Hậu tái định cư các dự án vùng cao (kỳ 3)

09:07, 17/07/2014
.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 3: Nghèo vẫn hoàn nghèo


(Báo Quảng Ngãi)- Cuộc sống của hàng nghìn con người ở các khu TĐC đang rơi vào cảnh chật vật, đó là một thực tế đã và đang diễn ra ở các địa phương miền núi trên địa bàn tỉnh. Thực trạng tái nghèo sau những năm giàu có bất ngờ nhờ nhận tiền đền bù đang hiện hữu.

 

Làng TĐC vắng bóng người

Khu TĐC thủy điện Hà Nang, xã Trà Thủy (Trà Bồng), sau gần 6 năm di dời, 105 hộ đồng bào dân tộc Cor, với gần 500 nhân khẩu, rơi vào cuộc sống quá khó khăn. Trường học xây xong bỏ hoang vì thiếu trang thiết bị, nên tận dụng làm hội trường. Mấy năm liền cả tổ phải thắp đèn dầu vì không có điện Quốc gia. Rồi người đau ốm bệnh nặng người làng chỉ còn biết… khiêng bệnh nhân lên trạm y tế xã bởi đường sá đi lại quá khó khăn, ô tô, xe máy không thể đi lại được. Đặc biệt là khi trời mưa thì việc đi lại tưởng chừng không thể do bùn đất nhão nhẹt, sạt lở núi luôn rình rập.

“Việc học của con cái cực kỳ gian nan. Tôi phải thuê nhà của bà con dưới xã cho con cái ở lại theo học cái chữ, chứ trên này làm gì có trường mà học. Ở TĐC khổ lắm!” – anh Hồ Văn Tuấn than vãn.

Khu TĐC thủy điện Hà Nang vắng hoe.
Khu TĐC thủy điện Hà Nang vắng hoe.


Ông Hồ Văn Tự - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Thủy cho biết, hiện nơi ở mới quá khó khăn nên rất nhiều hộ dân ở thôn 4 và thôn 1 về nơi ở cũ dựng nhà tạm để sản xuất. “Cứ một tuần ở nhà TĐC thì tuần sau họ tìm về nhà cũ để ở. Nơi ở mới không có đất sản xuất, thiếu thốn đủ thứ bởi giữa bốn bề  là rừng phòng hộ nên họ không thể làm gì được. Nhiều hôm lên khu TĐC nhưng làng vắng hoe bởi người dân về làng cũ hết rồi. Đó là cái khó của địa phương. Hiện tôi được biết huyện, tỉnh sẽ đầu tư kéo điện, hệ thống nước sạch… về cho người dân. Hy vọng người dân sẽ trở về nơi TĐC ổn định sinh sống” – ông Tự nói.

Nguy cơ tái nghèo tăng cao

Từng được xem là đại gia phố núi Trà Thọ, khi nhận số tiền đền bù từ Dự án Hồ chứa nước Nước Trong lên đến gần một tỷ đồng. Không biết làm gì với số tiền quá lớn chàng thanh niên Hồ Văn Bường, thôn Tây, sắm chiếc ô tô trị giá hàng trăm triệu đồng về… chạy chơi. “Ngày đó nghe thông tin Bường mua xe ô tô chúng tôi đến can ngăn và khuyên nên để dành tiền lo cuộc sống sau này. Thế nhưng, Bường không nghe và sắm xe ô tô, tổ chức ăn nhậu và giờ xe cũng bán, cuộc sống của Bường hiện rất khó khăn. Bường thuộc diện hưởng trợ cấp hằng tháng của Nhà nước”, ông Hồ Tấn Vũ - Chủ tịch UBND xã Trà Thọ cho biết.

Cũng như Trà Thọ, cuộc sống của hàng trăm người dân trong vùng Dự án thủy điện Đắkđrinh (Sơn Tây) những tưởng sẽ  “cất cánh” bởi số tiền đền bù rất lớn. Người ít thì 200 - 300 triệu, người nhiều thì nhận một tỷ, thậm chí vài tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay mới chỉ sau hơn một năm giàu lên bất ngờ, thì hiện tại có rất nhiều hộ nhờ tiền đền bù xây nhà cao cửa rộng, giờ đang rơi dần về những ngày gian khó.

Ông Đinh Kà Để - Bí thư Huyện ủy Sơn Tây cho biết, huyện đã chỉ đạo các cấp ngành, xã, thôn vào cuộc vận động, tuyên truyền thậm chí giữ hộ, gửi hộ tiền vào ngân hàng cho người dân, nhưng rồi đâu lại vào đấy. “Người dân nhận thức kém nên khi có trong tay số tiền lớn họ chỉ biết ăn chơi mà không biết làm cách nào để làm giàu từ đồng tiền nhận được. Cứ đà này nguy cơ số hộ dân mới thoát nghèo sẽ tái nghèo trở lại. Đó là thực trạng đáng lo ngại” – ông Để nói.

Lời giải cho bài toán hậu TĐC

Mục tiêu của TĐC là đảm bảo cho người dân ổn định chỗ ở, ổn định cuộc sống, có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập... Về cơ bản, cuộc sống mọi mặt của người dân phải tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên mục tiêu này đến nay vẫn chưa thể thực hiện được bởi nhiều nguyên nhân. Và TĐC luôn là câu chuyện. Nếu làm tốt thì người dân TĐC sẽ ổn định hơn, an cư hơn khi vào nơi ở mới. Còn ngược lại, ở đó nỗi bức xúc lại nhân lên...

Phải chăng, nguyên nhân xuất phát ngay khi dự án vừa được triển khai trên giấy. Trong đó, câu chuyện về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, di dân, tiến độ thực hiện… Để làm tốt vấn đề này, trước hết, cần phải thống nhất cơ chế chính sách, bảo đảm tính ổn định, tránh sự thay đổi liên tục, gây khó trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, cần phải có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương trong thực hiện di dân TĐC.

Đối với chuyện hậu tái định cư cũng cần lưu tâm. Trong đó làm sao để người dân TĐC có thể ổn định cuộc sống bền vững. Đặc biệt là việc cấp đất canh tác và các giải pháp khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ kỹ thuật canh tác, đầu tư thủy lợi, giống, vật tư cho người dân ổn định sản xuất… Chính sách cần có cái nhìn dài hơi, bảo đảm tính hiệu quả giúp người dân sau tái định cư hoàn toàn yên tâm sản xuất, bảo đảm cuộc sống tại nơi ở mới. Các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư cần có chính sách chia sẻ lợi ích giữa chủ đầu tư với người dân trong diện tái định cư…
                  

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 


.