Muôn chuyện quản lý nhà trọ, nhà nghỉ
Kỳ 1: Khi nhà nghỉ "không phải để… nghỉ"

03:07, 07/07/2014
.

Vì lợi nhuận, thời gian gần đây, nhiều chủ cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu buông lỏng quản lý, tạo sơ hở cho tệ nạn xã hội và các loại tội phạm hoạt động, gây mất an ninh trật tự và để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc…

Nhà nghỉ lên ngôi

Hiện nay, trên địa bàn TP.Quảng Ngãi có rất nhiều nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn,.. được xây dựng và đưa vào kinh doanh, không chỉ ở những tuyến đường trung tâm mà ngay cả trong các con hẻm nhỏ cũng có. Nhiều nhất là tuyến đường Nguyễn Công Phương, Quang Trung, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng, Quốc lộ 24B, An Dương Vương… Ngay trên tuyến đường Nguyễn Công Phương, chỉ một đoạn chưa đến 2km, từ ngã năm cũ đến Bệnh viện tâm thần có đến vài chục nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn. Theo số liệu từ Công an TP.Quảng Ngãi, hiện trên địa bàn có 181 nhà nghỉ, nhà khách, khách sạn, nhà trọ. Trong đó, Phòng PC 64, Công an tỉnh quản lý 43 cơ sở, Công an TP.Quảng Ngãi quản lý 138 cơ sở. Tập trung nhiều nhất là ở phường Nguyễn Nghiêm, Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Nghĩa Lộ… Riêng phường Nghĩa Lộ có 39 cơ sở.

 

Bảng giá từng giờ ở một nhà nghỉ trên Quốc lộ 24B.
Bảng giá từng giờ ở một nhà nghỉ trên Quốc lộ 24B.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hoạt động kinh doanh nhà nghỉ là siêu lợi nhuận, do nhu cầu hiện nay rất lớn. Ngoài khoản đầu tư ban đầu cho cơ sở vật chất, còn lại nhân lực và tiền chi trả nhân viên rất ít. Nhiều nhà nghỉ chỉ cần một lễ tân kiêm bảo vệ và nhân viên dọn dẹp, nhưng thường thì các nhà nghỉ, nhà trọ tận dụng người nhà cho tất cả các công việc trên. Vì thế, sau khi trừ hết chi phí, trung bình mỗi cơ sở có doanh thu cả chục triệu đồng/tháng. Lợi nhuận như vậy, cùng với nhu cầu nhà nghỉ ngày càng tăng cao đã kích thích nhiều người đổ xô vào kinh doanh trong lĩnh vực này.

Đã đành là trung tâm kinh tế- chính trị của tỉnh thì khách vãng lai đến sẽ nhiều hơn những nơi khác. Nhưng dạo một vòng qua các nhà nghỉ mới thấy, chẳng phải vì nhiều khách du lịch, khách đến tỉnh quan hệ làm ăn, công tác mà phần lớn khách ra vào nhà nghỉ lại là “những người chẳng có nhu cầu nghỉ ngơi”.
 
Một chủ nhân khách sạn tư nhân ở khu đê bao sông Trà nhẩm tính: So với việc cho khách thuê phòng cả ngày lẫn đêm thì từ khi xé lẻ cho thuê phòng theo giờ, lượng khách đến khách sạn của anh rất đông. Giá phòng dao động từ 50.000 - 80.000 đồng/phòng/giờ. Để hút khách, một số nơi đưa ra cơ chế khuyến mãi, nếu ở thêm giờ thứ 2 thì được giảm 1/3 giá tiền phòng và ở giờ thứ 3 thì giảm còn 50%. Điều kiện để thuê phòng cũng khá đơn giản, nếu khách đưa chứng minh thì lấy, còn không thì lễ tân được các chủ nhà nghỉ giáo huấn nên cũng chẳng thèm hỏi. Một nam lễ tân của một nhà nghỉ nọ, kể: Họ đến nghỉ theo giờ, mình mà hỏi giấy tờ thì chả có ai đến ở đâu. Bởi đây là những cặp tình nhân... nên mới tranh thủ một vài tiếng đồng hồ “tâm sự”.

Biến tướng nhà nghỉ…

Để có tư liệu cho bài viết này, tôi đi thực tế tại một khách sạn tên H. trên đường Hai Bà Trưng. Vừa bước vào, nhân viên lễ tân niềm nở tiếp tôi và giới thiệu giá phòng và không quên kèm theo câu hỏi "Anh có nhu cầu gì thêm không để em gọi. Ở đây cái gì cũng có". Tôi cười rồi nói: Mình có bạn rồi đang ở tầng 3. Thế rồi cô nhân viên lễ tân hướng dẫn tôi lên tầng 3 mà không cần kiểm tra một loại giấy tờ tuỳ thân nào. Ở một nhà nghỉ nọ trên đường Lê Thánh Tôn, chúng tôi 4 người gồm hai nam, hai nữ thuê 2 phòng xin được ở qua đêm nhưng quên mang giấy tờ tuỳ thân, thì được lễ tân ở đây hướng dẫn, chỉ cần một trong bốn người có giấy tờ là được. Và chúng tôi đưa một thẻ chứng minh  rồi cầm chìa khoá thẳng tiến lên phòng, còn cô lễ tân không cần biết chúng tôi ở chung hay ở riêng.

 Anh T. ở Sài Gòn về Quảng Ngãi thăm bạn thì bức xúc kể: Cách đây vài tháng, anh ghé vào một nhà nghỉ trên Quốc lộ 24B ở phường Trương Quang Trọng thuê phòng ở để tối đi thăm bạn. Tuy nhiên, vừa nghỉ được 1 tiếng, chủ nhà nghỉ đến bảo, do khách đông nên anh đi đâu đó chơi, để phòng này cho khách thuê theo giờ, tối về ngủ sẽ được giảm giá phòng. Và anh T. vừa ra ghế đá phía trước sân nhà nghỉ thì đôi nam nữ tình tứ dắt vào phòng mà anh đã thuê để “tâm sự”. Còn trên đường Nguyễn Trãi, có không dưới chục nhà nghỉ, nhà trọ. Khách ra vào nhà nghỉ liên tục, không quá ồn ào, người ra, người vào đều rất nhanh.

Ở đây dường như mọi việc đã quen thuộc đến nỗi người dân xung quanh chẳng ai thèm quan tâm, soi mói hay bàn luận chuyện cặp đôi dập dìu nhau vào nơi đây nữa. Một cặp đôi chừng trên 30 tuổi phóng xe máy vào đỗ trước cửa nhà nghỉ L. Hai chiếc mũ bảo hiểm mắc vội lên xe rồi đi nhanh vào bên trong nhà. Thấy vậy, chủ nhà vội dắt xe vào và không quên quay biển số xe vào tường,… Chừng 10 phút sau một người đàn ông khoảng 50 tuổi, ăn mặc lịch sự phóng xe thẳng vào trong nhà nghỉ, có vẻ là khách quen. Lát sau, một phụ nữ đeo khẩu trang kín mặt lao xe đến rồi cũng vội vã đi vào nhà nghỉ…

Trên đường Lê Thánh Tôn, tuy có rất nhiều nhà nghỉ nằm sát nhau nhưng nhà nào cũng tương đối đông khách. Những chiếc xe máy được chủ nhà khéo léo giấu biển số bằng cách quay đuôi xe vào tường. Có nhà nghỉ còn làm cả bức bình phong để “giấu” xe giúp khách. Điều đó cho thấy, khách thường xuyên ra vào nơi đây không phải là khách thập phương đến công tác hay đi du lịch. Một bác hành nghề xe ôm ở gần đó, kể: Khu này giá phòng phải chăng, chỉ có 50- 80 nghìn đồng là nghỉ cả buổi trưa cho 2 người. Dân ở đây thì quen rồi, vì cứ thấy những phụ nữ đeo khẩu trang kín mặt vội vội vàng vàng ra vào là biết ngay dân ngoại tình...

Đó là những quý ông “chán cơm thèm phở" và những quý bà lén chồng tìm thú vui với tình nhân. Có cặp người đến trước, kẻ vào sau, có cặp đến bằng xe taxi… Không ít lần, chúng tôi bắt gặp cảnh quý ông, quý bà vào sáng sớm và xế chiều, vai đeo vợt đánh cầu lông, tennis, có người thậm chí mặc đồ bộ, đồ công sở, đồ ngủ,… tấp vào các nhà nghỉ, nhà trọ chớp nhoáng tiếng đồng hồ rồi ra về.
    
Bài, ảnh: Bá Sơn
 

*Kỳ 2: Nơi phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội.
 

.