Một năm thiếu nước 8 tháng

01:06, 07/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tổ dân phố Đồi Ráy, thị trấn Di Lăng vừa được UBND huyện Sơn Hà xếp vào diện “27 thôn thuộc vùng thiếu nước sạch sinh hoạt” với 8 tháng thiếu nước trong năm – cao nhất huyện. Về nơi ấy mới thấy được nỗi khổ của người dân…

Hệ thống nước sinh hoạt trơ đáy

Tổ dân phố Đồi Ráy có 2 khu tái định cư là Đồi Ráy và Đồi Gu. Cả hai khu này đều thuộc diện bị thiếu nước sinh hoạt 8 tháng trong năm. Khu tái định cư Đồi Ráy trước kia là những quả đồi trồng keo, mì, sau này được huyện Sơn Hà chọn làm nơi tái định cư cho 67 hộ dân ở Nước Nia bị sạt lở đe dọa.
 
 Người dân khu TĐC Đồi Gu xuống suối Nước Nia xách nước về dùng.
Người dân khu TĐC Đồi Gu xuống suối Nước Nia xách nước về dùng.

Dự án tái định cư được thực hiện bài bản, với hạ tầng đầy đủ các hạng mục điện, đường, trường, trạm, hệ thống nước sinh hoạt. Trong đó, hệ thống nước sinh hoạt đã 2 lần xây dựng với tiền tỷ, nhưng hiện nay chẳng có giọt nước sinh hoạt nào chảy ra từ các bể nước thuộc hệ thống này . Anh Đinh Văn Tâm, tổ trưởng tổ dân phố Đồi Ráy, bảo: “Bể to thế đấy, nhưng không có nước. Chẳng hiểu cán bộ tính toán thế nào mà công trình xây xong không phát huy tác dụng”.

Con đường nhỏ dẫn về Khu tái định cư Đồi Ráy quanh co, cứ độ vài chục mét lại có một bể chứa nước nhưng trong đó chẳng có lấy một giọt nước nào. Nguyên nhân được người dân ở đây lý giải: Bể đầu nguồn không có nước, thì lấy đâu ra nước dẫn về bể chứa ở khu dân cư.

Dân vất vả tìm nguồn nước

Dọc đường lên tổ dân phố Đồi Ráy, bên lưng chừng con dốc cuối cùng dẫn vào khu dân cư có một cái giếng nằm sát đường giao thông. Tranh thủ buổi trưa, nhiều người dân Đồi Ráy ra xách nước, tắm giặt. Nói là cái giếng nhưng thực chất chỉ là 4 tấm đanh cũ làm nắp cống được người dân tận dụng dựng lên bao quanh mạch nước ngầm tạo thành vũng nước nhỏ. Sơ sài và không đảm bảo vệ sinh, nước tắm, giặt đổ ra mặt đất lại tiếp tục tràn xuống giếng. “Biết là bẩn, nhưng không dùng nước này thì không còn nguồn nước nào khác” – anh Đinh Văn Danh đang giặt quần áo phân trần với chúng tôi.

Ở tổ dân phố “8 tháng thiếu nước sinh hoạt” này có duy nhất nhà của ông tổ trưởng tổ dân phố Đinh Văn Tâm là tìm được nguồn nước từ suối đầu nguồn dẫn về nhà dùng. Ông Tâm bảo gia đình phải bỏ nhiều ngày trời đi tìm nguồn nước ở các khe suối trên núi cao. Sau đó vay mượn gần 5 triệu đồng mua dây, xây bể chứa, ống dẫn nước về nhà.

Ông Tâm tỏ ra tự hào về công trình nước sinh hoạt của mình, song lại có vẻ trách chính quyền xây dựng hệ thống nước sinh hoạt cho Đồi Ráy không tận tâm, khiến dân thì không có nước dùng, tiền của Nhà nước thì phơi mưa, phơi nắng gây lãng phí. Ông Tâm bảo: “Mình có nước dùng thì đỡ khổ rồi. Còn dân làng nhiều năm vẫn phải vất vả nay chỗ này, mai chỗ khác tìm từng can nước. Nắng nóng thế này việc tìm nước dùng gay go lắm!”.

Chủ tịch UBND thị trấn Di Lăng Đinh Quốc Bình cho biết: “Hai lần huyện làm đều thất bại, hệ thống nước không phát huy tác dụng. Giờ mà xây tiếp chắc người dân không đồng tình. Thị trấn đang đề nghị huyện khảo sát, đào mấy cái giếng truyền thống thôi!”.

Giữa trưa, nơi cái giếng “sơ sài” lưng chừng Đồi Ráy, nhiều cụ già, trẻ em đầu trần vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ tới lượt mình xách nước, tắm, giặt.  

Mong suối đừng cạn…

Ở khu tái định cư Đồi Gu buổi trưa vắng ngắt. “Đàn ông đi rẫy. Còn đàn bà, trẻ con xuống suối tắm giặt, xách nước rồi” – cụ bà Đinh Thị Via cho hay. Cụ Via chỉ cái bể xi măng to tướng được ban quản lý dự án xây cho gia đình cụ ngay trước hiên nhà, bảo: “Cái bể này chỉ để mùa mưa chứa nước trời thôi. Còn bình thường nó không có nước. Thế mà khi mới về ở, cán bộ dự án bảo cái bể này có nước quanh năm”. Nói xong cụ Via cũng tranh thủ xách can nhựa xuống suối lấy nước.

Con suối Nước Nia năm nay cạn bất ngờ. Nước sinh hoạt của toàn bộ dân Đồi Gu này đều trông chờ vào con suối này. Nước suối cạn, lòng người lại thấp thỏm lo âu. Dù không đảm bảo vệ sinh, nhưng không có con suối này thì dân Đồi Gu không biết lấy nước đâu mà dùng.

Những người dân nhường đất, nhường nhà cho hồ chứa nước Nước Trong giờ lại phải sống cảnh thiếu nước sinh hoạt. Chuyện nước cho sản xuất ở Đồi Gu còn gian nan hơn. Hơn 10,5ha đất tái định canh cho dân Đồi Gu giờ chỉ có khoảng 4ha đưa vào sản xuất. 6,5 ha khác bỏ hoang cho lau lách mọc vì không có nước tưới.

 
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 

.