Những đôi mắt buồn Chanchu

09:05, 09/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 17.5.2006, cơn bão Chanchu bất ngờ đổi hướng, gây cảnh tang thương cho gia đình hàng trăm ngư dân miền Trung khi đang đánh bắt trên biển.  Tám năm qua đi, nước mắt đã khô trên đôi mắt những người mẹ mất con, người vợ mất chồng. Tại xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) nơi có 20 người chết và mất tích năm ấy, nỗi đau Chanchu đã lùi lại, để sự sống được hồi sinh.

Biển khơi nghiệt ngã

Đến thôn Tân An, xã Nghĩa An, giữa những ngôi nhà cao tầng phất lên nhờ biển, là 9 ngôi nhà san sát, gắn biển “Nhà tình thương” do Báo Thanh niên giúp đỡ nạn nhân của bão Chanchu. Trong những ngôi nhà đó, chỉ mấy ngày nữa thôi là ngày giỗ thứ 8 của 18 người chồng, người con đã nằm lại biển khơi do bão Chanchu. Khẽ lau di ảnh 3 người con trai, chị Đinh Thị Nhanh (55 tuổi) lại rơi nước mắt:  “Nhắm mắt lại là cô ước mong sao sáng mai tỉnh dậy thấy ba đứa con trai của cô trở về, để cô có thể phá cái bàn thờ này đi…”. Ước muốn ấy có trong chị từ ngày mới nghe tin thuyền của gia đình gặp nạn.

 

Chị Đinh Thị Nhanh bên di ảnh ba người con đã mất tích trong bão Chanchu.
Chị Đinh Thị Nhanh bên di ảnh ba người con đã mất tích trong bão Chanchu.


Trên thuyền lúc ấy, ngoài 3 người con trai của chị Nhanh, người nhỏ nhất vừa 17 tuổi, còn có 1 người em chồng và 6 ngư dân khác trong thôn. Mất mát quá lớn khiến chị Nhanh như người vô hồn, ngày ngày dẫn đứa con trai út mới 7 tuổi ra ngóng biển, gặp ai cũng hỏi “Sao con tôi giờ này chưa thấy về?”. Chồng chị Nhanh đau gan đã lâu nên gánh nặng gia đình đổ lên đôi vai người phụ nữ ấy. Tiền mượn đóng tàu, tiền dầu, tiền đá còn nợ, cùng tiền sinh hoạt, chăm lo 3 người con nhỏ, chị xoay sở bằng đủ nghề. Sáng bán bún, chiều đúc bánh xèo, nuôi gà, nuôi vịt… chị cứ lầm lũi, không cho mình ngơi tay. Tám năm qua đi, cái dáng đi lom khom, mái tóc muối tiêu làm đậm thêm khuôn mặt khắc khổ, và đôi mắt buồn, sâu thẳm như chứa cả sự nghiệt ngã của biển khơi.

Chồng chị Cao Thị Lâu (51 tuổi), cũng là một nạn nhân của cơn bão Chanchu. Anh ra đi khi chị mới 43 tuổi, để lại 6 đứa con thơ, đứa lớn nhất 18 tuổi, đứa nhỏ nhất chưa tròn 2 tuổi. Chị nhớ lại: “Lúc ấy, nửa tháng không ăn hạt cơm nào chị cũng không biết đói, nhìn mấy đứa con còn nhỏ quá, không biết rồi phải sống ra sao”. Trước đây, vì gia đình đông con nên chị chỉ ở nhà lo cho các cháu, mọi chi tiêu đều nhờ vào những chuyến đi biển của chồng. Chị Lâu cho biết: “Thấy hoàn cảnh mình lúc đó, nhiều người đến ngỏ ý xin con, ai cũng nghĩ mình làm sao nuôi nổi 6 đứa nhỏ”. Biết phía trước là chông gai, vất vả, nhưng thương con nhỏ mới mất cha, chị tự động viên  mình phải đứng dậy. Sáu đứa con đã cho chị nghị lực, cho chị niềm tin trở lại cuộc sống. “Lúc đó, mình quên mất cuộc đời của mình, chỉ biết mình phải sống, vì tương lai của các con”, chị Lâu chia sẻ.

Hồi sinh

Hiện ở xã Nghĩa An có 6.238 người lao động bằng nghề biển, dân số gần 20 ngàn người. Trung bình mỗi năm, có khoảng 3  lao động chết hoặc mất tích trên biển. Dù biển cả có nghiệt ngã thế nào, những người đàn ông nơi đây vẫn bám biển vươn khơi. Và những người đàn bà miền biển này vẫn phải gắn cuộc đời với nỗi âu lo và nghị lực phi thường. Với họ, nghị lực ấy đã trở thành bản năng sống.
Chị Võ Thị Lệ Thu-  Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, nói
.


Chị Đặng Thị Điệp - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa An cho biết: “Nói đến chị Lâu bây giờ, nhiều chị em trong xã đều khâm phục. Một mình chị làm lụng nuôi con và dạy dỗ các cháu nên người. Sáu đứa con của chị đều được ăn học đàng hoàng, biết đỡ đần cho mẹ và thương yêu đùm bọc nhau”. Con gái lớn của chị Lâu, sau khi học xong bổ túc đã đi làm và lo cho cậu em đang học Đại học Kiến trúc TPHCM. Bốn đứa nhỏ hơn, đứa học lớp 4, đứa lớp 9, hai đứa học 12, và đều là học sinh khá. Chị đã có thể tự hào kể về con mình vào ngày giỗ của chồng. Tám năm qua, ngày ngày chị Lâu đi cào don, bắt ốc, chiều lại bán hàng rong trên bãi biển ở xã. Biển đã lấy đi sự sống của chồng chị, nhưng cũng chính biển cho con chị những bữa cơm, cho chị niềm tin...

Ngày ba anh trai ra đi, đứa con út của chị Nhanh mới 7 tuổi, quệt nước mắt theo mẹ ra biển ngóng tin anh, giờ em đã học lớp 10. Còn 2 con gái lớn thì đã lấy chồng, sinh con, chồng của hai chị cũng lao động bằng nghề biển. Số tiền được cộng đồng giúp đỡ sau cơn bão Chanchu, chị Nhanh trả hết nợ nần cho gia đình. Còn dư lại, chị góp vốn vào thuyền của anh em và mua thêm gà, vịt về chăn nuôi trong nhà. Cuộc sống giờ đây chưa được đầy đủ nhưng cũng đã thư thả hơn. Để nguôi nỗi nhớ con, chồng chị Nhanh lại quay về với biển, lo cơm nước cho thuyền của anh em. Niềm vui của chị là những ngày chồng đi biển vào, mang quà cho chị là vài con cá, con tôm tươi rói. Những lúc ấy lòng chị thấy nhẹ, vì anh vẫn khỏe mạnh, bình an. Chị luôn mong mưa thuận gió hòa, để không còn ai phải chịu nỗi đau mất mát khi con đi biền biệt, như cô đã trải qua.


Bài, ảnh: HÀ XUYÊN
 


.