Lẻ loi phận già

01:05, 16/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mang nặng, đẻ đau, chín tháng mười ngày mới sinh được đứa con. 30 năm dưỡng dục nuôi con khôn lớn thành người, bỗng một ngày đứa con trai duy nhất bỏ nhà đi biệt tích. Hai thân già rơi vào phận lẻ loi. Đó là hoàn cảnh của vợ chồng ông lão Trần Quy (81 tuổi), thôn 3B, Vĩnh Tuy, Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh).

Nghèo nhất của thôn

Thấy có khách lạ, ông Quy bước từ trong bếp ra, chùi đôi bàn tay lấm lem vào chiếc quần đùi “màu cháo lòng” mà chắc cũng chẳng sạch hơn đôi bàn tay gầy dơ xương. Với vội mấy chiếc ghế nhựa mời khách ngồi với cử chỉ e dè tự ti lắm. Trong căn nhà ấy, ngoài chiếc tivi “đời cô lựu” chẳng còn tài sản gì quý giá. Túp lều được lợp tạm bợ bằng những tấm tôn đã hoen gỉ và những tấm bạt cũ sờn rách.   

 

Ông Quy và vợ mỏi mòn chờ con quay về.
Ông Quy và vợ mỏi mòn chờ con quay về.

Ông Quy năm nay 81 tuổi. Bà Nguyễn Thị Lục (vợ ông) 78 tuổi. Ngày còn khỏe, hai vợ chồng lên rẫy trồng keo, đặt bẫy thú rừng, bì bõm trên đồng ruộng cày cấy “đầu tắt, mặt tối” chăm chỉ làm ăn nuôi con trai Trần Văn Định khôn lớn… Vậy nhưng, những công việc quen thuộc ấy với ông Quy bây giờ đã quá xa vời bởi tuổi già sầm sập đến cộng thêm bị gãy xương đòn vai, không có tiền chữa trị dứt điểm nên cứ trái gió trở trời là ông đau rưng rức. Bà Lục càng thê thảm hơn. Hơn 10 năm nay đổ bệnh, đau ốm triền miên nằm liệt giường. Vậy là qua thời nuôi con, ông Quy chuyển qua nuôi vợ. Khác là, ông không tự làm lụng nuôi bà Lục được nữa mà cái ăn, mặc, thuốc thang phải nhờ cưu mang của bà con chòm xóm và chính quyền địa phương.

“Nhờ bà con hàng xóm cho lon gạo, miếng thịt heo, con cá, cọng rau sống qua ngày thôi” – ông Quy giọng buồn xa ngái nói. Bà Lục thì thỉnh thoảng lại cong người ho sù sụ không dứt. Quanh nhà ông Quy chỉ lèo tèo vài cây rau, chiếc ao nhỏ đã cạn thấy đáy, chẳng cá, tôm nào sinh sống nổi. Cũng không có con gia cầm nào được thả nuôi bởi như lời ông Quy nói ăn còn không đủ lấy đâu cho gà, vịt!

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tịnh Hiệp ông Huỳnh Đoàn nói: “Thôn 3B là thôn miền núi đặc biệt khó khăn, gia đình ông Quy là gia đình đặc biệt nghèo trong cái thôn ấy. Đói, đau ốm liên miên. Xã loay hoay tìm nguồn dựng cho ông căn nhà nhỏ, cuốn sổ tiết kiệm nhưng vẫn chưa ra nguồn”.

Khắc khoải 10 năm!

Hơn 10 năm trước, gia cảnh quá túng quẫn, con trai duy nhất của ông bà Lục là Trần Văn Định (nay đã 43 tuổi) lặng lẽ bỏ nhà đi không lời từ biệt cha mẹ. Ông bà cứ thấp thỏm hy vọng mong chờ con đi kiếm tiền phụ giúp và nuôi dưỡng lúc xế chiều. Ấy vậy nhưng, một năm, hai năm rồi ba năm… nỗi khắc khoải mong chờ cứ dài theo năm tháng nhưng tin con thì vẫn bặt tin.

Những năm đầu, bà Lục cứ chiều chiều lại ra đứng trước sân ngửa mặt nhìn trời rồi nhìn vào hướng xa xăm vô định. Ông Quy bảo biết bà đang ngóng tin đứa con trai. “Ngóng miết rồi cũng thành quen, tui chẳng để ý nữa. Dạo gần đây, bà ấy bệnh, nằm liệt giường nên chẳng tự đi được. Có hôm, bả kêu tui cho ra sân nhìn trời đất. Tui biết ý của bả liền gắt gỏng ra làm gì, xem như không có nó (con trai)”- ông Quy mắt đỏ hoe nói.  “Nói cho hung, lòng ông chẳng đứt ra từng khúc khi mỗi đêm trở mình, thở dài, mất ăn, mất ngủ cả mấy năm trời đó à”- bà Lục quay qua “đáp từ” lại ông Quy. “Tui đau một thì bả đau mười, chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau. Nuôi dưỡng, lớn khôn hơn 30 năm. Nay con cái đi biệt, mất tăm mất dạng. Giả nó còn sống thì cũng tin về cho chúng tôi một dòng để biết. Đằng này, sống chết chẳng ai hay…” - ông Quy lại im lặng.

Nhìn qua bà Lục lại thấy hai khóe mắt trên khuôn mặt già nua đơn kép hằn in vết chân chim ngân ngấn nước. Túp lều nhỏ im lìm, chỉ có tiếng lá cây rừng xao xác! Lúc lâu sau, giọng ông Quy cất lên run run, phá tan sự im lặng đang bao trùm, nghe não nề: “Nghe hàng xóm đồn đi Tây Ninh, chứ hai vợ chồng có được nghe nó nói đâu”! Mà Tây Ninh ở chỗ nào vậy các chú”?.

“Con cái có thể bỏ cha mẹ. Cha mẹ nào lại đặng bỏ con cái. Nhớ con, mong con vậy đó, tủi thân nên nói dỗi thôi. Ông bà Quy còn một người con gái nữa làm công nhân may ở Sài Gòn. Nhưng làm chẳng đủ ăn và nuôi con nên không phụ giúp được cho cha mẹ. Mà cái anh Định này cũng lạ thật, đi đâu mà biệt tăm?”-  Chủ tịch Ủy ban MTTQ Huỳnh Đoàn tự vấn, nói thêm vào!

Chia tay ông bà Lục, rừng chiều vẫn xao xác tiếng lá cây. Túp lều nhỏ lại rơi vào thinh không tĩnh mịch! Dẫu vậy, trong túp lều ấy, niềm hy vọng, nỗi nhớ con luôn đong đầy, quay quắt!
 
Bài, ảnh: Hà Minh

 

.