25 năm ấy...

09:07, 02/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khi niềm hân hoan đón mừng sự kiện tái lập tỉnh đang cao trào, thì cũng là lúc nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị tỉnh cũng chồng chất. Việc “an cư” đang còn ngổn ngang thì cơn “đại khủng hoảng” Đông Âu và Liên Xô ập đến gây hiệu ứng xấu đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Nhớ thuở đầu trụ sở Tỉnh ủy tạm thời bố trí ở Viện điều dưỡng, các sở ban ngành tỉnh phải tá túc ở khắp nơi. Trong khi “toàn bộ nguồn ngân sách tiền mặt của tỉnh đến ngày tái lập chỉ vỏn vẹn có 76 triệu đồng; có đơn vị các hàng hóa bằng hiện vật chia kèm theo công nợ, bán không đủ trả nợ.

Trong tình thế khó khăn chồng chất khó khăn ấy, Nghị quyết số 01/NQHN-TU của Tỉnh ủy đã đặt lên vai lãnh đạo tỉnh phải “từng bước ổn định tình hình kinh tế-xã hội” trước mắt, đồng thời “tạo tiền đề phát triển trong những năm tới”.

 

Quảng Ngãi đang trên đà đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.               Ảnh: P.D
Quảng Ngãi đang trên đà đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ảnh: P.D


Điều mà lãnh đạo tỉnh trăn trở hàng chục năm trường là CNH, HĐH nền kinh tế-xã hội như thế nào, khi còn đang vật vã trong “mặt trận chống đói nghèo”. Từ năm 1991- 1995, tỉnh dành 59,9% vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách nhà nước cho nông nghiệp, trong đó 78,2% cho công trình thủy lợi Thạch Nham. Đó là quyết sách tích cực, để rồi Thạch Nham hoàn thành, với năng lực tưới trên 50.000 ha đất khát, với hệ thống giao thông rộng khắp, mở ra thuận lợi cơ bản cho nông thôn Quảng Ngãi trên bước đường CNH, HĐH.

Năm tháng không phai mờ hình ảnh lớp cán bộ đứng mũi chịu sào của tỉnh thuở ban đầu. Cùng với các thế hệ cán bộ các cấp mà hành trang vào thời kỳ đổi mới và hội nhập thiếu hụt đủ thứ, với ý thức trách nhiệm và nhiệt tình, họ kiên trì cần mẫn, vừa học, vừa làm; vừa tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ các cấp.

Khi ấy các cuộc họp Tỉnh ủy chủ trì, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Quang Thắng bao giờ cũng đến trước 5 phút. Chỉ riêng chi tiết nhỏ ấy đã khiến cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tự thấy phải bắt đầu từ tập làm việc đúng tác phong công nghiệp. Làm việc với Bí thư phải chuẩn bị văn bản thật kỹ, có số liệu chứng minh khoa học, phải chuẩn bị nhiều phương án cân nhắc. Bí thư ít hỏi chi tiết trong báo cáo mà thường quan tâm tình hình thực tế, đặc biệt là những vấn đề dư luận trái ngược nhau. Đêm khuya, Bí thư vẫn dành thời gian đọc sách, đọc để tích lũy kiến thức và cũng là đọc để nghỉ ngơi tích cực sau hàng đống công việc xử lý hằng ngày. Ông đọc cả đông tây kim cổ, đôi khi cả tác phẩm văn học phương Tây bằng nguyên bản tiếng Pháp.

Một lần tháp tùng Bí thư về Tịnh Trà, về với đồng gieo tiền Thạch Nham. Trời nắng như đổ lửa giữa vùng khát, cát trắng bụi mù níu bước chân người. Để rồi ông gieo vào tâm khảm anh em chuyên viên Văn phòng Tỉnh ủy cùng đi ước mơ về những cánh đồng tràn trề nước mát Thạch Nham, hứa hẹn những mùa vàng trĩu hạt.

Sau này, khi làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, mỗi khi về Quảng Ngãi, ông thường ghé thăm anh em chuyên viên, vẫn nói cười nhỏ nhẹ, vẫn thủ thỉ tâm tình ấm áp như xưa. Bằng công việc hằng ngày, ông đã tạc vào tâm khảm chúng tôi câu nói để đời: “Phải biết phát hiện cái mới, dù mới chỉ như một mầm non mới nhú lên mà thôi”.

Thực hiện CNH, HĐH vào từng công việc, ngành nghề, ở địa phương thời ấy còn rất mông lung. Với phát triển kinh tế, chỉ đạo của tỉnh là “Tiếp tục xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển hẳn các đơn vị kinh doanh thương nghiệp sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa”. Muốn vậy trước hết phải chuyển tư duy. Trong giao thời giữa tư duy cũ-mới, Công ty Nông sản thực phẩm xây dựng Đề án phát triển nhà máy chế biến tinh bột mì. Khi ấy nhiều ý kiến ủng hộ, khích lệ, nhưng cũng có những ý kiến cho rằng: Đơn vị thương nghiệp sao không tập trung làm thương nghiệp, lại lấn sân lo việc trồng mì, xây nhà máy chế biến tinh bột... Tương tự, đề án Nhà máy Bia Quảng Ngãi khi ấy, thuộc Nhà máy Đường Quảng Ngãi, khi trình xin chủ trương của tỉnh cũng lại gặp những lời dị nghị đại loại: Sao không tập trung mở rộng phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao hiệu suất thu hồi, lại lo nấu bia để say sưa...

Rồi tỉnh cũng quyết và nhà máy cũng mọc lên. Vào thời điểm manh nha kinh tế thị trường, ý tưởng xây dựng nhà máy tinh bột mì quả là mới mẻ và táo bạo lúc bấy giờ, và nhà máy sản xuất bia cũng là hướng mở mới ngoài chế biến mía đường truyền thống. Đó là sự bắt nhịp quy luật phát triển kinh tế thời kỳ đổi mới. Những ý kiến phản bác, trái ngược cũng là lẽ thường tình. Hạn chế ấy bởi tầm tư duy chưa theo kịp tình hình, trong bối cảnh “Phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” chưa tròn vành, rõ chữ như sau này.

25 năm, trải qua 5 kỳ đại hội, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi đã đoàn kết phấn đấu, biến thời cơ thành hiện thực, từ điểm xuất phát thấp trở thành tỉnh vào tốp 10 về thu ngân sách nhà nước. GDP bình quân đầu người/năm từ 0,24 triệu đồng năm 1989 đã vọt lên 2.042 USD năm 2013, tăng 179 lần so với khởi đầu. Đó là kết quả sự nỗ lực phấn đấu toàn diện của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, mà đột phá là công trình Đại thủy nông Thạch Nham, Khu Kinh tế Dung Quất với "trái tim" Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Và gần đây, Khu Đô thị-Thương mại-Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi đã và đang hình thành, một nhân tố mới xuất hiện đầy hứa hẹn trên mảnh đất này.


Nhớ lại những năm tháng không thể nào quên, những sai lầm vấp váp khó tránh khỏi, để ta càng vui hơn, tự tin hơn với thành quả rất đỗi tự hào của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, từ mùa thu năm 1989 ấy, mùa khởi đầu “chung tay xây dựng quê mình đẹp hơn...”
 

Văn Phong
 


.