Đừng để "dải đê xanh" biến mất

09:07, 05/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Rừng ngập mặn (RNM) không chỉ có vai trò quan trọng trong việc điều hoà khí hậu, hạn chế bão lũ, triều cường mà còn có khả năng hạn chế xâm nhập mặn và bảo vệ nước ngầm.  Tuy nhiên, trong những năm gần đây diện tích RNM trên địa bàn tỉnh bị suy giảm nghiêm trọng gây nên tình trạng sạt lở bờ biển, xâm nhập mặn tiến sâu hơn vào nội đồng... ảnh hưởng lớn đến sinh kế của cộng đồng dân cư dải ven biển.

Teo tóp rừng ngập mặn
 

“Giao RNM cho người dân quản lý là cách để quản lý và bảo vệ rừng. Nhất là khi rừng dừa nước, ngoài vai trò ngăn mặn, còn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vào việc bán cành dừa nước, mà bình quân 1 ha dừa nước, người dân thu về được 20-30 triệu đồng. Điều này vừa bảo vệ được hệ sinh thái rừng, lại vừa được hưởng lợi từ rừng, nên diện tích rừng dừa nước tại địa phương vẫn được giữ gìn qua nhiều năm”, ông Nguyễn Thế Nhân- Chủ tịch UBND xã Bình Phước- xã có 144 ha RNM, chiếm hơn 73% diện tích RNM của tỉnh chia sẻ kinh nghiệm giữ rừng.

Rừng ngập mặn tại xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), từng là một rừng dừa nước rộng 120ha. RNM này giữ vai trò như một “bức tường xanh” ngăn mặn, ngăn gió, giúp người dân sống trong khu vực này có thể vững lòng trước thiên tai, gió bão. Nhưng đó chỉ là câu chuyện của 20 năm về trước. Còn bây giờ, rừng dừa nước xanh mướt năm nào chỉ còn trong ký ức. Bởi hiện nay, hồ tôm mọc đến đâu thì dừa nước bị triệt hạ đến đó. Rừng dừa nước hơn 100ha năm nào giờ chỉ còn là một khoảnh nhỏ nằm lọt thỏm giữa hàng loạt hồ tôm lớn nhỏ.

Không riêng gì diện tích RNM tại xã Tịnh Hòa, mà trong vài năm trở lại đây, khi phong trào nuôi tôm rộ lên, diện tích rừng ngập mặn cũng dần bị thu hẹp. Hơn 3ha rừng đước tại thôn Mỹ Lại, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) hiện cũng đang bị hồ tôm lấn dần nên chỉ còn chưa đầy 1 ha.  Ông Lư Văn Tin - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê cho biết, mặc dù địa phương đã nhiều lần tuyên truyền lẫn xử phạt, nhưng vẫn không ngăn được tình trạng mất rừng. Theo số liệu kiểm kê rừng năm 2002, tổng diện tích RNM trên địa bàn toàn tỉnh là 312 ha, tập trung ở huyện Bình Sơn. Đến cuối năm 2013, thì diện tích trên chỉ còn 197 ha, giảm khoảng 115 ha. Vậy là chỉ sau hơn 10 năm, gần 40% diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh đã “biến mất”.

Cần sự hợp lực từ nhiều phía

Đứng trước tình trạng diện tích RNM ngày càng thu hẹp dần, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án “Trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn ven biển xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn”. Với tổng diện tích 114,4ha, dự án được kỳ vọng sẽ chống xâm thực, tăng cường khả năng phòng hộ, điều hòa khí hậu và bảo vệ sinh thái ven biển; bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực dự án. Đồng thời, giải quyết công ăn việc làm tại địa phương, tạo thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân tham gia dự án.

Hồ tôm đang lấn dần diện tích RNM ở Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi.
Hồ tôm đang lấn dần diện tích RNM ở Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi.


Ngoài dự án trên, Chi cục Biển và Hải đảo tỉnh còn đề xuất dự án “Trồng mới rừng phòng hộ xung yếu kết hợp nuôi trồng thủy sản theo hình thức quảng canh”  với quy mô 129ha và dự án “Hỗ trợ  phát triển RNM sản xuất” với quy mô bảo vệ toàn vẹn gần 172ha hiện có và trồng mới 89ha RNM trên đất nuôi trồng thủy sản không hiệu quả. Theo ông Đỗ Ngọc Vinh - Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo thì, “chỉ có xây dựng mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng; sử dụng hương ước để cộng đồng dân cư cùng tham gia quản lý rừng mới bảo vệ được rừng một cách bền vững. Và các đề án trên không chỉ góp phần bảo vệ được RNM mà còn tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Cũng theo ông Vinh, để quản lý, bảo vệ tốt diện tích RNM trên địa bàn tỉnh, nhiệm vụ đặt ra cho các cấp, ngành chức năng trong thời gian tới là phải nhanh chóng tiến hành giao RNM cho các hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư thôn để mọi diện tích RNM đều có chủ quản lý thực sự, đồng thời cần phải có cơ chế chính sách hưởng lợi hợp lý, gắn trách nhiệm vật chất của chủ rừng với kết quả bảo vệ rừng. Đối với những địa phương để xảy ra tình trạng phá rừng trái phép thì người đứng đầu cấp ủy đảng, Chủ tịch UBND các cấp phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và bị xử lý theo quy định thì mới mong giữ được RNM.
 

Bài, ảnh: Ý THU
 


.