Dùng thuốc trừ sâu đánh bắt tôm, cá: Thực trạng đáng báo động

12:06, 04/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, một số người dùng thuốc trừ sâu để đánh bắt tôm, cá ở các sông suối đầu nguồn. Cách làm  này đang là một thực trạng đáng báo động.
 
Tận diệt nguồn thủy sản

Không còn trung thành với cách đánh bắt truyền thống, nhiều người hám lợi chỉ cần dùng vài gói thuốc trừ sâu Karate 2,5 EC hoặc Fastac 5EC, là có thể đánh bắt được nhiều tôm cá. Đây là loại thuốc trừ sâu, có công dụng trừ sâu cuốn lá, rầy nâu, bọ trĩ, bọ xít, sâu cuốn lá, có giá bán rất rẻ.

Trong vai một nghiên cứu sinh đang theo học chuyên ngành thủy sản, chúng tôi  đã “mục sở thị” một nhóm thanh niên dùng loại thuốc cực độc này để bắt tôm, cá  trên sông. Nhiều lần dè dặt trước việc muốn tìm hiểu của chúng tôi, cuối cùng N.N.T, một người có nhiều kinh nghiệm trong việc “bổ” tôm bằng thuốc bật mí: “Con tôm sau khi “dính” phải thuốc này thì lớn nhỏ đều chết hết. Cứ đến các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nói mua thuốc sâu Karate 2,5 EC hoặc Fastac 5EC là họ bán ngay. Người bán thuốc đâu biết mình mua về để “bẫy” tôm. Họ không nghi ngờ gì cả”. Nói xong N.N.T mở bao ni lông đưa ra 5 gói thuốc Karate 2,5 EC. Loại thuốc có giá bán chỉ 3.000 đồng/gói mà nhóm T đã chuẩn bị sẵn.

 

Dư lượng thuốc trừ sâu còn tồn đọng sẽ gây nguy hiểm cho người ăn phải loại tôm này.
Dư lượng thuốc trừ sâu còn tồn đọng sẽ gây nguy hiểm cho người ăn phải loại tôm này.



Theo chân nhóm thanh niên, sau 40 phút vượt đường núi đèo dốc, chúng tôi có mặt tại xã Trà Tân (Trà Bồng). Dừng chân tại một khúc sông chạy qua thôn Trà Ót, nhóm T dừng xe và bắt đầu xem xét địa hình.

Đang vào mùa khô nên con sông Giang chảy qua khu vực này nhiều đoạn trơ đáy. Thấy tôi có vẻ tò mò về việc chọn vị trí để đánh rải thuốc đầu độc tôm,  T cho hay: “Đây là khu vực có thác nước mạnh, lại nhiều ghềnh đá, rong rêu, chắc chắn sẽ có rất nhiều tôm trú ngụ”. Nói xong, T xé toạc liên tục 5 gói thuốc sâu rắc đều thuốc xuống dòng nước trong vắt. Mùi thuốc sâu nồng nặc bốc lên trong cái nắng hừng hực giữa ban trưa. Đứng giữa dòng nước, T nói vọng lên với chúng tôi: “Bây nhiêu đủ rồi, đợi chút nữa tha hồ mà bắt... !”.

“Bức tử” sông suối

Quả đúng như lời T nói, chỉ sau chừng 3 phút, tôm “dính” thuốc, thi nhau búng mạnh lên khỏi mặt nước, rồi đờ đẫn nằm phơi bụng la liệt dọc hai bên bờ sông. Cả một đoạn sông kéo dài gần 2km bỗng chốc trở thành dòng sông chết. Nước bốc mùi nồng nặc. Theo quan sát của chúng tôi, đây là đoạn sông gần khu vực dân sinh nên có rất nhiều người tắm giặt, chăn thả trâu bò.

Thấy tôm bắt đầu “say” thuốc, nhóm thanh niên tức tốc lội xuống nước để nhặt tôm. Nhanh tay bỏ tôm vào bao, một người trong nhóm cho hay: “Vì là tôm sông, sống tự nhiên, nên được nhiều người rất ưa chuộng. Vàng thau lẫn lộn, nên người mua cũng không phân biệt được đâu là tôm đánh bắt bằng thuốc độc với tôm đánh bắt theo cách thông thường nên họ cũng không dè dặt khi mua về làm thức ăn”.

 


Ông Hồ Việt Tùng - Chủ tịch UBND xã Trà Tân cho biết: “Từ đầu năm đến nay chúng tôi đã xử lý nghiêm 3 trường hợp sử dụng kích điện để bắt tôm cá trên địa bàn xã. Riêng việc sử dụng thuốc trừ sâu để đánh bắt tôm cá, năm 2013, chúng tôi cũng phát hiện một trường hợp nhưng lại không bắt được những đối tượng này. Dọc các khu vực sông suối trên địa bàn xã, có nhiều dân cư sinh sống nên sẽ rất nguy hiểm nếu người dân hoặc gia súc uống phải nước có thuốc trừ sâu. Việc phát hiện, xử lý những trường hợp lén lút đầu độc môi trường này là rất khó khăn”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Phạm Bá - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Thuốc BVTV chỉ có công dụng BVTV. Việc sử dụng sai mục đích sẽ hủy hoại môi trường. Đây là hành vi vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Sẽ là cực kỳ nguy hiểm nếu ăn phải loại tôm được đánh bắt bằng cách này. Dư lượng độc tố ngấm vào tôm rất khó tẩy rửa. Nhiều trường hợp người ăn không bị ngộ độc ngay, nhưng về lâu dài nếu ăn thường xuyên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe”.

Việc dùng thuốc BVTV để đánh bắt tôm, cá trên các sông suối đang trở thành một vấn nạn nguy hiểm. Mong rằng chính quyền địa phương và các ngành chức năng sớm vào cuộc ngăn chặn, xử lý nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ sức khỏe của nhân dân.


Bài, ảnh: NGỌC VIÊN
 


.