Nhân vật trên báo Quảng Ngãi: Ngày ấy, bây giờ

08:07, 09/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian thấm thoắt trôi, 20 năm đằng đẵng cứ ngỡ như hôm qua. Chừng ấy năm, nhiều nhân vật được “kể” trên Báo Quảng Ngãi giờ tóc đã lấm tấm bạc. Có những ký ức nhạt nhòa, nhưng vẫn còn nhiều kỷ niệm in hằn trong trí nhớ. Gặp những người trước nay xa lạ, nhưng tôi bỗng thấy thân quen lạ thường. Chắc có lẽ, vì tôi đã được “gặp” họ trên những trang báo cũ nhạt màu.

Hơn 20 năm gắn bó với tuổi thơ

Lần giở những tờ báo Quảng Ngãi được xuất bản năm 1993, tôi cứ ám ảnh mãi bài báo của tác giả Trà My viết về “Lớp mẫu giáo của cô giáo Hồng”. Tôi ấn tượng bài báo, không phải về mức độ “hoành tráng” của ngôn từ. Tôi chỉ nghĩ, thời kỳ khó khăn ấy, có một cô giáo “dám” mạnh dạn mở nhóm trẻ gia đình thì quả là “liều”. Khi đó, các trường mẫu giáo công lập hoạt động còn èo uột, thiếu thốn, nói chi đến những lớp trẻ tư nhân. Thế là, nhân vật cô giáo Hồng buộc tôi phải theo hết trang báo, để rồi, chân dung về một cô giáo “dám nghĩ, dám làm” đã thôi thúc tôi đến gặp “nguyên mẫu” giữa đời thực.

 

Số báo Quảng Ngãi viết về “Lớp mẫu giáo của cô giáo Hồng” ngày trước.
Số báo Quảng Ngãi viết về “Lớp mẫu giáo của cô giáo Hồng” ngày trước.


Chẳng hẹn trước, tôi "liều đến" Trường Mầm non tư thục Xuân Hồng (25/824 Lê Ngung, TP.Quảng Ngãi). Thú thật, tôi đến mà chẳng có hy vọng gặp được cô Hồng. Bởi 20 năm trôi qua, nhiều đổi thay, xáo trộn, chắc gì cô Hồng vẫn còn gắn bó với những lớp trẻ. Ngôi trường nằm trong con hẻm nhỏ và bình yên.

Trong cơn mưa lất phất, tiếng trẻ con ngân nga hát. Đây là cơ ngơi mà cô Hồng đã gầy dựng từ những ngày gian khó. Khi biết tôi là phóng viên, cô xua tay, bảo có gì để viết đâu. Gắn bó hơn 20 năm rồi, giờ cô Hồng cũng tính chuyện nghỉ ngơi để có thời gian bên con cái. Mà cũng đúng thôi, với người đàn bà ấy đã 62 tuổi, thì gia đình phải là ưu tiên số một. “Cô kể cho cháu nghe chuyện ngày trước đi cô”, tôi nài nỉ. Như động lòng trước “công sức” của tôi, cô Hồng chầm chậm trải lòng.

Theo lời cô Hồng, những năm đầu tái lập tỉnh, hệ thống trường mẫu giáo công lập trên địa bàn thị xã Quảng Ngãi ngày đó không thu nhận hết số lượng các cháu ở độ tuổi mẫu giáo, nên nhiều cán bộ, công nhân viên bận bịu với con cái, ảnh hưởng đến công việc. Trên những tuyến phố, trẻ con tụ tập đùa nghịch. Thế là cô Hồng, lúc này là giáo viên Trường THCS Trần Hưng Đạo, bàn với chồng, cũng là một thầy giáo, xin UBND phường và Phòng Giáo dục thị xã mở lớp mẫu giáo. Những ngày đầu mở lớp, thiếu thốn đủ bề, nhưng dần dà, mọi thứ đều đi vào nền nếp, quy củ. Các cháu đến học ở lớp mẫu giáo của cô Hồng theo đúng chương trình của Bộ GD-ĐT và thường xuyên được kiểm tra sức khỏe. Tiếng lành đồn xa, các lớp mẫu giáo của cô Hồng ngày một đông.

Năm 1997, cô Hồng quyết định nâng tầm các lớp học thành trường mầm non. Từ đó, Trường Mầm non tư thục Xuân Hồng không ngừng lớn mạnh. Có những thời điểm, Trường Mầm non tư thục Xuân Hồng có đến 7 lớp mẫu giáo. “Ngẫm nghĩ lại, cô thấy lựa chọn của mình là xác đáng. Ngày mới bắt đầu, đây là trường mẫu giáo tư đầu tiên của thị xã Quảng Ngãi. Trong cuộc sống, mình khai mở cái mới và có những thành công nhất định, âu cũng là niềm hạnh phúc lớn lao rồi”, cô giáo Hồng tâm sự.

Giờ đây, ở tuổi 62 với hơn 20 năm gắn bó với trường mẫu giáo của riêng mình, cô Hồng đã tính đường nghỉ ngơi. Nhiều việc, có khởi đầu thì có kết thúc. Mà có kết thúc, cũng chưa hẳn là hết yêu. Cô Hồng đùa rằng, nhìn đám trẻ đùa vui, nhảy múa hằng ngày, nên cô trẻ mãi. Nghĩ được và làm được cho mình, cho xã hội, thế cũng đã trọn một đời.

Người mẹ “nói dối” sự thật

Người đàn bà tôi đang nhắc đến trong bài viết này, được xưng tụng vì lòng nhân nghĩa. Nhưng tiếc thay, có những nhân vật xứng đáng với mọi sự tôn vinh, vậy mà, chúng tôi buộc phải giấu tên. Bởi, sau 24 năm, từ ngày mẩu tin nhỏ tuyên dương tấm lòng nhân hậu của bà trên Báo Quảng Ngãi khi nhặt một đứa trẻ bỏ rơi đưa về nuôi. Giờ đây, đứa con nuôi thuở trước, cứ mặc nhiên rằng, người đàn bà ấy là mẹ ruột của mình.

Tôi đến gặp bà trong một buổi chiều trời mưa giông mùa hè. Cơn mưa không đủ làm mát cái quán xập xệ bên đường. Người đàn bà ấy, sau 24 năm đã khác rất xa so với hình dung của tôi khi được nhìn bà trong trang báo cũ xỉn màu. Khi tôi đặt vấn đề viết về hoàn cảnh của đứa con bà nhận nuôi từ lúc lọt lòng, bà xua tay (lại là một cái xua tay tôi nhận được khi tác nghiệp), nhưng cái xua tay này chứa chan xúc cảm. Bà bảo, cô chỉ nói cháu nghe, nhưng đừng viết tên cô nhé. Tôi lắng nghe mà không khỏi thương cảm. Đứa con bà nhận nuôi 24 năm trước, nay đã trở thành một thanh niên cường tráng.

Trong suy nghĩ của mình, chàng trai trẻ luôn nghĩ rằng, bà là mẹ ruột. Cũng đúng thôi, 24 năm qua, bà chăm lo cho đứa trẻ ấy như chính bà dứt ruột đẻ ra. Dù gia cảnh của bà chẳng khá giả gì, nhưng bà vẫn cho con ăn học đàng hoàng. Bà bảo, có lần đứa con bà nhặt được hồn nhiên hỏi, sao mẹ đẻ con ra mà chẳng giống với cha mẹ hay anh chị tí nào. Bà đắng lòng! Nhưng rồi, vợ chồng bà cũng tìm mọi cách nói dối để đứa con không phải nghĩ ngợi gì. Cả đời bà, không biết bao lần phải nói dối để con bà tin chắc rằng, nó là con ruột của bà.

Cuộc sống, có những lời nói dối mang đến hạnh phúc. Vậy thì, người đàn bà đã một đời “nói dối” sự thật chẳng phải là rất đáng trân trọng hay sao.

 

Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU
 


.