Khốn khổ vì nạn khai thác vàng trái phép

10:07, 13/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 6 tháng qua, việc khai thác vàng trái phép nơi đầu nguồn sông Re thuộc xã Hiếu, huyện Kon Plong (Kon Tum) đã làm cuộc sống của  cư dân phía tây huyện Ba Tơ sinh sống ở hạ lưu ven sông này bị đảo lộn...

Nói không với “dòng sông chết”

Qua địa bàn xã Ba Vì (Ba Tơ), dòng sông Re ôm lấy con đường về xã Ba Xa, nước không còn trong xanh mà ngả màu trắng đục. Theo triền sông chúng tôi về thôn Gọi Re, xã Ba Xa. Già Phạm Văn Là, nhà sát bên sông, đang sửa lại ống lấy nước từ con suối Rách đưa về, bảo: “Bây giờ, bà con bắt ống dây đưa nước về nấu ăn, tắm giặt…chứ không dám ra sông nữa. Bởi tắm nước sông ai cũng bị ngứa, nổi hột mà sợ”.

 

Người dân thôn Gọi Re bức xúc trước cảnh đào, đãi vàng đầu nguồn sông Re làm nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài.
Người dân thôn Gọi Re bức xúc trước cảnh đào, đãi vàng đầu nguồn sông Re làm nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài.

Ông Phạm Văn Trường nói chen vào, hơn 6 tháng rồi dòng nước không còn trong xanh như những mùa hè trước mà cứ hết đục màu đỏ rồi chuyển sang màu trắng đục. Lúc đầu, bà con cứ nghĩ do mưa nguồn nên nước đục, nhưng sau khi xuống sông tắm thì thấy ngứa. “Có hôm nước đục quá không dám cho cả trâu, bò uống, sợ gia súc mắc bệnh. Bởi lẽ nước sông đục là do người ta thuê xe múc đất ở đầu nguồn đem ra sông, dùng mâm đãi tìm vàng, nguồn nước mới đục thế”-ông Trường bức xúc.

Mùa này nắng gắt, các con suối cạn khô. Hơn 400 hộ dân ở thôn Gọi Re và thôn Mang Krá sinh sống ven sông Re này xưa nay đều lấy nước sông để sinh hoạt, tắm giặt và cho gia súc uống. Thế nhưng, dòng sông nay đã bị ô nhiễm, bà con phải đi vét mạch nguồn từ núi cao rồi mua ống nước bắt dẫn về để dùng trong sinh hoạt gia đình. “Có hôm nước ít quá, trâu không đủ uống, nó chạy ra sông uống nước nên sợ lắm… nhưng cũng đành bất lực”– ông Là lo lắng.

 Kể từ ngày dòng sông bị ô nhiễm, cuộc sống bà con đã bị đảo lộn hoàn toàn. Từ đó, dòng sông một thời quen thuộc với bà con nay họ lại trở nên sợ sệt. Ông Đinh Nam Oang – Chủ tịch UBND xã Ba Xa cho biết: Nguồn nước sông Re bị ô nhiễm đã làm ảnh hưởng cuộc sống của hơn 400 hộ dân ở hai thôn Gọi Re và Mang Krá. Xã đã khuyến cáo bà con không nên cho trẻ em ra sông tắm, không được dùng nước sông ăn uống, sinh hoạt mà đào giếng khơi, lấy nước suối để sinh hoạt nhằm ngăn chặn dịch bệnh xảy ra.

Thượng nguồn phá, hạ nguồn… chịu

Quá bức xúc với tình cảnh dòng sông bị ô nhiễm, dân sinh sống đầu nguồn sông Re đã báo với chính quyền địa phương tìm cách khắc phục. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Huỳnh Thương, cho biết: Sông ô nhiễm đã gây xáo trộn cuộc sống của nhân dân các xã Ba Xa, Ba Vì, Ba Tiêu, Ba Ngạc và vùng hạ lưu, ảnh hưởng đến việc chăn nuôi gia súc, mất an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực đãi vàng. Huyện đã thành lập tổ tuần tra truy quét từ thôn Gọi Re đến ranh giới xã Hiếu, huyện Kon Plong, qua đó đã phát hiện hai vị trí đào, đãi vàng trái phép.

Tại lô 1, khoảnh 15, tiểu khu 445 xã Ba Xa, đoàn đã phát hiện các đối tượng đào đất, đãi vàng bằng tay, dụng cụ thô sơ. Sau khi nghe tiếng động, các đối tượng đã bỏ chạy. Tại lô 3, khoảnh 11, tiểu khu 501 thuộc xã Hiếu, huyện Kon Plong, theo suối Pờ Rin, suối Kà Lân Y Mua, đoàn đã phát hiện 4 máy nổ hiệu Đông Phong đang bơm, hút, tưới nước; 3 sàng dùng đãi vàng và 34 đối tượng thực hiện. Hiện trường tại điểm kiểm tra các con suối bị đào bới có chiều rộng khoảng 5m, chiều dài cả 1.000m, rải rác có các cây gỗ bị ngã đổ, nguồn nước bị ô nhiễm có màu vàng đục.
 
Qua điều tra thu thập thông tin từ người dân tại thôn 6 và thôn 8 xã Hiếu thuộc huyện Kon Plong thì có một số người đang mua đất của dân và dùng xe máy đào, máy múc hoạt động đãi vàng ồ ạt tại các con suối. Tất cả các con suối mà đối tượng đào, đãi vàng trái phép này đều chảy về sông Re, gây nên ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng và gây bức xúc trong nhân dân từ Tết đến nay.

Chính quyền huyện Ba Tơ và UBND tỉnh đã có văn bản gửi huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức kiểm tra, truy quét và xử lý nghiêm các đối tượng đào đãi vàng, khai thác khoáng sản trái phép nơi thượng nguồn sông Re. Thế nhưng, đến giờ sông vẫn cứ bị ô nhiễm…
 
 
Bài, ảnh: MAI HẠ
 

.