khác…”.

Ở núi rừng hoang vu, không có thực phẩm để ăn uống, nghĩ đến người bạn của mình đang thoi thóp vì hơn 3 ngày chưa có gì vào bụng. Ông Lâm nghĩ ra cách nhử cua ở suối. Số lượng cua bắt được không nhiều, nên ông để bạn ăn phần thịt, còn ông thì nhai vỏ lấy nước. Đến gần sáng ngày thứ 7, nghe tiếng quân địch đang hành quân, ông thầm nghĩ, nếu bị địch phát hiện thì cả hai cảm tử. “Dũng nghĩ bụng, nếu bỏ anh ở lại, tôi sẽ có cửa thoát thân, nên anh liền mở băng vết thương để máu chảy cho nhanh chết. Chứ nếu lúc này mà tôi cõng Dũng cùng bỏ chạy, thế nào cả hai cũng không thoát được. Hiểu ý Dũng, tôi ôm chầm lấy cậu ấy và giơ cao mấy quả lựa đạn bảo, sống cùng sống, chết cùng chết”, ông Lâm bồi hồi nói.

May sao, địch không càn quét đến địa điểm hai người đang nấp. Hai chàng trai tuổi chỉ chớm đôi mươi ấy, giữa lằn ranh sống chết đã hết lòng chở che cho nhau, thà hy sinh cùng đồng đội chứ không ai chịu sống một mình. Ông Lâm chia sẻ: “Vì sao hai chúng tôi có thể sống sót qua những ngày gian khổ ấy, chính tôi cũng không diễn tả được. Chỉ biết rằng, tình bạn, tình đồng đội nó thiêng liêng lắm…”.

“Ông Bụt” của bệnh nhân nghèo
 

“CCB, bác sĩ Phạm Ngọc Lâm là chân dung rõ nét, xứng danh bộ đội Cụ Hồ, đó là: Những tháng ngày chiến tranh, ông gan dạ, anh dũng trước kẻ thù, xả thân vì đồng đội. Nay về hưu ông lại gần dân, giúp dân và lo lắng cho dân”, ông Phạm Thanh Huấn - Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Mộ Đức nói.

Xuất ngũ, năm 1972, ông Lâm thi đậu vào Trường Đại học Y dược Thái Nguyên. Sau gần 7 năm học tập miệt mài với chuyên ngành bác sĩ đa khoa, ông về quê hương làm việc. Trong những năm công tác, ông được tín nhiệm và kinh qua nhiều chức vụ như Phó giám đốc, Giám đốc bệnh viện Mộ Đức, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Trong quá trình làm việc, ông luôn được đồng nghiệp và mọi người yêu quý vì sự tận tâm, trách nhiệm. Nhờ vậy, 2 lần ông được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Năm 1995, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.

Sau khi về hưu, có nhiều thời gian để sâu sát bà con hơn, ông cảm thấy đời sống của người dân nông thôn còn nghèo khó quá. Nhiều người không có thời gian và tiền bạc để chăm lo cho sức khỏe, đặc biệt là người già có con cái đi làm ăn xa. Trăn trở, suy tư nhiều ngày liền, ông Lâm xin phép xã để thành lập CLB “Tư vấn sức khỏe”. Sau đó, cứ mỗi tháng ông tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí định kỳ vào ngày 10 âm lịch cho bà con nhân dân tại Nhà văn hóa thôn. Trung bình mỗi lần như thế thu hút khoảng 50 - 60 người đến khám. Nhu cầu khám chữa bệnh thì cao mà chỉ có tổ chức được một ngày trong tháng, là điều ông đau đáu trong lòng.

Từ năm 2011, được sự ủng hộ của vợ và các con, ông quyết định mở phòng khám tại gia đình. Ông khám bệnh miễn phí cho tất cả mọi người, riêng với những hộ gia đình nghèo, cựu chiến binh, ông còn cho hoặc giảm tiền thuốc. Cô Nguyễn Thị Kiều Viên, ở thôn 7, xã Đức Tân (Mộ Đức), người thường xuyên được bác sĩ Lâm khám, chữa bệnh, giọng thán phục: “Tôi đến nhà bác sĩ Lâm khám đến lần thứ 6 rồi đó. Bác sĩ Lâm khám rồi kê toa thuốc, tôi uống vào là bớt bệnh ngay. Bác sĩ Lâm nhiệt tình và tốt bụng lắm, biết hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, nên chẳng bao giờ nhận tiền cả. Những bệnh nhân nghèo như chúng tôi gọi ông là ông Bụt đó”.

Tạm biệt căn nhà nhỏ ấm áp của gia đình CCB, bác sĩ Phạm Ngọc Lâm, tôi cứ nhớ mãi lời ông nói: “Nhiều người hay bảo, tôi rước cái khổ vào thân, nhưng đối với tôi thì không. Được khám, chữa bệnh cho đồng đội, người dân nghèo và bà con, được làm những việc có ích, đó là niềm vui lớn nhất của cuộc đời tôi”.


Bài, ảnh: HIỀN THU

 


.