Tháng tư về thăm Khu 7

08:05, 02/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tháng tư đầu hạ nắng vàng trải khắp nơi nơi. Tháng tư về trên đất ngàn cau Sơn Tây hôm nay – căn cứ cách mạng Khu 7 năm xưa chứa chan nắng vàng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vùng đất Khu 7 là căn cứ cách mạng kiên cường phía tây của Quảng Ngãi. Hôm nay, Khu 7 đang đổi thay từng ngày...

Chiến khu xưa…

Ngày 20.7.1957 được sự nhất trí của Liên khu 5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã quyết định thành lập Ban cán sự Đảng Khu 7 gồm 8 xã vùng cao Sơn Hà – tiền thân của huyện Sơn Tây sau này. Năm 1965, Khu 7 chính thức được gọi là huyện Sơn Tây.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, huyện Sơn Tây sau đó được nhập chung với huyện Sơn Hà. Tháng 8.1984, huyện Sơn Tây được tái lập và từ đó đến nay ngoài tên gọi là huyện Sơn Tây, người ta còn đặt cho huyện Sơn Tây cái tên thân thương khác “Đất ngàn cau”. Và cho dù là huyện Sơn Tây hay “Đất ngàn cau” thì cán bộ, quân và dân nơi đây từ bao đời nay vẫn luôn một lòng trung trinh với Đảng, đi theo cách mạng, Bác Hồ, đoàn kết xây dựng và bảo vệ quê hương...

 

Học sinh vùng cao Sơn Long (Sơn Tây).
Học sinh vùng cao Sơn Long (Sơn Tây).


Đất Sơn Tây còn là nơi đơn vị lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh – Đơn vị 89 đóng quân. Nơi ấy là xã vùng sâu, vùng xa Sơn Lập – cách trung tâm huyện lỵ Sơn Tây khoảng 42 km. Tính đến nay, huyện Sơn Tây đã gần tròn 20 tuổi kể từ ngày tái lập huyện. Nơi chiến khu xưa, nhân dân các dân tộc anh em Kinh, CaDong, Hrê một lòng đoàn kết, lao động, sáng tạo,  từng bước phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp phần đưa chiến khu xưa với nhiều khó khăn trở thành huyện Sơn Tây đang từng ngày đổi thay.

Sơn Tây hôm nay…

Từ sau ngày tái lập huyện đến nay, dẫu vẫn còn nằm trong diện huyện nghèo của cả nước, nhưng cái nghèo ở Sơn Tây không còn “kiệt” như trước đây. Tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm đều giảm xuống. Số thôn đặc biệt khó khăn cũng ngày một ít lại. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của Sơn Tây chỉ còn khoảng 47%.

"Phố núi Sơn Tây" hôm nay.


Trong từng giai đoạn, Sơn Tây đều có định hướng phát triển kinh tế - xã hội với trọng tâm, trọng điểm rõ ràng. Trong đó “cái gốc” của vấn đề được xác định là “con người”. Chặng đường dài 20 năm, Sơn Tây không ngừng tập trung đầu tư cho công tác giáo dục. Với thành công ban đầu chỉ là “duy trì sĩ số học sinh ra lớp”, đến nay Sơn Tây đã có trường đạt chuẩn quốc gia; chất lượng giáo dục không ngừng tăng lên.

Lớp học trò thời mới tách huyện nay lại quay về vun đắp sự nghiệp “trồng người”, làm thầy dạy chữ cho lớp sau. Giáo dục phát triển đã góp phần làm đổi thay lớn trong nhận thức của người dân. Vấn đề quan trọng nhất trong hỗ trợ người dân an cư lạc nghiệp là hỗ trợ nhà ở cũng được Sơn Tây rất chú trọng. Tận dụng các chương trình, chính sách hỗ trợ, trong những năm qua, đặc biệt là 5 năm trở lại đây, trên địa bàn Sơn Tây đã có hơn 3.000 hộ được hỗ trợ làm nhà mới, sửa chữa nhà bị hư hỏng, với tổng kinh phí lên đến gần 60 tỷ đồng. Nhiều khu tái định cư cho vùng có nguy cơ sạt lở và vùng ảnh hưởng thiên tai đã được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện để người dân an tâm ổn định cuộc sống.

Để giúp người dân giảm nghèo, huyện Sơn Tây đã triển khai nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp tập quán canh tác, thổ nhưỡng, khí hậu. Trong đó, cây keo và con trâu được xác định là “thế vững chắc” giúp người dân có của ăn, của để, vươn tới khá giàu.

Hiện tại, bình quân mỗi hộ dân Sơn Tây có gần 1 ha keo; cứ 10 hộ thì có 1 hộ có trâu, bò. Với địa hình không thuận lợi, nhưng nông dân Sơn Tây vẫn nỗ lực tìm tòi, khai hoang mở rộng diện tích lúa nước, gieo sạ để có lúa ăn, góp phần đảm bảo lương thực tại chỗ.

Điều dễ dàng nhận ra là diện mạo nông thôn miền núi của Sơn Tây hôm nay đang đổi thay từng ngày. Đó là điện - đường - trường - trạm ngày càng khang trang.

Tuyến đường từ Sơn Hà - Sơn Tây bê tông phẳng lỳ. Cung đường đông Trường Sơn dài 42 km ôm lấy một phần huyện lỵ Sơn Tây và hàng trăm tuyến đường liên thôn, liên xóm mở ra đã “kéo” người dân từ trên núi cao về hai bên đường dựng nhà, ổn định cuộc sống, bớt đi hiu quạnh, có điều kiện chăm lo cho con cái học hành, mở mang kiến thức, tiếp cận với văn minh, tiến bộ…

Sau nhiều năm tìm lời giải cho bài toán thu nhập, Sơn Tây đã chạm được mốc bình quân 6 triệu đồng/người/năm... Thực tế vẫn chưa thể khẳng định Sơn Tây đã hết khó khăn. Thế nhưng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Sơn Tây đã được chính quyền và chính người dân quan tâm chăm lo, phát triển.

Bước qua tuổi 20 sau ngày tái lập huyện và chuẩn bị bước vào 40 năm sau ngày giải phóng đất nước, người dân Sơn Tây vẫn đoàn kết, kiên trung hướng về cách mạng, cùng chung tay xây dựng Sơn Tây đẹp giàu…

Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.