Nhức nhối tai nạn giao thông ở nông thôn

08:07, 21/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) có giảm so với năm 2013. Tuy nhiên, điều khiến các cấp, ngành lo lắng chính là tỷ lệ TNGT nghiêm trọng lại đang có xu hướng gia tăng, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.

TIN LIÊN QUAN


Gia tăng TNGT ở nông thôn

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2014 toàn tỉnh xảy ra 72 vụ TNGT, làm 68 người chết, 37 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2013 giảm 3 vụ, giảm 9 người chết và giảm 5 người bị thương. Thế nhưng, số vụ TNGT xảy ra ở vùng nông thôn có dấu hiệu gia tăng khi chiếm đến 60%, với 43 vụ, làm 41 người chết và nhiều người bị thương.

 

Một vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ.
Một vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ.


Theo ông Đặng Văn Minh- Giám đốc Sở GTVT, kiêm Phó Trưởng ban ATGT tỉnh, để giảm thiểu số vụ TNGT như hiện nay là cả một quá trình và phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống từ tỉnh đến xã, phường. Tuy nhiên, với số vụ TNGT xảy ra ở nông thôn chiếm tỷ lệ khá cao là điều đáng lo ngại. Bởi nó cho thấy, ý thức chấp hành Luật Giao thông cũng như bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân và người tham gia giao thông nói chung còn nhiều bất cập.

Trong tháng 2.2014, người dân xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa), liên tiếp đón nhận tin buồn khi mà chưa đầy một tháng đã xảy ra 3 vụ TNGT nghiêm trọng làm 4 người chết. Trong đó, hầu hết người điều khiển phương tiện có độ tuổi từ 18 - 25. Trực tiếp chứng kiến vụ TNGT, anh Nguyễn Hải, thôn An Tráng bảo mình bị ám ảnh trong thời gian dài. “Lúc đó tôi đang dọn đồ nghề thì thấy hai chiếc xe máy lao thẳng vào nhau bể nát. Người điều khiển và người ngồi sau xe máu me bê bết. Tôi với bà con xung quanh chạy ra gọi xe đưa những người bị nạn đi cấp cứu. Thế nhưng, không còn kịp nữa khi một người tử vong tại chỗ, hai người khác bị thương nặng”- anh Hải kể.

Hay mới nhất là vụ TNGT nghiêm trọng giữa hai xe gắn máy trên địa bàn xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) vào ngày 26.6 đã làm 4 người chết tại chỗ, 1 người bị thương nặng.

Theo thống kê thì hơn 70% số vụ TNGT trên địa bàn Quảng Ngãi trong thời gian qua là do xe gắn máy gây ra và đa phần là do thanh thiếu niên điều khiển. “Nguyên nhân là do số km đường nông thôn, miền núi tăng lên liên tục nhưng chưa có quy chuẩn về lộ giới, hành lang an toàn hai bên. Ngoài ra, các tuyến đường này cong cua nhiều. Cây hai bên đường do dân trồng thường che khuất tầm nhìn, trong khi biển báo, tín hiệu thiếu…” – ông Minh nói.
 

Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh, trong 6 tháng đầu năm đã phát hiện và lập biên bản xử phạt 38.640 trường hợp vi phạm; tạm giữ 2.665 phương tiện và gần 30 nghìn giấy tờ xe; cảnh cáo, giáo dục 161 trường hợp, phạt tiền hơn 35 nghìn trường hợp, với số tiền 22 tỷ đồng.

Trông chờ vào ý thức người dân

TNGT ở vùng nông thôn tăng cao là dấu hiệu cho thấy tình hình an ninh trật tự, ATGT đang có xu hướng dịch xa đô thị. Bởi ở các thị trấn, thành phố lực lượng chức năng luôn tuần tra, truy quét. Trong khi đó vùng nông thôn lực lượng mỏng, nên nhiều người tham gia giao thông chỉ “đối phó” là chủ yếu. Bên cạnh đó, lứa tuổi thanh thiếu niên thường tụ tập ăn nhậu và điều khiển phương tiện trong tình trạng không còn tỉnh táo.

Đường miền núi, vùng nông thôn thường có nhiều ngã rẽ, trong khi lực lượng chức năng làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT mỏng. Những vi phạm diễn ra hầu như không bị xử lý, mặc dù lực lượng công an xã đã được phép xử lý vi phạm. Lý do là vì đa phần những người vi phạm đều là anh, em, con cháu trong họ và người làng. Đây là một trong những nguyên nhân rất đặc thù khiến TNGT tại các vùng nông thôn có chiều hướng tăng.

Theo ông Minh, nhằm ngăn chặn, giảm thiểu TNGT ở khu vực nông thôn, các cấp, ngành cần tập trung tuyên truyền, vận động người dân tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT; thực hiện các biện pháp phòng tránh tai nạn như đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; tuân thủ tốc độ quy định; giảm tốc độ, quan sát an toàn khi đi từ đường phụ ra đường chính; đã uống rượu bia thì không lái xe...

Bên cạnh đó, các địa phương cần sớm lắp đặt biển báo và thiết bị bảo đảm ATGT, làm gờ giảm tốc từ đường phụ ra đường chính; đồng thời vận động người dân phát quang cây cối, chỉnh sửa tường rào để tránh ảnh hưởng tầm nhìn tại các điểm giao cắt trên đường liên xã, liên thôn. “Tuyên truyền là vậy nhưng để giảm thiểu TNGT thì phần lớn là trông chờ vào ý thức người dân, bởi họ là người trực tiếp tham giao giao thông” – ông Minh chia sẻ.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 


.