Những chuyện bất cập ở cơ sở (Kỳ 1)

03:07, 22/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với sự vận động đi lên của tỉnh, đây đó vẫn còn những  bức xúc, sự phiền toái trong một bộ phận dân cư. Những sự việc, hiện tượng mà phóng viên Báo Quảng Ngãi nắm được từ cơ sở trong loạt bài viết này là những câu chuyện tuy không mới, nhưng là một góc nhìn cận cảnh về những gì đã và đang tồn tại ở cơ sở. Hy vọng qua đó các cơ quan chức năng của tỉnh có các giải pháp khắc phục, chấn chỉnh, tạo sự bền vững trong quá trình phát triển.
 

Kỳ 1: Vì sao người nông dân lên tiếng

Những bất cập trong việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, hạ tầng KCN khiến hàng trăm hécta ruộng của người dân phải bỏ hoang, khu dân cư ngập trong biển nước mỗi khi có mưa, môi trường bị ô nhiễm... khiến người dân phải lên tiếng.


Khổ vì kênh không nước…

Cách đây khoảng 3 năm, người dân thôn 7, thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức) vui  mừng vì tuyến kênh B14, thuộc hệ thống kênh thủy lợi Núi Ngang được xây dựng. Họ hy vọng, rồi đây những vùng đất bạc màu vì thiếu nước sẽ được tưới mát bởi con kênh này. Nhưng rồi, con kênh chỉ được dẫn nước một lần duy nhất để thử tải và nghiệm thu, sau đó trở thành con kênh “chết”. Đáy kênh đầy rác và cỏ mọc um tùm. Hơn 30ha đất ở cánh đồng Vĩnh Trường tiếp tục chịu cảnh ăn nước trời. Đưa tay về phía con kênh trơ đáy, ông Nguyễn Vinh lắc đầu ngao ngán: “Nếu có nước, 3 sào ruộng này lúa, hoa màu lên xanh mượt chứ không phải để trồng mè như thế này”.
 

 

“Tháng 6.2013, Sở NN&PTNT có Công văn 1045 trình UBND tỉnh xin chủ trương đầu tư kiên cố hoá kênh bơm Bbm 1, nhưng do chưa sắp xếp, bố trí được nguồn vốn đầu tư nên đến nay UBND tỉnh chưa cho chủ trương đầu tư. Do đó, việc chậm xử lý ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ xuất phát từ nguyên nhân khách quan. Ngay cả công trình Đập ngăn mặn Hiền Lương bị hư hỏng nghiêm trọng từ cuối năm 2013 tỉnh cũng chưa bố trí 3 tỷ đồng để sửa chữa theo tờ trình của Sở”  -Ông Dương Văn Tô-GĐ Sở NN&PTNT, giãi bày.

Ông Lâm Quang Anh - Trưởng Trạm Quản lý thủy nông số 5 (Mộ Đức), kể: Hệ thống kênh thủy lợi Núi Ngang đi qua huyện Mộ Đức khoảng 7km, do Trạm quản lý, khai thác. Hệ thống kênh này gồm 5 tuyến kênh, trong đó kênh B14 dài khoảng 1km đi qua cánh đồng của HTX Vĩnh Trường không thể dẫn nước. Nguyên nhân, khi xây dựng, đáy kênh không được gia cố bằng bê tông mà chỉ dùng nền đất có sẵn. Do đó, nước dẫn đi quãng đường quá xa đã thấm xuống đất, không còn đủ nước để đưa đến điểm cuối (cánh đồng Vĩnh Trường). “Chúng tôi nhận bàn giao từ BQL các dự án Sở NN&PTNT. Việc khắc phục bất cập này là rất khó, vì thiếu kinh phí”, ông Anh nói.

Còn ở xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh), hơn 10 năm qua, hàng trăm hộ dân cũng không thể canh tác vụ hè thu, do thiếu nước. Nguyên nhân, do tuyến Bbm 1 (hay còn gọi là K10) thi công năm 1994 và đưa vào sử dụng tháng 6.1997 do BQL Đầu tư và Xây dựng 410 thi công, nhưng cao trình đáy kênh thấp hơn cao trình mặt ruộng (đoạn km4- km5+564) và nay đang xuống cấp nghiêm trọng. Theo thiết kế sẽ tưới 420ha, nhưng hiện nay chỉ tưới được 145-167ha. Lão nông Trần Vinh (thôn Phú Sơn, Tịnh Hiệp) thở dài: “Năm nào chúng tôi cũng kiến nghị mà có thấy thay đổi được gì đâu. Toàn dân nghèo cả, mà mỗi năm cũng chỉ trông chờ vào vụ đông xuân để gieo sạ bằng nước trời, làm sao khấm khá lên được”.

Theo lãnh đạo xã Tịnh Hiệp, khoảng 200 hecta ruộng lúa ở các thôn Vĩnh Tuy, Hội Đức, Phú Sơn phải bỏ hoang vì thiếu nước trong vụ hè thu là nỗi trăn trở của xã. “Huyện cũng xem xét hỗ trợ cho dân, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Bây giờ, người dân chỉ biết tự cứu bằng cách đào giếng, nhưng mùa khô, đào rát cả tay cũng không có giọt nước nào cả”, ông Võ Tấn Hồng - Chủ tịch UBND xã Tịnh Hiệp, nói. Được biết, công trình này đã được Thường trực Tỉnh uỷ chỉ đạo xử lý sau khi Bí thư Tỉnh uỷ nghe người dân phản ánh tại buổi đối thoại tháng 10.2012.

Kênh B14 không thể dẫn nước từ nhiều năm nay.                                               Ảnh: NG.TRIỀU
Kênh B14 không thể dẫn nước từ nhiều năm nay. Ảnh: NG.TRIỀU


Chuyện kênh không nước không phải chỉ có ở Sơn Tịnh, Mộ Đức mà các địa phương khác trong tỉnh đều có. Thực trạng đó các cấp chính quyền đều biết, nhưng các công trình này không những chậm khắc phục mà còn lặp lại ở nhiều công trình thuỷ lợi khác, khiến người dân bức xúc.  

Điêu đứng vì hạ tầng khu công nghiệp

Đang vào mùa gieo trồng, nhưng vợ chồng anh Ngô Thanh Hồng ở thôn Vĩnh Trà, Bình Thạnh (Bình Sơn) lại đi phụ hồ. Hơn 10 năm nay, cứ đến mùa nắng là vợ chồng anh kiếm đường mưu sinh bằng đủ thứ nghề, chứ không còn bươn chải trên những cánh đồng lúa nữa. Hỏi ra mới biết, sau khi Phân khu công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất đi vào hoạt động, 3 sào ruộng của gia đình anh không thể trồng trọt gì được. Chỉ tay về phía đám ruộng khô khốc, anh Hồng kể: “Ngày trước, khi chưa xây dựng mấy tuyến đường nội bộ trong phân khu công nghiệp thì 3 sào ruộng đó là nguồn sống của gia đình mình. Còn từ ngày có các tuyến đường, mùa nắng nước không thể dẫn được về đồng, còn mùa mưa thì ngập úng cả vùng. Xem như bỏ ruộng quanh năm.

Ruộng ở cánh Đồng Làng này “bờ xôi ruộng mật” đấy, nhưng bây giờ cỏ mọc cũng không đủ cho bò ăn”. Ông Đỗ Văn Lập - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, xác nhận: “Hơn 3ha ruộng ở cánh Đồng Làng xem như bỏ không 10 năm nay. Từ năm 2005, huyện có hỗ trợ kinh phí cho bà con, nhưng từ năm 2010, việc hỗ trợ không còn nữa, khiến cuộc sống của hơn 20 hộ dân lâm vào cảnh khó khăn. Xã đã xin chuyển vùng sản xuất cho người dân, nhưng cũng chưa được chấp nhận vì vướng quy hoạch mở rộng KKT Dung Quất”.

Không chỉ vậy, việc xây dựng khu TĐC Trung Minh, xóm Bàu Chuốc, thôn Bình An Nội (Bình Chánh) của BQL KKT Dung Quất cũng làm ảnh hưởng đến mương thoát nước tự nhiên, gây ngập úng nghiêm trọng các khu dân cư lân cận. Khu vực đất sản xuất Trảng Giữa cũng bị ngập úng khi có mưa, khiến nông dân ở đây điêu đứng. Nguyên nhân do tuyến đường số 3 chắn ngang, mặc dù có hệ thống thoát nước nhưng cát bồi lấp gần như toàn bộ. Lý giải điều này, ông Lê Văn Dũng - Phó Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất, nói: “Việc xây dựng kết cấu hạ tầng trong KKT Dung Quất đã làm thay đổi dòng thoát nước tự nhiên trong mùa mưa lũ là có thật.

Ruộng của người dân xã Bình Thạnh bỏ hoang do xây dựng hạ tầng Phân khu công nghiệp Sài Gòn -Dung Quất chưa hợp lý.
Ruộng của người dân xã Bình Thạnh bỏ hoang do xây dựng hạ tầng Phân khu công nghiệp Sài Gòn -Dung Quất chưa hợp lý.


BQL KKT Dung Quất cũng đã xây dựng tuyến thoát nước thay thế, nhưng do công tác bảo trì, bảo dưỡng để duy trì khả năng khai thác chưa được quan tâm, nên sau một thời gian hoạt động các công trình không còn phát huy tác dụng. Trước mắt, đơn vị sẽ kiểm tra hiện trường và tiến hành nạo vét trước mùa mưa bão năm 2014".

Cũng theo ông Dũng, tình trạng ô nhiễm môi trường do Nhà máy sản xuất xi măng Đại Việt- Dung Quất (KKT Dung Quất) gây ra tại thôn Tân Hy, Sơn Trà, xã Bình Đông đã được chủ đầu tư triển khai các biện pháp tối ưu để giảm thiểu tình trạng bụi, tiếng ồn. Tỉnh đã đầu tư trên 36 tỷ đồng để di dời 119 hộ trong khu vực ảnh hưởng. Việc đền bù cho các hộ dân trên đã thực hiện xong, người dân đến nơi ở mới đã ổn định.

Để có mặt bằng phục vụ cho việc triển khai dự án Nhà máy điện Dung Quất (Semcorp), BQL KKT Dung Quất đang trình tỉnh đầu tư 756 tỷ đồng, trong đó di dời toàn bộ các hộ dân còn lại ở thôn Tân Hy và Sơn Trà trong vùng ảnh hưởng do hoạt động của Nhà máy xi măng Đại Việt- Dung Quất là 353 hộ, với kinh phí 126 tỷ đồng. Nếu làm được điều đó thì vấn đề ngăn cản, mất trật tự trong khu vực KKT sẽ không còn tiếp diễn.


PHÚ ĐỨC - NGUYỄN TRIỀU
 

*Kỳ 2: Nỗi buồn mang tên chợ và nước


 


.